Thứ Ba, 04/03/2014 08:28

Nghề mới sinh ra từ dự luật Luật phá sản

Một nghề hoặc chức danh mới hiện nay chưa có ở Việt Nam là "quản tài viên" (hay người quản lý tài sản phá sản) dự kiến sẽ ra đời khi dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIII sắp tới.

Tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM ngày 3-3, phần lớn các đại biểu cho rằng cần có chức danh nói trên dù tên gọi có thể chỉnh sửa cho phù hợp hơn.

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) lần này là việc thay đổi chế định tổ quản lý, thanh lý tài sản thành chế định quản tài viên.

Một số đại biểu cho rằng, theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, việc giám sát, quản lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản nên giao cho một chủ thể là quản tài viên - người thực hiện các nhiệm vụ về quản lý tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản cho đến thời điểm thanh lý tài sản. Việc thay thế một tập thể thành một cá nhân sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong hoạt động; sẽ giải quyết được mối lo ngại về trình độ của chủ thể thực hiện nhiệm vụ này, cũng như những mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động của các thành viên tổ quản lý, thanh lý tài sản.

Theo Điều 10 của dự thảo, những người được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề quản lý tài sản phá sản gồm luật sư, kiểm toán viên, người có cử nhân luật, cử nhân kinh tế, tài chính và có kinh nghiệm ba năm làm việc trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, quản trị doanh nghiệp.

Theo ông Justin Yap, chuyên gia cao cấp về pháp luật phá sản của Công ty Tài chính quốc tế IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới), người quản lý tài sản phá sản đóng vai trò trung tâm ở tất cả các hệ thống luật phá sản hiện đại. Người này giúp duy trì động lực thiết yếu của quá trình, đối với cả hai quá trình phá sản/thanh lý hay phục hồi doanh nghiệp thành công. Người quản lý tài sản phá sản phải có đủ năng lực để thực hiện các công việc mà hiện nay Luật phá sản 2004 hay thậm chí cả Dự thảo Luật Phá sản mới đang giao cho thẩm phán thực hiện. Do đó, theo ông Yap, người quản lý tài sản phá sản phải là người có uy tín và có được sự tin cậy từ cả xã hội lẫn hệ thống tòa án.

Thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy từ 2004 đến nay, có 83 trường hợp được Tòa tuyên bố phá sản (có 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản và 236 trường hợp mở thủ tục phá sản). Trong khi đó có hàng trăm doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, mất khả năng thanh toán, ra đi không làm “giấy khai tử” - không có tuyên bố phá sản. Tại TAND TPHCM, trong 10 năm chỉ có 92 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản.

Để đáp ứng được điều này, ông Yap cho rằng người quản lý tài sản phá sản phải có trình độ chuyên môn và được đào tạo thích hợp; có đủ thẩm quyền và năng lực để thực thi nhiệm vụ trong quyền hạn của mình. Đặc biệt người có chức danh này phải bảo đảm liêm chính và độc lập với các bên.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng phí trả cho quản tài viên phải tương xứng để thu hút nhân lực có trình độ tham gia vào nghề mới này, nhưng thang bậc phải được thiết kế sao cho không khuyến khích những người làm việc không hiệu quả.

Theo Luật Phá sản 2004, tổ quản lý, thanh lý tài sản đóng vai trò rất quan trọng trong quy trình giải quyết thủ tục phá sản, đặc biệt là giai đoạn xử lý tài sản và là một trong những nhân tố có tính quyết định trong sự thành bại của việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

Tuy nhiên, thực tế qua tổng kết thực tiễn thi hành luật này cho thấy, hoạt động của tổ quản lý, thanh lý tài sản còn nhiều hạn chế, không hiệu quả nên việc đưa đến chế định quản tài viên vào luật là cần thiết, một mặt vừa khắc phục được cơ chế phối hợp kiêm nhiệm, giảm bớt cồng kềnh bộ máy của tòa án, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính và mặt khác cũng thích nghi với pháp luật quốc tế.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị việc xét cấp chứng chỉ điều kiện trở thành quản tài viên cần khắt khe hơn để người được chọn phải đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ trong suốt quá trình xử lý vụ phá sản.

Theo quy định tại Luật Phá sản năm 2004, thành phần của tổ quản lý, thanh lý tài sản khá toàn diện, bao gồm đại diện từ phía cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong giải quyết thủ tục phá sản (cơ quan thi hành án, tòa án), đại diện của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan (chủ nợ, con nợ, công đoàn) và hoạt động theo cơ chế các phiên họp, quyết định theo đa số.

Về lý thuyết, sự có mặt đầy đủ của các thành phần và cơ chế hoạt động như trên sẽ bảo đảm và dung hòa được quyền lợi của các bên liên quan trong giải quyết vụ việc phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế, chính điều này lại khiến tổ quản lý, thanh lý tài sản hoạt động kém hiệu quả, bởi sự liên kết lỏng lẻo của các thành viên xuất phát từ tính chất kiêm nhiệm và thay đổi liên tục của các thành viên.

Theo quy định của Luật Phá sản, trách nhiệm và quyền hạn của tổ quản lý, thanh lý tài sản rất quan trọng, trong đó có những nhiệm vụ yêu cầu ở trình độ chuyên môn về kế toán, tài chính của các thành viên, như định giá tài sản; lập bảng kê toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp; quản lý tài sản, tài liệu, sổ kế toán của doanh nghiệp…

Nhìn vào thành phần của hội đồng này, có thể thấy, phần lớn là những người không có nghiệp vụ về tài chính, đủ trình độ để định giá về tài sản. Do vậy, giá trị tài sản được xác định thường không chính xác.

Điều này có thể dẫn tới hiện tượng, tài sản được định giá thấp hơn giá trị thật, khiến doanh nghiệp phá sản, cũng như các chủ nợ bị thiệt hại; giá được xác định quá cao, khiến việc thanh lý được tài sản gặp khó khăn, tài sản không bán được đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể bị tuyên phá sản, chủ nợ không đòi được nợ, doanh nghiệp muốn “chết” cũng không được “chết".

Hùng Lê

tbktsg

Các tin tức khác

>   Đòn hiểm tận diệt của 'cá mập' bán lẻ ngoại quốc (04/03/2014)

>   Cuộc chuyển giao ở Minh Long 1 (03/03/2014)

>   Cung thép vẫn vượt cầu, hàng tồn kho tăng hai tháng đầu năm (03/03/2014)

>   Chưa phát hiện dấu hiệu "bắt tay" tăng giá mặt hàng sữa (03/03/2014)

>   Đơn hàng tốt, xuất khẩu vượt 21 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm (03/03/2014)

>   Doanh nghiệp Nhà nước đòi cạnh tranh sòng phẳng với tư nhân (03/03/2014)

>   Số doanh nghiệp chết vẫn tăng (03/03/2014)

>   Ngành Da giày: Tăng đơn hàng xuất khẩu, có tăng lợi nhuận (03/03/2014)

>   67 triệu USD bảo dưỡng lần 2 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (03/03/2014)

>   Hiệp định TPP: Đàm phán cấp bộ trưởng sẽ nối lại vào giữa tháng 3 (02/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật