Tăng tín dụng chờ đầu tư công?
Tình trạng ế vốn đầu năm vẫn đang lặp lại khi gần hết tháng 2, tín dụng đang tăng trưởng ở mức âm so với cuối năm trước. Đẩy vốn ra thị trường bằng các gói tín dụng ưu đãi chỉ là cố gắng từ phía các ngân hàng trong khi “nút thắt” cần tháo chính là việc phải đẩy nhanh đầu tư công giúp lượng vốn được trải đều trong nền kinh tế.
Ứ vốn, hạ lãi suất huy động
Đi đáo hạn khoản tiền tiết kiệm hơn 200 triệu đồng tại một ngân hàng cổ phần trên phố Ngô Quyền (Hà Nội), bác Đình Khang ở Tôn Đức Thắng ngỡ ngàng khi nhân viên thông báo lãi suất tiền gửi ngắn hạn hạ xuống còn 6,8%/năm thay vì 7%/năm như tháng trước.
Đây không phải là trường hợp cá biệt bởi từ đầu tháng 2 đến nay, rất nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động, nhất là ở những kỳ hạn ngắn đều xuống dưới mức trần 7%/năm, bởi lượng tiền gửi tăng nhanh mà việc cho vay ra lại không mấy biến chuyển. Đơn cử như tại Eximbank, ACB, Sacombank, biểu lãi suất huy động hiện hành đã thấp hơn từ 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn so với biểu áp dụng cuối năm 2013. Ngân hàng An Bình vừa công bố lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 -3 tháng chỉ còn 6,8% thay vì 7% như trước; Seabank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng về mức 6,8%, kỳ hạn 2 tháng là 6,85% còn kỳ hạn 3 tháng là 6,9%. Tại Techcombank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm xuống còn 6,55%/năm, kỳ hạn 2 và 3 tháng lần lượt là 6,64% và 6,84%/năm…
Tình trạng “ứ vốn” cũng được thể hiện khá rõ tại thị trường liên ngân hàng. 2 tuần trở lại đây, lãi suất qua đêm đã giảm rất sâu so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, từ trên 5%/năm xuống còn khoảng 1,5%/năm; lãi suất các kỳ hạn khác cũng giảm mạnh. Tiến sĩ Trần Du Lịch- Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia- cho rằng: Thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện tốt nên lãi suất giảm cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, “tình hình thừa tiền - thiếu vốn sẽ còn tiếp diễn và chưa thể sớm chấm dứt bởi nợ xấu chưa được giải quyết, việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng như khả năng phục hồi sức mua của thị trường chưa cải thiện nhiều”- ông Lịch phân tích.
“Nút thắt” không chỉ từ ngân hàng
Nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói tín dụng trị giá hàng ngàn tỷ đồng dành cho doanh nghiệp và cá nhân. Đơn cử như TPBank vừa công bố dành 2.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất đặc biệt ưu đãi từ nay đến hết tháng 5/2014. Doanh nghiệp có thể vay tới 90% giá trị hợp đồng bằng USD hoặc VND với lãi suất từ 8%/năm đối với VND hoặc 3,8%/năm đối với USD trong 3 tháng đầu tiên. Tùy theo lĩnh vực và mục đích kinh doanh, ngân hàng sẽ linh hoạt áp dụng mức lãi suất phù hợp. Sau thời gian ưu đãi, TPBank tiếp tục áp dụng mức lãi suất tín dụng hợp lý nhất cho các khoản vay, dựa trên lãi suất tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định và biên độ lãi vay thấp.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng triển khai gói 2.000 tỷ đồng từ nay đến hết tháng 3/2014 cho vay ưu đãi bất động sản, cá nhân kinh doanh, mua ôtô với mức lãi suất từ 9,99%/năm trong 12 tháng đầu (với khoản vay trên 1 tỷ đồng trở lên) hoặc 7,77%/năm trong 3 tháng đầu.
Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, việc đưa ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi chưa phải là lực đẩy hữu hiệu giúp tăng tín dụng và kích thích tăng trưởng kinh tế. Xu hướng tín dụng luôn tăng chậm, thậm chí là “âm” vào những tháng đầu năm luôn rất phổ biến, bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp chưa có nhu cầu nhiều về vốn. Điều cần thiết lúc này phải quyết liệt thực hiện chính sách tài khóa bằng cách đẩy nhanh đầu tư công để cân bằng vốn, hỗ trợ trực tiếp cho nền kinh tế.
Duy Minh
công thương
|