Thống đốc: “Tiền về ngân hàng đang nhiều”
Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hết sức dồi dào trong hai tháng đầu năm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết tại phiên họp Chính phủ sáng 28/2.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Hai tháng đầu năm chúng tôi đã mua vào được 4 tỷ USD"
|
Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, trong dịp Tết vừa qua, Ngân hàng Nhà nước không phải lo tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. Với thanh khoản đảm bảo, lương tiền mặt đưa ra trong dịp tết khoảng 150 nghìn tỷ, nhưng hút về cũng lớn.
Tuy nhiên, do đặc thù và diễn biến của sản xuất kinh doanh trong hai tháng đầu năm nên tăng trưởng tín dụng đang giảm khoảng 1,6%. Chính phủ và bộ ngành liên quan cần đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ trong quý 1.
Cũng theo Thống đốc Bình, sau Tết, điều hành tiền tệ rất căng thẳng vì tiền về nhiều nên các ngân hàng thường hay kinh doanh tiền tệ, buộc Ngân hàng Nhà nước phải hút tiền về.
Bên cạnh đó, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng cũng đang rất cao, lên tới 57 nghìn tỷ, đây là tiền chúng ta chưa dùng đến. Do vậy phải đẩy nhanh giải ngân, nếu không, theo ông đây là vòng luẩn quẩn vì nếu không sẽ lại quay về hệ thống ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề tỷ giá, Thống đốc Bình cho biết, tình hình vẫn đang được điều hành ổn định. Trong hai tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua được hơn 4 tỷ USD, tạo điều kiện gia tăng dự trữ ngoại tệ.
Về lãi suất, hiện mặt bằng lãi suất chung tiếp tục ổn định, đang có xu hướng giảm một chút, cố gắng cả năm giảm 1 - 2%.
“Nếu CPI kiểm soát tốt trong năm nay, thì cơ hội giảm tiếp lãi suất là hoàn toàn có”, ông Bình nói.
Trên cơ sở lãi suất ổn định, có xu hướng giảm, Ngân hàng Nhà nước đề xuất dành một lượng tiền cho nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm các năm trước, giờ không dùng khái niệm gói như các lần trước, mà là chương trình để phục vụ các mô hình sản xuất mới, cho xuất khẩu nông sản…
Trong phần góp ý sau đó, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cần sớm công bố lãi suất mục tiêu để doanh nghiệp có cơ sở lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh vì chính sách tiền tệ thường có độ trễ từ 2 - 3 tháng.
Song Hà
vneconomy
|