TP Hồ Chí Minh sẵn sàng đón sóng đầu tư mới từ Nhật
Để thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tiến hành nhiều hoạt động, áp dụng nhiều cách làm mới, hiệu quả hơn với những cách làm chủ động.
Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực hóa chất, cơ khí, lương thực-thực phẩm, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ có công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Chủ động tiếp cận doanh nghiệp Nhật Bản
Theo Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), trong năm 2013 các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hơn 363 triệu USD vào các khu chế xuất và công nghiệp của thành phố; trong đó doanh nghiệp Nhật Bản có vốn đầu tư lớn nhất với tỷ lệ hơn 45% tổng số vốn đầu tư.
Các dự án của Nhật Bản đang hoạt động hiệu quả tại khu chế xuất đã tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất với quy mô lớn như dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn Precision (Khu chế xuất Linh Trung) với gần 130 triệu USD; tại Khu chế xuất Tân Thuận, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Tosok (Việt Nam) là 95 triệu USD, Công ty trách nhiệm hữu hạn Juki với 12 triệu USD...
Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lý Hepza, cho biết hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 504 dự án FDI; trong đó có 112 dự án của Nhật Bản, đứng thứ ba về đầu tư nước ngoài vào Thành phố, trong đó tổng vốn đầu tư đạt hơn 3 tỷ USD, riêng lĩnh vực công nghiệp là 1,3 tỷ USD.
Để thu hút các doanh nghiệp của Nhật Bản, Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư tổng lực từ "tại chỗ" đến sang "tận nhà” để tự giới thiệu tiềm năng của mình. Những nỗ lực của thành phố được thể hiện rõ trong năm 2013 vừa qua với mật độ các cuộc hội thảo, triển lãm, hội nghị bàn tròn, hoạt động xúc tiến đầu tư dày đặc giữa doanh nghiệp thành phố với doanh nghiệp Nhật Bản.
Ngay đầu năm nay, hai hội thảo xúc tiến đầu tư giữa doanh nghiệp thành phố và các tỉnh của Nhật Bản cũng đã được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm lượt doanh nghiệp hai bên.
Trong một buổi gặp mặt nhân dịp đầu năm mới 2014 vừa được tổ chức, ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam chia sẻ: gần đây, do chi phí nhân công tại một số nước trong khu vực ngày một tăng nên đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung thu hút dòng vốn từ Nhật. Tuy nhiên, hiện những doanh nghiệp Nhật Bản có rất ít thông tin về môi trường đầu tư của Việt Nam nên cần tranh thủ cơ hội quảng bá, thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư này.
“Chăm sóc kỹ” doanh nghiệp xứ sở "Hoa Anh Đào"
Trong những buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp Nhật Bản, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tiềm lực của các doanh nghiệp Nhật Bản và nhấn mạnh thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thành phố.
Với mong muốn thu hút đông đảo các doanh nghiệp Nhật Bản đến Thành phố đầu tư, vào tháng 9/2013, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấy phép cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Khu kỹ nghệ Việt Nhật, một liên doanh giữa Công ty Vie-Pan Industrial Park của Nhật (đóng góp 55% vốn) và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (góp 45% vốn) đầu tư xây dựng Khu kỹ nghệ Việt-Nhật (Vie-Pan Techno Park) với quy mô ban đầu 13ha và có thể mở rộng ra tới 100 ha để phục vụ cho các doanh nghiệp đến từ xứ sở Hoa Anh Đào.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đây là mô hình mới lần đầu tiên được triển khai tại Thành phố nhằm thu hút các doanh nghiệp của Nhật Bản. Sự ra đời của dự án này đã đáp ứng được mong muốn của lãnh đạo thành phố từ lâu trong việc xây dựng một khu kỹ nghệ của dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đúng như tên gọi, Khu kỹ nghệ Vie-Pan có những tiện ích phục vụ từ A đến Z cho doanh nghiệp Nhật Bản. Vie-Pan Techno Park không chỉ cung cấp nhà xưởng xây sẵn mà còn cung các dịch vụ tiện ích và dịch vụ đi kèm như dịch vụ tuyển dụng lao động, tư vấn đầu tư, dịch vụ kế toán, đào tạo và huấn luyện, tư vấn quản lý..
Nhờ các dịch vụ hỗ trợ này, doanh nghiệp Nhật Bản có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, dễ dàng hội nhập, nhanh chóng triển khai hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí quản lý và an tâm tập trung tiềm lực sản xuất để đem lại hiệu quả cao nhất. Dự kiến, giai đoạn 1 của Khu kỹ nghệ Vie-Pan, với vốn đầu tư 7,6 triệu USD sẽ hoàn thành vào tháng Chín năm nay.
Ông Yoshinori Yasumi, Chủ tịch Tập đoàn Unika kiêm Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Khu kỹ nghệ Việt-Nhật cho biết, việc triển khai xây dựng khu kỹ nghệ Việt-Nhật với diện tích 3ha làm điểm xuất phát và dự kiến đến tháng Chín này sẽ hoàn thành, tháng 10 sẽ đưa vào hoạt động sau đó sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển dự án này.
Ở một góc nhìn xa hơn, khu kỹ nghệ này ra đời cũng đã đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trong việc mời gọi những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có trình độ công nghệ cao của Nhật Bản đến đầu tư để đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo đà cho sự phát triển và thu hút các tập đoàn lớn của Nhật Bản thuộc lĩnh vực công nghệ cao trong tương lai.
Theo các chuyên gia, đây là một mô hình đáp ứng nhu cầu đón nhận luồng vốn đầu tư chất lượng cao từ Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời tận dụng tối đa các lợi thế cạnh tranh có sẵn của khu công nghiệp Hiệp Phước như cảng nước sâu cho phép tàu có trọng tải lớn 30.000 đến 100.000 DWT ra vào luồng Soài Rạp (dự kiến việc nạo vét hoàn thành vào tháng Sáu tới), Chi cục Hải quan Hiệp Phước, Trạm biên phòng cửa khẩu Hiệp Phước nằm ngay trong khu công nghiệp này...
Với những lợi thế sẵn có và hội tụ được đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa và những cách “đón đầu” đang được triển khai, Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng chào đón làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp đến từ đất nước Mặt Trời mọc.
Hoàng Anh Tuấn
vietnam+
|