Tái cơ cấu Kinh tế Nhà nước: Trước tiên phải “phân vai”
Theo định hướng Kinh tế Nhà nước (KTNN) “giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế thị trường” thì việc tái cơ cấu KTNN trở nên rõ ràng, khả thi, dự báo và đánh giá được.
Cùng với vai trò “đạo diễn” của Nhà nước, KTNN sẽ phát huy tối đa năng lực kỳ vọng nếu như được phân vai phù hợp và kịp thời. Có thể căn cứ vào một số yếu tố sau để xác định vị trí cụ thể của KTNN trong nền kinh tế:
Thứ nhất, KTNN cần ưu tiên phục vụ lợi ích chung cho toàn xã hội thay vì cho một nhóm đối tượng nào đó (trừ nhóm thiểu số cần nâng đỡ). Trên cơ sở này, việc phân loại và xác định các tổ chức cần đưa ra khỏi KTNN trở nên dễ dàng hơn, chí ít cũng bằng cách ước lượng theo tỷ lệ.
Cụ thể hơn, các tổ chức kinh tế có tính định hướng xã hội chủ nghĩa cao cần giữ lại trong KTNN và chuyển giao các tổ chức kinh tế có tính định hướng thấp cho các thành phần kinh tế khác. Ngoài mục đích phân loại như trên, tiêu chí này còn là cơ sở để triển khai kế hoạch tái cơ cấu KTNN.
Những doanh nghiệp không phục vụ cho lợi ích chung toàn xã hội như doanh nghiệp rượu bia, thuốc lá… có thể cổ phần hóa ngay, việc thu ngân sách hiện nay cần thay thế bằng thu thuế tiêu thụ đặc biệt trong tương lai. Ngược lại, sản xuất dược phẩm thiết yếu, sữa… nên được giữ lại.
Xét trong từng lĩnh vực cũng thấy có sự phân biệt tương đối rõ. Ngành vận tải hàng không hiện chỉ mới đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp trung lưu trở lên và vì vậy cũng không nhất thiết phải thuộc về KTNN. Ngành đường sắt phục vụ đông đảo người lao động thu nhập trung bình và thấp, nên duy trì dù mức chi phí có thể cao hơn doanh thu – điều mà các thành phần kinh tế khác sẽ từ chối gánh vác.
Thứ hai, KTNN nhất thiết phải phải phục vụ những nhóm “yếu thế” như người già neo đơn, trẻ em, người dân tộc ít người, người dân sống tại các địa bàn khó khăn, nhóm số đông lao động có thu nhập thấp. Bảo hiểm y tế tối thiểu, giáo dục mầm non và phổ thông, chăm sóc y tế trẻ em và người già, y tế nông thôn và dự phòng v.v… là những dịch vụ tương ứng đương nhiên thuộc về KTNN. Nếu KTNN chưa đảm nhận hoàn toàn được thì cũng phải thay thế bằng cách trợ cấp trực tiếp như đã triển khai một phần trong những năm gần đây.
Thứ ba, KTNN khắc phục được những “khuyết tật” của kinh tế thị trường. Nếu việc duy trì sản xuất ở dưới mức sản lượng hòa vốn là không chấp nhận được trong dài hạn theo lý thuyết kinh tế thị trường thì KTNN có thể sản xuất ở mức chi phí cân bằng với doanh thu và trợ cấp từ Chính phủ trong sự đánh đổi để đạt mục tiêu hiệu quả xã hội. Như vậy, việc tiếp tục phát sóng truyền hình, phát thanh; duy trì hoạt động bưu chính để các vùng sâu, vùng xa tiếp cận được thông tin… là những nhiệm vụ mà KTNN phải thực hiện, ít nhất trong giai đoạn hiện nay.
Như vậy, KTNN khác với các thành phần kinh tế khác ở mục tiêu và đối tượng phục vụ. Theo đó, việc duy trì hoạt động theo định hướng là quan trọng, có khi quan trọng hơn việc phát triển hoặc đạt lợi nhuận cao, và đây là cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí riêng dành cho việc đánh giá hiệu quả của KTNN.
Nhìn sang những nền kinh tế có sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong phân phối nguồn lực mới thấy chúng ta đã có nền tảng bình đẳng tương đối thừa hưởng từ lịch sử, vấn đề hiện nay là huy động nguồn lực toàn dân xây dựng nền kinh tế cùng với việc tái phân phối nguồn lực cho hợp lý.
Ngoài ra, nếu chỉ xem xét tái cơ cấu DNNN thì việc tái cơ cấu KTNN trở nên khập khiễng vì bỏ quên một bộ phận quan trọng là các đơn vị sự nghiệp – thực chất cũng là các tổ chức kinh tế, vì bản chất hoạt động là tham gia vào quá trình phân phối nguồn lực nói chung. Người dân nghèo và người dân vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận các bệnh viện, trường học lớn ở đô thị cũng đặt dấu hỏi cho việc đầu tư và trợ cấp cho đơn vị này như hiện nay. Khi kinh tế tư nhân có thể cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng thì việc san sẻ gánh nặng và trách nhiệm này từ KTNN cho kinh tế tư nhân là thỏa đáng.
Quá trình tái cơ cấu cũng không nhất thiết phải theo mô hình nào đó, vì nền kinh tế thường có đặc trưng riêng về cơ cấu, cơ chế, giai đoạn phát triển và lĩnh vực có thế mạnh. Nếu chọn lựa chiến lược tái cơ cấu phù hợp thì quá trình triển khai sẽ thuận lợi với sự ủng hộ của xã hội và đặc biệt là người lao động trong doanh nghiệp.
ThS. NGUYỄN LÊ VINH
doanh nhân sài gòn
|