Thứ Tư, 19/02/2014 13:04

Chuyên gia tài chính dự đoán: CPI tháng 2 sẽ gia tăng hơn tháng 1

CPI tháng 1 tăng 0.69% so với tháng 12, tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức tăng này chưa phản ánh hết sự tăng giá của các mặt hàng trong dịp tết. Vì vậy, họ nhận định, CPI tháng 2 sẽ gia tăng hơn so với tháng 1 nhưng sẽ không có nhiều đột biến.

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Tổng giám đốc Chứng khoán Sen Vàng nhận định: “CPI trong tháng 2 dự kiến sẽ tăng nhưng không tăng đột biến”.

Ông cho rằng do bộ chỉ số giá cả của Bộ Công thương và các Sở ngành trong chương trình hỗ trợ dịp Tết đã phát huy tác dụng, các mặt hàng thiết yếu được bình ổn khá tốt.

Bên cạnh đó, qua Tết Nguyên đán, mặt hàng tiêu dùng dễ bị ảnh hưởng nhất cũng không có nhiều thay đổi do hiệu quả từ bình ổn giá. Những yếu tố tác động về chi phí như xăng, dầu cũng chưa có yếu tố đột biến. Các chính sách xã hội cũng đã ổn định. Với các yếu tố đó, ông cho rằng CPI trong tháng 2 sẽ tương đối ổn định

Về biến động của các nhân tố thành phần, ông cho rằng, việc nhập siêu nhiều sẽ ảnh hưởng đến cán cân ngoại tệ và từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến chỉ số CPI.

Tương tự ý kiến của TGĐ Chứng khoán Sen Vàng, ông Phan Dũng Khánh – Trưởng Phòng tư vấn đầu tư CTCK MBKE cũng cho rằng: “CPI tháng 2 sẽ tương đối tăng hơn so với tháng 1”.

Giải thích cho nhận định của mình, ông cho biết là do mặt hàng thực phẩm đang có xu hướng gia tăng, cụ thể là giá sữa (Vinamilk đã tăng giá sữa trong tháng 2, còn về mặt bằng giá sữa chung sẽ tăng trong đầu tháng 3). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sau tết cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh làm kích thích các yếu tố nguyên vật liệu đầu vào gia tăng dẫn đến giá bán ra cũng tăng theo.

Về nhân tố tác động mạnh đến chỉ số CPI, theo ông, nhóm ngành thực phẩm, nguyên vật liệu và năng lượng sẽ là nhân tố tác động mạnh nhất đến CPI trong tháng 2.

Ông cũng dự đoán CPI cho cả năm 2014, theo đó, CPI cả năm 2014 theo ông sẽ cao hơn năm 2013 nhưng chỉ ở mức vừa phải. (có thể tăng từ 10- 15% so với mức tăng của năm 2013).

CPI trong tháng 2 được kỳ vọng tiếp tục tăng ở mức 0.8 – 1.0% so với tháng trước và 4.9- 5.1% so với cùng kỳ” là ý kiến của ông Phạm Lưu Hưng – Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Đầu tư tổ chức của CTCK SSI.

Ông cho biết, chỉ số CPI tháng 1 tăng nhẹ 0.69% so với tháng 12, và tăng 5.45% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng khá thấp khi mà Tết Nguyên đán được tổ chức vào tháng này. Tuy nhiên, trên thực tế, mức tăng này chưa phản ánh hết sự tăng giá của các mặt hàng trong dịp Tết do kỳ lấy giá cuối cùng của Tổng cục Thống kê cho mỗi tháng là vào ngày 15. Do đó, CPI trong tháng 2 được kỳ vọng tiếp tục tăng ở mức 0.8-1.0% so với tháng trước và 4.9-5.1% so với cùng kỳ.

Nhóm ngành lương thực, thực phẩm và may mặc, giày dép dự kiến tiếp tục đà tăng trong tháng 2, và tăng lần lượt 1.0-1.2% và 0.8-1.0% so với tháng 1.

Ông cho biết, SSI kỳ vọng lạm phát sẽ tạo đáy trong quý 1 và bắt đầu tăng trở lại trong các tháng sau đó. Về CPI cho cả năm 2014, chỉ số CPI dự kiến sẽ tăng ở mức 7.5% chủ yếu do tăng đầu tư công và điều chỉnh tăng giá các mặt hàng được quản lý bởi Nhà nước như điện, dịch vụ y tế.

Ông Nguyễn Hải Đăng – Trưởng phòng phân tích CTCK SAIGONBANK BERJAYA: “Mức tăng của chỉ số CPI tháng 2 có thể sẽ tăng mạnh hơn mức tăng của tháng 1 do yếu tố mang tính mùa vụ là dịp Tết và Rằm tháng Giêng. Cụ thể chỉ số CPI tháng 2/2014 dự báo tăng 1.01% so với tháng 1/2014”.

Theo ông, các nhóm ngành có mức tăng mạnh gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá, giao thông.

Ông cũng dự báo mức tăng của chỉ số CPI cho năm 2014 là 7.1%.

Ông Trần Minh Hoàng – Chuyên viên phân tích thị trường VCBS cho biết: “CPI tháng 2 sẽ ở mức 5% và dự báo chỉ số CPI cho năm 2014 vào khoảng 5.5- 6%”.

Ông Hoàng cho biết, theo nghiên cứu của Phòng phân tích VCBS, CPI tháng 2 được dự báo thấp là do sức cầu tiêu dùng phục hồi yếu hơn mong đợi. Điều này cũng được thể hiện khá rõ khi CPI tháng 1/2014 chỉ tăng 0.69% so với tháng 12/2013, tương đương mức tăng 5.45% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp phần nhiều cho mức tăng của tháng 1 đến từ nhóm giao thông, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; trong khi đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm thường có sự đột biến vào dịp cận Tết, lại không có sự bứt phá, chỉ tăng 0.77% .

Căn cứ vào diễn biến của lạm phát cũng như các dấu hiệu cho thấy sức cầu phục hồi yếu hơn mong đợi, xu hướng giảm của lạm phát được dự báo chưa dừng lại và có thể sẽ tiếp tục lùi về khoảng 5% trong tháng 2. Sau đó, trong những tháng còn lại của năm, chỉ số CPI được kỳ vọng sẽ tăng dần trở lại khi sức cầu phục hồi tốt hơn kết hợp với khả năng tiếp tục tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu theo lộ trình.

Tuy nhiên, VCBS cho rằng sẽ khó có sự đột biến của lạm phát, vì vậy, mức tăng của chỉ số CPI năm 2014 được kỳ vọng vào khoảng 5.5-6%.

CTCK MB (MBS) cũng đưa ra dự báo về chỉ số CPI. Theo MBS, nhiều khả năng CPI của tháng 2 sẽ chỉ tăng khoảng 5.1-5.2% so với cùng kì năm trước. So với tháng 1, CPI của tháng 2 có thể tăng khoảng 1.0-1.2%.

Duy Hoàng

Công lý

Các tin tức khác

>   Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Ngân hàng tốt cũng sáp nhập (17/02/2014)

>   2020, GDP đầu người đạt trên 5.000 USD (15/02/2014)

>   Chính sách tiền tệ: Bám sát mục tiêu vĩ mô (14/02/2014)

>   Quẳng nỗi lo đi cho nền kinh tế (14/02/2014)

>   Ernst & Young: Tăng trưởng kinh tế VN đạt đỉnh năm 2016 (13/02/2014)

>   Trực diện 5 nguy cơ (13/02/2014)

>   Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Cứ phải bôi trơn 5-10% thì kinh tế VN không ngóc đầu lên nổi (13/02/2014)

>   Hội nhập 2014: Đâu là 'Vạn lý trường thành' mới? (13/02/2014)

>   Dân cạn tiền, lấy đâu tăng trưởng (13/02/2014)

>   Việt Nam nằm trong top 3 thị trường lạc quan nhất (12/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật