Chủ Nhật, 20/04/2014 15:29

Giải thể doanh nghiệp sẽ nhanh gọn hơn

Những thủ tục giải thể DN phức tạp và tốn kém khiến nhiều DN "nản lòng" khi muốn rút lui khỏi thị trường. Điều này có được khắc phục trong dự thảo Luật DN (sửa đổi)? Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương) - một trong những thành viên của Ban soạn thảo Luật DN (sửa đổi).

Thưa ông, những năm qua, cộng đồng DN thường phàn nàn về thủ tục giải thể DN mất thời gian, tốn kém. Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN) lần này có khắc phục được tình trạng này hay không, thưa ông?

Luật DN lần này được sửa đổi với mong muốn sẽ giải quyết được những bất cập trong khi làm thủ tục giải thể DN. Quy trình thủ tục giải thể sẽ được thực hiện theo hướng tự động, gồm các bước:

Bước 1, DN ra quyết định giải thể hoặc DN bị giải thể theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bước 2, sau khi DN quyết định giải thể hoặc bị giải thể, DN phải gửi quyết định đó cho cơ quan đăng kí kinh doanh để cơ quan đăng kí kinh doanh công bố công khai tình trạng DN đang trong quá trình giải thể trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng kí kinh doanh và trang điện tử cơ quan Thuế. Đồng thời DN sẽ tiến hành thanh lí tài sản.

Bước 3, DN sẽ nộp yêu cầu giải thể DN. Sau đó cơ quan đăng kí kinh doanh sẽ xóa tên DN theo yêu cầu giải thể DN. Trong trường hợp DN không yêu cầu xóa tên, sau khoảng 6 tháng kể từ ngày DN công bố tình trạng giải thể, và không nhận được sự phản đối nào của các chủ nợ có liên quan thì cơ quan đăng kí kinh doanh sẽ tự động xóa tên DN và như vậy DN được coi là giải thể.

Vậy trong trường hợp có phản hồi từ chủ nợ thì việc giải thể này có tiếp tục?

Trong vòng 6 tháng, nếu có chủ nợ phản đối DN giải thể vì bất kì lí do gì, có thể là chưa thanh toán hoặc thanh toán không đủ các khoản nợ thì quá trình giải thể sẽ dừng lại.

Giải thể nghĩa là DN muốn tạm dừng kinh doanh trong trường hợp vẫn đủ tài sản để thanh lí các khoản nợ đến hạn. Đó là bản chất của giải thể, khác với vấn đề phá sản DN. Việc giải thể là công việc của DN, DN phải tự giải quyết các vấn đề về nợ và chịu trách nhiệm với các vấn đề về nợ. Nếu như DN đã thanh toán hết các khoản nợ, đệ đơn yêu cầu xóa tên DN và kết thúc quá trình giải thể, thì Luật DN có quy định DN phải tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các hồ sơ xin giải thể. Trong trường hợp hồ sơ của DN không trung thực, không chính xác, toàn bộ những người quản lí có liên quan của DN phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những khoản nợ chưa thanh toán và những khoản thiệt hại phát sinh cho những chủ nợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày giải thể.

Như vậy với những quy định mới của dự thảo Luật DN, công tác giải thể DN sẽ không còn khó khăn như trước?

Tôi dự kiến quá trình giải thể sẽ trơn tru hơn, nhanh gọn hơn đồng thời vẫn bảo vệ được tốt hơn lợi ích của những bên có liên quan. Chúng ta cũng phải đặt ra một hoàn cảnh là việc giám sát xã hội không phải chức năng chính của Nhà nước mà tất cả các bên có liên quan đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ, thậm chí bằng kinh phí của mình để thực hiện việc giám sát xã hội. Trong quá trình DN giải thể, tất cả các bên cũng phải tích cực chủ động tham gia vào quá trình đó chứ không phải là trách nhiệm riêng của cơ quan nhà nước. Trong trường hợp này, anh đã từ chối sự giám sát đó anh có thể bị thiệt hại.

