Tài chính thế giới: Nguy cơ mới
Chuyên gia Witold Bahrke - chiến lược gia cao cấp của quỹ quản lý tài sản PFA Asset Management (có số vốn hơn 55 tỉ USD) cho rằng đang có nhiều mối nguy hiểm về tài chính của thế giới, ngoài vấn đề đáng quan ngại liên quan tới tình hình kinh tế của Trung Quốc.
Điều đó làm gia tăng các rủi ro, nguy hiểm về sự giảm phát của nền kinh tế toàn cầu do thực thi chiến lược làm mất giá, thậm chí phá giá tiền tệ. Giới quan sát chưa rõ chính xác về chính sách của Trung Quốc và những sự không chắc chắn đó đã được phản ánh trong sự suy yếu của kinh tế thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, sự chia rẽ, phân hoá mới của nền kinh tế toàn cầu cũng được nhận định là nguy cơ cần phải quan tâm. Nhiều năm qua mọi người quen với việc: những nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh, các quốc gia phát triển thì ngược lại. Nhưng vấn đề đáng quan tâm mới là những quốc gia mới nổi đang gặp rắc rối về phát triển trong khi các nước phát triển hồi phục với tốc độ rất chậm chạp. Xét trên bình diện giá tài sản toàn cầu, sự phối hợp không được hiệu quả, sôi động như trước đây. Vì Mỹ, Châu Âu đã dính vào xu thế suy thoái nên động lực phát triển còn lại của các nước có nền kinh tế mới nổi không thể kéo cả thế giới đi lên. Sự phát triển của những nước này được trợ giúp bằng nguồn vốn của những thị trường quốc gia phát triển và giá hàng hoá tăng lên nhờ các gói nới lỏng tiền tệ được thực hiện, thậm chí là cả từ tác động của đồng đôla giảm giá.
Sự giảm phát của nền kinh tế toàn cầu do thực thi chiến lược làm mất giá, thậm chí phá giá tiền tệ có nguy cơ gia tăng.
Cuộc chiến đấu của ngân hàng trung ương các nước phát triển nhằm thoát khỏi sự giảm phát và hồi phục sau suy thoái đã gây ra sự lạm phát tại các nền kinh tế mới nổi cũng như với tài sản, của cải toàn cầu và giá hàng hoá. Nhưng giờ đây sự cân bằng đã thay đổi. Sự phát triển mạnh của các nền kinh tế mới nổi đã gần như biến mất, phần vì sự siết chặt dần của chính sách nới lỏng tiền tệ ở Mỹ. Sự sụt giảm về sản xuất của Trung Quốc cũng là một biểu hiện của nỗi thất vọng tăng trưởng toàn cầu.
Brazil và Nga cũng tăng trưởng chậm, tuần trước Quỹ Tiền tệ quốc tế đã kêu gọi Ấn Độ có sự điều chỉnh lãi suất phù hợp (hiện đã ở mức 8%) nhằm kiểm soát lạm phát. Mối quan ngại tương tự và có phần lo lắng hơn được dành cho các nước Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela do các bất ổn chính trị sâu sắc. Các nền kinh tế mới nổi đang bị mắc kẹt trong một tình thế khó khăn: bị tác động mạnh của sự thắt chặt thanh khoản nhưng chưa cảm thấy lợi ích của phục hồi phát triển kinh tế. Tăng trưởng yếu kém của khu vực đồng euro vẫn chưa đóng góp được nhiều động lực cho xuất khẩu. Mỹ đã đạt tốc độ gia tăng sản xuất cao nhất trong bốn năm qua tuy vậy trong thực tế đóng góp rất ít cho thị trường toàn cầu. Khi kinh tế Mỹ vẫn trên đường phục hồi thì việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ không thay đổi.
Đối với thị trường toàn cầu, sự chia rẽ mới này tạo nên làn sóng giảm phát sâu rộng về giá tài sản toàn cầu. Khi đó, một đồng đô la mạnh hơn dường như mới có khả năng giúp đỡ sự thay đổi. Nó có thể gây áp lực giảm giá mới với giá cả hàng hóa, giúp người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển.
Hoa Chi
Diễn đàn doanh nghiệp
|