Trái phiếu “xanh”- giải pháp cho sự phát triển bền vững
Trái phiếu “xanh” được xem như một giải pháp hiệu quả, có thể giúp huy động hàng trăm tỷ USD/năm cho việc phát triển một nền kinh tế “sạch” và bền vững.
Hiện nay, sự thiếu hụt nguồn tài chính cho các dự án chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ sạch và thân thiện với môi trường là rất lớn. Theo ước tính của Tổ chức năng lượng quốc tế IEA, để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần một khoản đầu tư lên đến 46 nghìn tỷ USD, tương đương với 1 nghìn tỷ/năm. Trong điều kiện đó, trái phiếu “xanh” được xem như một giải pháp hiệu quả, có thể giúp huy động hàng trăm tỷ USD/năm cho việc phát triển một nền kinh tế “sạch” và bền vững.
Kênh thu hút vốn hiệu quả cho các dự án “sạch”
Trái phiếu “xanh” được định nghĩa như một loại chứng khoán có thu nhập cố định nhằm thu hút vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường. Theo đó, các khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu này sẽ được cam kết đầu tư cho các chương trình tăng cường sự thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm các dự án năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông công cộng và nước sạch,… Trái phiếu “xanh” có thể được phát hành bởi chính phủ, các ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế, các công ty,… Hiện nay, phần lớn trái phiếu “xanh” trên thị trường được phát hành bởi một số các tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Đầu tư châu âu (European Investment Bank), Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Có thể nói, trái phiếu “xanh” đang được xem như một kênh thu hút vốn mới mẻ và hiệu quả cho các giải pháp nhằm thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Tunisia, nguồn vốn từ trái phiếu “xanh” do WB phát hành đã giúp nâng cao hiệu quả hệ thống tưới tiêu và cung cấp nước sạch tại vùng nông thôn nơi các nguồn nước ngầm đang trở nên căng thẳng. Tại Trung quốc, trái phiếu “xanh” góp phần giúp cộng đồng giảm nguy cơ bị tác động do các thảm hoạ tự nhiên thông qua việc ngăn chặn lũ lụt và phát triển hệ thống cảnh báo. Nguồn vốn từ trái phiếu “xanh” cũng đã hỗ trợ tích cực cho chính phủ Columbia và Mexico sử dụng năng lượng hiệu quả cho hệ thống giao thông công cộng.
Các trái phiếu “xanh” do IFC phát hành cũng tạo chuyển biến tích cực cho các dự án năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Chúng bao gồm việc đa dạng hoá các nguồn điện tại Nam Phi với việc năng lượng than đá được thay thế bằng việc sử dụng năng lượng từ các tấm gương phản chiếu và hội tụ ánh sáng mặt trời, hỗ trợ các ngân hàng ở Armenia cho vay, giảm nhu cầu sử dụng năng lượng và chi phí cho dân cư.
Kỷ nguyên của trái phiếu “xanh”
Các chuyên gia của HSBC nhận định, kỷ nguyên của trái phiếu “xanh” đã bắt đầu khi mà thị trường này có tốc độ phát triển vượt bậc trong vài năm gần đây với mức tăng trưởng bình quân lên tới 55%/năm. Tính đến 2013, giá trị phát hành của trái phiếu “xanh” toàn cầu đã đạt 11.4 tỷ đô la, tăng hơn 3 lần so với năm 2012. Trong đó, WB đã phát hành 4.5 tỷ USD và IFC phát hành 3.4 tỷ USD trái phiếu “xanh”. Các chuyên gia cũng dự báo thị trường phiếu “xanh” toàn cầu có thể tăng gấp đôi vào năm 2014 đạt mức 25 tỷ USD. Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế Davos tháng 9/2013, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cũng kêu gọi tăng gấp đôi thị trường trái phiếu “xanh” lên 20 tỷ USD năm 2014 và lên mức 50 tỷ USD vào cuối năm 2015.
Động lực thúc đẩy thị trường trái phiếu “xanh” phát triển nhanh chóng xuất phát từ chính nhu cầu về nguồn vốn của các nhà phát hành và các cam kết của nhà đầu tư về tài trợ cho chống biến đổi khí hậu, cũng như những lợi ích kép mà nó mang lại cho cả nhà đầu tư và nhà phát hành. Hậu quả của biến đổi khí hậu đã không chỉ làm gia tăng áp lực cho các chính phủ mà còn tăng chi phí sản xuất của khu vực tư nhân. Trong khi đó, nguồn lực của các chính phủ không bao giờ đáp ứng đủ cho việc phục hồi môi trường và đối phó với các nguy cơ về năng lượng, khan hiếm nguồn nước và lương thực thực phẩm. Do đó, sự đồng hành của khu vực tư nhân cùng với chính phủ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Trái phiếu “xanh” vừa đem đến nguồn tài chính cho các quốc gia triển khai các dự án năng lượng sạch, giảm tác động và thích nghi với biến đổi khí hậu, trong khi mang lại cho các nhà đầu tư nguồn tín dụng chất lượng cao, lợi tức từ các khoản đầu tư, cùng với những lợi ích tích cực về mặt môi trường. Bên cạnh đó, công nghệ “sạch” cũng đang là một xu hướng được các nhà đầu tư lựa chọn dựa trước những lo ngại về nguy cơ do biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Phái viên đặc biệt về vấn đề biến đổi khí hậu của WB Rachel Kyte thì trái phiếu “xanh” đang tạo một dòng vốn mới cho sự phát triển nền kinh tế “sạch” và bền vững. Đồng thời, trái phiếu “xanh” còn có tiềm năng trong việc dịch chuyển đòn bẩy tài chính theo hướng “sạch” hơn. Thay vì được đầu tư vào các dự án sử dụng năng lượng hoá thạch truyền thống, dòng vốn sẽ được chuyển sang các dự án ít khí thải hơn, có ý nghĩa về mặt môi trường. Qua đó, trái phiếu “xanh” góp phần đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng và phát triển một nền kinh tế “sạch” và bền vững trong tương lai.
Tiềm năng cho Trái phiếu “xanh” tại Việt Nam
Tại Việt Nam, hậu quả do biến đổi khí hậu đã làm gia tăng mức độ cũng như chu kỳ xảy ra thiên tai như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng,…đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cũng cho rằng biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam tổn thất 15 tỷ USD/năm, tương đương 5% GDP. Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng ước tính, sự gia tăng 1m của mực nước biển sẽ tác động đến đời sống của khoảng 20% dân số. Ngập lụt và xâm mặn do nước biển dâng sẽ làm thu hẹp diện tích đất canh tác trong nông nghiệp ở cả đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Các ngành công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và năng lượng làm cho chi phí sản xuất tăng cao.
Trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển kinh tế- xã hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thân thiện với môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 2612/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 phê duyệt Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp trong sản xuất công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng “xanh”, hạn chế biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống cộng đồng. Theo đó, đến năm 2020, 100% các dự án đầu tư mới thuộc các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch.
Trên thực tế, công nghệ “sạch” cũng đang trở thành xu hướng chung của các doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí, cải thiện môi trường, nâng cao hiệu suất thông qua việc quản lý, sử dụng bền vững và hiệu quả các nguồn năng lượng. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam chính là thiếu nguồn vốn đầu tư để đổi mới và thay thế công nghệ hiện có do đầu tư vào công nghệ “sạch” cần một lượng vốn đầu tư ban đầu lớn hơn nhiều lần so với công nghệ thông thường. Bên cạnh đó, các TCTD cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thẩm định và đánh giá rủi ro khi cấp vốn cho các doanh nghiệp đầu tư, cũng như các nhà cung cấp công nghệ “sạch”.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, trong đó quy định trách nhiệm của TCTD trong việc quản lý các rủi ro về môi trường trong khi cấp tín dụng cho các dự án đầu tư. Sau khi ban hành, Thông tư sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tín dụng “xanh” ở Việt Nam.
Có thể thấy nhu cầu thực tế đang mở ra tiềm năng cho việc thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trái phiếu “xanh” tại Việt Nam. Trong đó, sự phối hợp tham gia giữa khu vực công với tư nhân, trong nước và ngoài nước, sự liên kết giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng với doanh nghiệp và nhà cung cấp giải pháp công nghệ là rất cần thiết để huy động tối đa mọi nguồn lực cho sự phát triển của một nền kinh tế “sạch” và bền vững.
sbv
|