Bảo lãnh cho Quỹ bảo lãnh?
Sau gần 6 tháng triển khai Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa thực tế rất ít DN trên địa bàn cả nước tiếp cận được Quỹ. Theo nhận định của DN và những cán bộ quỹ thì nguyên nhân là do một số quy định quá chặt chẽ từ quy chế.
Theo “Quy chế Thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Điều 23 về “Biện pháp bảo đảm cho hoạt động bảo lãnh vay vốn” có quy định: “Bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình mà pháp luật không cấm giao dịch để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm”. Đây chính là “chỗ vướng” lớn nhất khiến các DN rất khó tiếp cận được quỹ.
Ông Nguyễn Long Đỉnh, chủ vựa trái cây chợ đầu mối Thủ Đức – TP HCM cho biết: “Tôi rất vui mừng khi biết TP HCM đã có Quỹ bảo lãnh cho DN vay vốn ngân hàng. Tôi đã tìm đến Quỹ với hi vọng được hỗ trợ bảo lãnh. Nhưng tôi thật sự thất vọng, vì để được bảo lãnh, tôi cũng phải có tài sản để bảo đảm cho Quỹ. Như vậy, có tài sản bảo đảm thì tôi mới được Quỹ bảo lãnh cho vay vốn ngân hàng. Quy định này gần như đã “vô hiệu hóa” hoạt động của các Quỹ bảo lãnh. Bởi vì nếu tôi có tài sản, tôi đã dùng chính tài sản đó để thế chấp vay ngân hàng, đâu cần Quỹ bảo lãnh – để mất thêm thời gian, thủ tục và phải đóng thêm phí ...”.
Đáng ngạc nhiên là đại diện của một Quỹ Bảo lãnh tín dụng cũng “than” khó: với quy định này thì chỉ những dự án đầu tư xây dựng mới có thể tiếp cận được nguồn vốn. DN sẽ dùng tài sản cố định được hình thành trong tương lai như nhà xưởng, nhà kho.. để bảo đảm, thì Quỹ mới dám bảo lãnh. Còn những DN cần vốn để kinh doanh dịch vụ hoặc mua nguyên liệu sản xuất, thì Quỹ sẽ... không dám. Cho nên với quy định này, các dự án cần vay ngắn hạn phục vụ sản xuất hoặc dịch vụ thì rất khó được Quỹ Bảo lãnh, trong khi nhu cầu của các DN ở lĩnh vực này rất lớn. Ngoài ra các điều khoản “không có nợ xấu” cũng là quy định rất khắt khe, khó có DN nào tiếp cận được quỹ này. Bởi sau thời gian rơi vào khủng hoảng, khoảng 70% các DN ở đồng bằng sông Cửu Long đều đã vay nợ xấu hoặc đang có tài sản thế chấp ở ngân hàng.
Để Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động hiệu quả, Hiệp hội DN một số địa phương cho rằng, quỹ nên nới lỏng điều khoản bảo lãnh, cụ thể là bỏ quy định về tài sản thế chấp, nợ xấu ngân hàng mà nên xét tính khả thi của dự án cũng như hoạt động kinh doanh hiện tại của DN.
Nguyễn Thủy
DĐDN
|