MH370 có thể nằm trên miệng núi lửa dưới đáy Ấn Độ Dương
Giới chuyên gia địa chất đại dương của Úc hôm qua 25-3 đưa ra nghi ngờ chiếc máy bay Boeing 777-200 của Hãng hàng không Malaysia (MAS) có thể đã rơi trên một miệng núi lửa khổng lồ nằm dưới đáy Ấn Độ Dương.
* Malaysia Airlines có thể phải bồi thường hàng triệu USD vì MH370
* Mỹ: Chưa có bằng chứng MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương
* Malaysia Airlines thông báo không ai trên MH370 sống sót
* Malaysia kết luận máy bay MH370 đâm xuống nam Ấn Độ Dương
Báo Sydney Morning Herald dẫn lời chuyên gia Robin Beaman của Đại học Jame Cook cho biết mảnh vỡ do Úc phát hiện ngày 16-3 nằm ở cách nơi hoạt động của khu vực núi lửa ở nam Ấn Độ Dương 60km về phía tây nam. Khu núi lửa này là một chuỗi núi lửa chạy dài từ tây nam nước Úc đến New Zealand.
Chỉ vài ngày sau đó, máy bay Trung Quốc lại phát hiện thêm mảnh vỡ trôi dạt cách khu vực này khoảng 180km về phía tây nam. Đến ngày 24-3, máy bay của Úc tiếp tục phát hiện mảnh vỡ cách khu núi lửa này khoảng 200km về phía đông bắc.
“Có khả năng chiếc máy bay đã lao xuống những sườn núi nhưng chúng ta không có bản đồ khu vực này. Do đó, chúng ta phải vẽ lại hải đồ ở dãy núi lửa trên” - ông Beaman nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho biết thêm biển nam Ấn Độ Dương là vùng biển nguy hiểm nhất thế giới với điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt. Hệ thống núi lửa nằm dưới đáy biển ở khu vực này có địa hình phức tạp và rất ít thông tin hải đồ.
Muốn tìm thấy mảnh vỡ máy bay nghi ngờ rơi trên các sườn núi lửa này thì việc cần làm là dùng tàu gắn thiết bị đo độ sâu đa tia để vẽ bản đồ 3D vùng đáy biển rộng lớn ở nam Ấn Độ Dương.
Song hiện nay con tàu duy nhất của Úc có khả năng lập hải đồ ở độ sâu 3.000m dưới lòng biển là RV Southern Surveyor đã ngừng hoạt động từ tháng 12-2013. Còn chiếc tàu thay thế cho chiếc này đang nằm ở cảng Singapore để chạy thử nghiệm trên biển. Điều này càng làm cho công tác tìm kiếm mảnh vỡ chiếc máy bay số hiệu MH370 khó khăn hơn.
“Khó khăn chồng chất khó khăn khi hiện nay Úc không thể vẽ hải đồ ở vùng biển quá sâu như nam Ấn Độ Dương. Lần cuối cùng người ta vẽ hải đồ khu vực này là năm 1994 nhưng với kỹ thuật rất lạc hậu” - ông Beaman cho biết.
Trong diễn biến liên quan, công tác tìm kiếm máy bay số hiệu MH370 của MAS đã được tiếp tục ở nam Ấn Độ Dương sau một ngày gián đoạn do thời tiết xấu, bão xuất hiện trong khu vực tìm kiếm. Cơ quan an toàn hàng hải Úc (AMSA) cho biết các đội tìm kiếm sẽ chia thành ba khu vực và rà soát trên diện tích 80.000km2.
“Hôm nay AMSA đã điều tổng cộng 7 máy bay quân sự và máy bay dân sự để tìm kiếm mảnh vỡ của máy bay” - người phát ngôn của AMSA cho biết.
Cùng lúc, tàu hậu cần Rồng Tuyết và ba tàu khác của Trung Quốc cũng đang tiếp cận khu vực tìm kiếm để phối hợp với các tàu của Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Mỹ Loan
tuổi trẻ
|