PMI sản xuất tháng 2 tiếp tục tăng nhưng đã chậm lại
HSBC kỳ vọng ngân hàng nhà nước sẽ giữ lãi suất OMO ở mức 5.5%
Các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục kéo dài đà cải thiện gần đây khi sản lượng, số đơn đặt hàng mới và hoạt động tuyển dụng đồng loạt gia tăng dù với tốc độ chậm hơn.
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã dẫn đến sự gia tăng của chi phí đầu vào trong tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát nhìn chung vẫn còn ổn định và các thành viên nhóm khảo sát giữ nguyên giá sản lượng nhằm kích thích số đơn đặt hàng mới.
* HSBC: PMI tháng 1 mạnh nhất 33 tháng
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam do HSBC và Markit Economics khảo sát đạt 51 điểm trong tháng 2, thấp hơn mức 52.1 điểm trong tháng 1 nhưng vẫn phát đi tín hiệu về sự cải thiện của các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này. Được biết, cho tới nay các điều kiện kinh doanh đã cải thiện 6 tháng liên tiếp.
Trong tháng 2, sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam tiếp tục gia tăng nhưng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 10/2013. Số đơn hàng mới cũng tăng nhẹ tháng thứ 5 trong 6 tháng vừa qua nhưng số đơn hàng xuất khẩu mới lại giảm. Ngoài ra, trước khối lượng công việc ngày càng cao, các nhà sản xuất đã tăng cường tuyển dụng tháng thứ 7 liên tiếp.
Nhận định về số liệu PMI lần này của Việt Nam, Chuyên viên kinh tế phụ trách khu vực châu Á của HSBC, Trinh Nguyễn cho biết: “Lĩnh vực sản xuất tiếp tục là điểm sáng của Việt Nam với đà mở rộng của sản lượng và việc làm. Tuy nhiên, nhu cầu yếu kém từ các thị trường quốc tế, đặc biệt là từ Trung Quốc, là điều đáng lo ngại”.
Theo bà Trinh, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ đối mặt với các trở ngại lớn dù HSBC kỳ vọng sản lượng sẽ tiếp tục gia tăng nhờ số đơn hàng cao hơn và tồn kho thấp hơn. Ngân hàng này kỳ vọng ngân hàng nhà nước sẽ giữ lãi suất OMO ở mức 5.5% trong bối cảnh lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và nhu cầu nội địa còn yếu.
Phước Phạm
Công Lý
|