Vậy ước lượng thời gian làm thủ tục giải thể theo các quy định mới của dự thảo Luật DN sẽ như thế nào, thưa ông?

Về cơ bản, nếu như DN chủ động, tích cực, DN có thể hoàn thành thủ tục giải thể trong vòng 3 ngày. Bởi vì có DN tại thời điểm ra quyết định giải thể họ không nợ bất cứ ai cả. Như vậy trong vòng 3 ngày họ có thể đệ đơn yêu cầu xóa tên DN. Đó là bình thường. Trong một số trường hợp chúng ta biết hiện nay, một số DN công bố quyết định giải thể, nhưng vì lí do nào đó họ không đến làm thủ tục thì sau thời hạn 6 tháng, cơ quan đăng kí kinh doanh có thể tự động xóa tên DN và kết thúc quá trình giải thể.

Xin cảm ơn ông!

Trong nhiều trường hợp, giải thể DN là bình thường

Thực tế cho thấy việc giải thể DN có thể có nhiều lí do khác nhau. Do đó, trong nhiều trường hợp, giải thể DN được coi là một hoạt động bình thường, ví dụ nhà đầu tư thôi không muốn kinh doanh nữa hay chấm dứt hoạt động kinh doanh này để chuyển sang hoạt động kinh doanh khác có hiệu quả hơn. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, do những khó khăn về kinh tế, số lượng DN rơi vào tình trạng giải thể, phá sản là lớn và ngày càng tăng lên. Theo số liệu thống kê năm 2013 có khoảng trên 60.000 DN rơi vào tình trạng giải thể hoặc mong muốn giải thể. Mặc dù vậy, số lượng DN hoàn thành thủ tục giải thể không nhiều, chỉ có 9.818 DN. Rất nhiều DN như vậy đã cho rằng họ gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục giải thể.

Khó khăn, vướng mắc trong giải thể DN được cho là do một số nguyên nhân sau:

+ Một số khái niệm có liên quan chưa rõ ràng, khó xác định trên thực tế, ví dụ như khái niệm “không hoạt động liên tục 6 tháng” theo khoản 2(d) Điều 165 Luật DN.

+ Luật thiếu những biện pháp chế tài, quy định ràng buộc trách nhiệm của người quản lí DN thực hiện giải thể DN theo đúng trình tự, thủ tục.

+ Khoản 6 Điều 158 của Luật DN chưa hợp lí và có nhiều tác động tiêu cực. Một số DN lạm dụng quy định này để được giải thể “tự động” mà không mất thời gian, chi phí để làm thủ tục giải thể.

+ Thực tế cho thấy khi thực hiện giải thể thì thủ tục khó khăn và tốn kém thời gian nhất lại là thủ tục xin xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế.

(Theo Ban soạn thảo Luật DN sửa đổi)


hải quan

Các tin tức khác

>   “Cởi trói” cho doanh nghiệp kinh doanh (19/04/2014)

>   Việt Nam đứng thứ 2 xuất khẩu giày dép sang Tây Ban Nha (19/04/2014)

>   Kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Brazil tăng mạnh trong quý I (19/04/2014)

>   Tôm lại vướng chất cấm khi xuất khẩu sang EU (19/04/2014)

>   ĐBSCL: Giá cá tra tiếp tục tăng (19/04/2014)

>   Sáp nhập hai công ty kiểm toán lớn tại Việt Nam (18/04/2014)

>   Thị phần vận tải: "Miếng bánh” vẫn chưa được "xẻ" đều (18/04/2014)

>   Du lịch tàu biển Việt Nam: Nhiều tiềm năng, thiếu đầu tư (18/04/2014)

>   Tiêu thụ sản phẩm than tiếp tục gặp nhiều khó khăn (18/04/2014)

>   Nhập khẩu gần 10,42 nghìn chiếc xe ô tô trong quý I-2014 (18/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật