Nếu ngân hàng không mua trái phiếu Chính phủ
Ngay từ đầu năm, một số chuyên gia kinh tế cho rằng kế hoạch phát hành TPCP với số lượng lớn có thể tác động không chỉ làm giảm lãi suất của ngân hàng mà còn đến phân bổ nguồn lực vốn đầu tư.
Tín dụng vẫn đang tìm đầu ra một cách khó khăn nên nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) chọn kênh trái phiếu Chính phủ (TPCP) làm…bến đỗ. Đây không phải chuyện mới, mà vài năm nay, tổng cầu yếu, khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế thấp… nên TPCP từ chỗ các TCTD phải chịu mua theo sự “phân công”, thì nay tranh nhau để “được” mua. Theo số liệu của NHNN, các TCTD đầu tư vào TPCP năm 2013 tăng 32,3% so với cuối năm 2012. Còn trong 3 tháng đầu năm 2014, hệ thống NHTM đã mua vào 80 nghìn tỷ đồng TPCP, chiếm gần 1/3 lượng TPCP dự kiến phát hành trong năm là 300 nghìn tỷ đồng.
Nhu cầu mua trái phiếu của các TCTD cao khiến các phiên đấu thầu TPCP trở nên nhộn nhịp hơn. Đơn cử, phiên đấu thầu ngày 27/3/2014, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành có tổng khối lượng gọi thầu 10 nghìn tỷ đồng với 3 loại kỳ hạn: Kỳ hạn 3 năm (4.000 tỷ đồng), 5 năm (4.000 tỷ đồng) và 10 năm (2.000 tỷ đồng). Kết quả, đã huy động được 3.330 tỷ đồng trái phiếu 3 năm với lãi suất trúng thầu 6,10%/năm, 950 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm với lãi suất trúng thầu 7,13%/năm và 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm với lãi suất trúng thầu 8,70%/năm.
Nếu so với mức lãi suất TPCP trên với mức lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay: khoảng 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6 -7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và 7,5-8,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng, thì việc các NHTM mua trái phiếu sẽ hòa vốn hoặc chẳng lời lãi là bao.
Thế nhưng, các TCTD vẫn mua TPCP vì, theo ông Lê Quang Trung – Phó tổng giám đốc VIB: Vốn tạm thời dư thừa vẫn nhiều nên một số ngân hàng phải đầu tư vào TPCP, mặc dù biết mức lợi suất của TPCP so với mức lãi suất đã huy động không đem lại nhiều lợi nhuận. Và để tiết kiệm chi phí vốn, các ngân hàng buộc phải điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Một chuyên gia nhận định, khi mà các DN còn gặp khó khăn, không có nhu cầu vay vốn hoặc có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng thì việc các ngân hàng mua TPCP để phục vụ cho đầu tư công cũng phù hợp. “Nói gì thì nói, hiện nay, TPCP là kênh đầu tư an toàn với các ngân hàng. Lãi suất TPCP mặc dù thấp nhưng vẫn còn hơn cho vay DN với lãi suất cao nhưng phải đối mặt với rủi ro khó lường. Vì thế, các ngân hàng đang dồn sức mua TPCP là đương nhiên”, ông phân tích.
Nhìn ở góc độ khác, khi ngân hàng mua TPCP, Chính phủ có nguồn vốn để đẩy mạnh đầu tư công, nhất là đầu tư cho các công trình hạ tầng đang dang dở. Điều này sẽ kích thích sức sản xuất và tiêu thụ ngành nghề liên quan, tạo thêm thu nhập và việc làm. Từ đó, tác động ngược lại sẽ làm tăng tổng cầu.
Ngay từ đầu năm, một số chuyên gia kinh tế cho rằng kế hoạch phát hành TPCP với số lượng lớn không chỉ cản trở quá trình giảm lãi suất của ngân hàng mà còn khiến việc phân bổ nguồn lực bị méo mó. Thực tế, trong quý I/2014, lãi suất ngân hàng đã, đang tiếp tục giảm nhưng tín dụng cho vay của ngân hàng chưa tăng nhiều. Trong khi đó, vốn huy động đầu vào của ngân hàng không giảm, khiến các ngân hàng tiếp tục thừa vốn, phải đẩy vào TPCP. Và điều đáng lưu ý là số lượng thành viên tham gia đấu thầu TPCP vẫn tăng qua mỗi phiên, khiến lượng đặt thầu mua có phiên gấp đôi lượng chào bán.
Vấn đề đặt ra hiện nay là, mặc dù TPCP vẫn “đắt hàng” nhưng tại sao lãi suất trúng thầu lại giảm? Trước đây, đã có thời điểm, lãi suất TPCP chỉ còn 4,9 - 6,8%/năm đối với kỳ hạn từ 1- 5 năm. Và vì sao, mặc dù lãi suất giảm mà ngân hàng vẫn mua TPCP?
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, nếu TPCP tiếp tục phát hành với lãi suất 7,5%, hay 8%/năm thì cơ hội cho DN vay trung hạn từ NHTM với lãi suất thấp rất khó vì các TCTD sẽ chọn mua TPCP với độ rủi ro gần như bằng không thay vì cho DN vay để rồi thấp thỏm lo nợ xấu tăng. Do đó, sắp tới Bộ Tài chính, NHNN sẽ phải có sự phối hợp điều hành tốt hơn. Trước mắt là phải điều chỉnh khối lượng, lãi suất, thậm chí cả thời điểm phát hành TPCP “cùng nhịp” với lãi suất ngân hàng và xa hơn là để cùng tiến đến mục tiêu đạt được các chỉ số kinh tế vĩ mô như kế hoạch chúng ta đã đề ra.
Chí Kiên
thời báo ngân hàng
|