Khủng hoảng tại Ukraine: Trật tự thế giới mới
Cả phương Tây và Nga đều nói về một "trật tự thế giới mới" được sắp đặt sau khủng hoảng chính trị tại Ukraine, nhưng ý nghĩa của trật tự này được hiểu hoàn toàn khác nhau.
* Nga bị loại khỏi G8
Liên minh Châu Âu (EU) đã ký kết tạm thời cho phép Ukraine là thành viên liên kết của EU đúng vào ngày Thượng viện Nga phê chuẩn việc sáp nhập vùng Crimea vào Nga. Qua thỏa thuận này, các lãnh đạo châu Âu muốn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine, sau khi loan báo các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Đức thông báo đình chỉ mọi hình thức hợp tác quân sự với Nga, kể cả lĩnh vực xuất khẩu linh kiện.
Pháp cũng tuyên bố ngưng hợp tác quân sự với Nga trừ các cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ cam kết quốc tế. EU thêm vào danh sách trừng phạt 12 nhân vật Nga và Ukraine thân Nga. Tổng số nhân vật bị trừng phạt là 33 trong danh sách của EU và 31 người trong danh sách của Mỹ. Ngoài các biện pháp trừng phạt của Chính phủ Mỹ, hai công ty Mỹ là Visa và MasterCard bắt đầu chặn giao dịch bằng thẻ tín dụng ở một số ngân hàng Nga.
Các hãng đánh giá tín dụng S&P và Fitch đều thông báo đã hạ triển vọng tín nhiệm đối với nền kinh tế Nga từ "ổn định" xuống "tiêu cực" - tín hiệu cho thấy nước này có khả năng bị hạ xếp hạng tín dụng vì tác động của các lệnh trừng phạt.
Nga đã phản ứng lại, cũng công bố danh sách, trừng phạt ba cố vấn của Tổng thống Mỹ và một số nghị sĩ, trong đó có Thượng Nghị sĩ John McCain, bị phong tỏa tài sản ở Nga và du lịch Nga.
Trong biến cố Crimea, một nghị quyết không công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea được biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với 13 phiếu thuận, phiếu chống duy nhất của Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Lá phiếu trắng khiến những nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc quan ngại nước này có thể cũng sẽ có hành động lấn chiếm hay sáp nhập vùng tranh chấp và Nga cũng sẽ đồng tình im lặng.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng việc Moscow can thiệp vào Crimea nằm trong một "chiến lược toàn cầu" của Nga và lo ngại Tổng thống Putin đang theo đuổi chiến lược khôi phục lại không gian chính trị và vị thế của Nga thời Liên Xô trước đây.
Chẳng hạn, Moldova, quốc gia thuộc Liên Xô cũ với đa số dân nói tiếng Rumani, nằm giữa Rumani và Ukraine, cho biết rất quan ngại kịch bản Ukraine sẽ lặp lại trên lãnh thổ nước mình. Tại phần đất phương Đông của Moldova là Transnistria, cư dân hầu hết là người Nga và Ukraine. Vùng này đã ly khai, với sự ủng hộ của Nga, sau cuộc chiến tranh năm 1992 - một năm sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng không được bất kỳ một quốc gia nào công nhận.
Tuần trước, Nghị viện Transdniestr bày tỏ mong muốn sáp nhập vào Liên bang Nga và điều này đã gây quan ngại cho Tổng thống Moldova Nicolae Timofti. Tình hình tương tự là Kazakhstan và Belarus, nơi có không ít dân số là người Nga. Nga, Belarus, Armenia và Kazakhstan vào năm 2010 đã thành lập Liên hiệp Thuế quan, đến năm 2015 sẽ chuyển thành Liên minh Kinh tế Âu - Á.
Năm 2012, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Cao ủy đối ngoại Liên hiệp Châu Âu là Cathrine Ashton đã đến thăm vùng Balkans. Tại đây, hai bà khuyến khích Serbia, Kosovo và Bosnia noi gương Croatia gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO. Giữa Washington và Moscow đang giành ảnh hưởng tại các khu vực biên giới của Nga. "Trong bối cảnh nhiều quốc gia Trung Âu đã theo Liên minh Châu Âu và xu hướng dân tộc chủ nghĩa đang bùng lên tại Nga, Nga phải bằng mọi cách để bảo vệ lợi ích của mình", nhà phân tích Joerg Forbrig của Viện Nghiên cứu German Marshall Fund giải thích lý do vì sao chính quyền của ông Putin bất chấp mọi đe doạ trừng phạt của phương Tây để giải quyết rốt ráo vấn đề Crimea và Ukraine.
Như vậy, theo giới quan sát, khủng hoảng của Ukraine và tham vọng của Nga sẽ kéo dài căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Một cuộc chiến hay các giải pháp can thiệp quân sự dường như khó xảy ra vì kinh tế EU lệ thuộc khá nhiều vào nguồn khí đốt của Nga, trong khi đó, chính phủ của ông Obama không lựa chọn giải pháp can thiệp quân sự ở nước ngoài. Nhưng các hành động trả đũa kiểu "ăn miếng trả miếng" giữa Nga và phương Tây đang tăng lên khiến nhiều nhà quan sát lo ngại rằng chiến tranh Lạnh đã trở lại. Bởi vì không chỉ căng thẳng ở Ukraine mà cùng lúc Trung Quốc đang trỗi dậy và đối đầu với Mỹ qua xung đột trên biển Đông...
Theo chuyên gia Hill của Viện Brookings, NATO sẽ không huỷ bỏ quyết định mở cửa cho tư cách thành viên của Ukraine trong tương lai. Rất nhiều người tin rằng, điều đó có nghĩa là hai bên đang bắt đầu một bế tắc có khả năng bùng nổ thành bạo lực. Ngày 23/3, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya cho biết nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa nước này với Nga đang ngày một gia tăng.
"Trong trái tim và tâm trí người dân Nga, Crimea luôn luôn là một phần không thể tách rời của Nga", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trước Quốc hội của Nga về việc chấp thuận Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Ông gọi đó là một chiến thắng và tính hợp pháp để chống lại sự can thiệp của phương Tây". Phương Tây cũng gọi biến cố Ukraine đã đặt ra một "trật tự thế giới mới", nhưng đây là "trật tự" sẽ gây ra sự hỗn loạn của một thế giới đa cực.
Bởi vì, tiền lệ của Crimea có thể dễ dàng khiến Ấn Độ hút vào một cuộc đụng độ với Trung Quốc về tranh chấp phần lãnh thổ Arunachal Pradesh hoặc Ladakh với Pakistan. Nếu giải pháp đơn phương ly khai được chấp nhận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp khó khăn hơn để thuyết phục người Kurd chung sống một cách hoà bình. Còn Ai Cập và Ả rập sẽ đụng độ với Iran bằng cách can thiệp để giúp người Hồi giáo Shia có mặt ở khắp khu vực Trung Đông.
Lam Hồng
doanh nhân sài gòn
|