Thứ Ba, 11/03/2014 17:41

Bổ sung 18.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho 82 dự án

Tiếp tục phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 11/3, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 cần rà soát lại.

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của Thường vụ Quốc hội trong dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đó là quy định tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và khu vực biên giới.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh nhận định việc cư trú của người nước ngoài tại các khu vực này là vấn đề khá phức tạp.

Pháp luật hiện hành quy định việc cư trú của người nước ngoài ở khu vực biên giới được pháp luật về biên giới quốc gia điều chỉnh. Người nước ngoài cư trú ở khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế do Nghị định của Chính phủ điều chỉnh. Dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, đối với khu kinh tế biển, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, người nước ngoài tạm trú ở đâu vẫn chưa rõ.

Tiếp thu ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng-An ninh đã bổ sung quy định theo hướng đối với khu kinh tế biển áp dụng như khu kinh tế cửa khẩu đất liền vì các xã ven biển đều nằm trong khu vực biên giới biển.

Đối với đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, đây là vấn đề mới đang trong quá trình thí điểm, Thường trực Ủy ban đề nghị quy định người nước ngoài được tạm trú ở các cơ sở lưu trú nhưng có cơ chế quản lý riêng do Chính phủ quy định.

Đồng tình với quan điểm quy định việc tạm trú ở khu vực hành chính-kinh tế đặc biệt ngay trong dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng điều này là cập nhật và phù hợp với quy định của Hiến pháp, các nội dung cụ thể sẽ được Chính phủ quy định tiếp, khi đã có Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và có các đặc khu sẽ bổ sung thêm.

Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về quy định tạm trú cũng như miễn thị thực quá cảnh cho người nước ngoài tại khu vực hành chính-kinh tế đặc biệt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề khi chưa thiết lập được đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, còn thiếu những hình dung cụ thể về mô hình này, việc quy định tạm trú trong khu hành chính-kinh tế đặc biệt liệu có cần thiết và phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng Hiến pháp có đề cập đến khu hành chính-kinh tế đặc biệt, tới đây sẽ xây dựng và có chương trình pháp luật, cơ chế chính sách cho khu này. Tuy nhiên, hiện chưa có mà đã quy định là quá sớm và không hợp lý.

Đồng tình với chủ trương miễn thị thực quá cảnh vào khu hành chính-kinh tế đặc biệt, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu chỉ rõ khi hình thành khu này sẽ có Luật quy định cụ thể.

Cũng liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc miễn thị thực phải có thời hạn cụ thể, Chính phủ quyết định cụ thể miễn thị thực cho công dân từng nước sẽ bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đối ngoại, mở cửa và hội nhập; đồng thời bảo đảm chủ quyền quốc gia.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, hiện nay đang thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, liên quan đến vấn đề nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ phát sinh rất nhiều thủ tục. Do đó, các cơ quan công an, tư pháp cần rà soát kỹ lại tất cả các thủ tục.

Hiến pháp đã quy định rõ quyền của con người, quyền của công dân chỉ bị hạn chế trong những trường hợp cụ thể, là một trong những Luật liên quan đến quyền của con người như quyền đi lại, cư trú… nếu Luật quy định theo kiểu không rà lại kỹ sẽ là thiếu tôn trọng Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải rà lại theo nguyên tắc hạn chế những gì, những quyền nào, căn cứ vào đâu và hạn chế bao lâu thì cho xuất nhập cảnh đều phải quy định rõ trong Luật quy định.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Khoa khẳng định để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, ban soạn thảo đã tính toán khu vực nào bị hạn chế, bị cấm và quy định thẳng vào trong Luật, ngoài Luật không có quy định nào khác theo đúng Hiến định.

Bảo lưu quan điểm quy định việc tạm trú tại khu hành chính-kinh tế đặc biệt vào trong dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng về sau, có Luật riêng cho các đơn vị hành chính-kinh tế này vẫn bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, không có vướng mắc gì phát sinh.

Nếu không quy định như vậy, một số quy định của Thủ tướng sẽ bị trái luật, không áp dụng được như việc miễn thị thực cho công dân từng nước.

Bổ sung trên 18.000 tỷ đồng cho 82 dự án

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất trí bổ sung trên 18.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 cho 82 dự án đã được các bộ, địa phương rà soát.

Trong số đó, bố trí 1.323 tỷ đồng để hoàn thành năm dự án theo tổng mức đầu tư quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội (bao gồm 350 tỷ đồng bố trí thực hiện giai đoạn I Dự án Thay tà vẹt K1, K2, tà vẹt sắt bằng tà vẹt dự ứng lực, kéo dài đường ga, đặt thêm đường số 3 đối với ga chỉ có hai đường trên đoạn Vinh-Nha Trang (số vốn bổ sung sẽ đủ cho giai đoạn I của Dự án).

Bố trí 4.362 tỷ đồng cho 22 dự án điều chỉnh cắt, giảm quy mô phù hợp với mức vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016; 8.762 tỷ đồng cho 37 dự án dự kiến bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 không điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng bộ và địa phương có văn bản cam kết huy động các nguồn vốn khác để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ; trên 3.600 tỷ đồng cho 18 dự án điều chỉnh cắt, giảm quy mô đầu tư, đồng thời cam kết huy động thêm nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho chín dự án tạm đình hoãn để xử lý sau hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.

Đối với các dự án do Bộ Y tế có các nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư chủ yếu là nguồn vốn ngân sách trung ương cấp hàng năm theo quy định, vốn xã hội hóa và nguồn thu trích từ nguồn thu dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ, Chính phủ cam kết bố trí thêm nguồn vốn ngân sách trung ương cho Bộ Y tế để sớm hoàn thành các dự án, đưa vào sử dụng đồng bộ, góp phần giảm quá tải các bệnh viện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ các dự án cắt giảm tổng mức đầu tư để được bổ sung vốn những dự án không phát huy hiệu quả sử dụng, các địa phương đã cam kết phải thực hiện đúng, thực hiện nghiêm nghị quyết, không chạy theo nhu cầu của các tỉnh mà không tính toán đến việc cân đối hài hòa giữa các vùng miền.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, tổng số dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015 cần phải rà soát lại là 91 dự án, trong đó có 36 dự án giao thông, 35 thủy lợi, 20 dự án y tế tại hai bộ (Giao thông Vận tải, Y tế) và 23 tỉnh, thành phố.

Theo phương án rà soát, bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, giai đoạn 2014-2016, có 41 dự án được bố trí đủ vốn để hoàn thành theo tổng mức đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải hai dự án, Bộ Y tế hai dự án, các địa phương 37 dự án) và 40 dự án hoàn thành được các hạng mục chính, cơ bản phát huy được hiệu quả dự án.

Sau năm 2016, chỉ còn chín dự án không được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, phải tạm giãn, hoãn tiến độ hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định phương án rà soát và kiến nghị bố trí vốn bổ sung cho từng dự án của các bộ và địa phương cơ bản hợp lý, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không đáp ứng đủ nhu cầu, các bộ và địa phương đã tập trung để hoàn thành dứt điểm thêm bốn dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, huy động thêm các nguồn lực khác để hoàn thành thêm 37 dự án.

Các dự án không có khả năng bố trí, huy động đủ vốn, các bộ và địa phương đã nghiêm túc rà soát, cắt, giảm quy mô đầu tư, chưa đầu tư các hạng mục chưa thật cấp thiết, tập trung hoàn thành hạng mục chính để phát huy tác dụng dự án, đồng thời đã có văn bản cam kết huy động thêm nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư./.

Chu Thanh Vân

vietnam+

Các tin tức khác

>   Vốn ngân hàng đổ mạnh vào trái phiếu (08/03/2014)

>   Ngân hàng CSXH huy động 500 tỷ đồng trái phiếu (07/03/2014)

>   Kho bạc Nhà nước huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu CP (06/03/2014)

>   CII: Hoàn thành phát hành Trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 1 (28/02/2014)

>   KBNN huy động hơn 35 nghìn tỷ đồng TPCP sau 4 phiên đầu thầu (27/02/2014)

>   Chỉ huy động được hơn 3.700 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (26/02/2014)

>   Huy động thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (20/02/2014)

>   Giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ xây dựng nông thôn mới (13/02/2014)

>   Bổ sung hơn 55 nghìn tỷ đồng vốn TPCP cho một số dự án (12/02/2014)

>   VBMA: Xây dựng trung tâm thông tin trái phiếu doanh nghiệp (11/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật