Thứ Sáu, 28/03/2014 10:11

Malaysia trong cơn khủng hoảng niềm tin vì MH370

Malaysia không chỉ mất một máy bay. Cuộc tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 còn đưa quốc gia này vào một chặng đường có thể rất dài và nhiều gian nan để tìm lại uy tín đã bị đánh mất, báo Wall Street Journal bình luận.

Nhà chức trách Malaysia đã và đang đối mặt với một làn sóng chỉ trích lớn bởi dư luận cho rằng, những nỗ lực tìm kiếm của họ được tổ chức quá kém, những thông tin mà họ cung cấp không nhất quán, và họ quá chậm trong tiết lộ những dữ liệu mới quan trọng đối với cuộc tìm kiếm.

Sự chỉ trích đó đã khiến một chính phủ Malaysia vốn chưa quen với việc bị dư luận thế giới “soi” cảm thấy bối rối.

“Malaysia vẫn đang ở một vị trí tồi tệ. Họ sẽ bị săm soi cho dù họ làm bất kỳ điều gì”

Tuần này, có vẻ như nhà chức trách Malaysia đã tìm ra một hướng đi mới. Chính phủ Malaysia đã mời các nhà báo tới một cuộc họp báo tổ chức vào một thời điểm “lạ” là đêm muộn. Tại đó, Thủ tướng Najib Razak giải thích rằng, các chuyên gia bên ngoài đã rút ra kết luận từ phân tích dữ liệu vệ tinh mới rằng, chuyến bay MH370 đã kết thúc hành trình ở một nơi xa xôi ở Nam Ấn Độ Dương.

Không giống như những tuyên bố trước, tuyên bố này rất quả quyết và thẳng thắn, thông tin được đưa ra cực nhanh chóng, và sự phản đối mà nó vấp phải cũng mạnh không kém sự phản đối nhằm vào thái độ “lừng khừng” trước đó của nhà chức trách Malaysia.

Thủ tướng Najib đã cố gắng để đưa ra cho các gia đình hành khách đang đau khổ một kết luận, nhưng họ chỉ cảm thấy đau đớn hơn, khó hiểu hơn, và giận dữ hơn.

“Họ thay đổi cách xử lý tình huống quá nhanh. Malaysia cần phải tìm ra một điểm cân bằng nào đó và kiểm soát điểm đó. Điều này không thể làm ngay được”, chuyên gia về xử lý khủng hoảng Mike Smith thuộc công ty Inside Public Relations ở Australia nhận xét.

Gần 3 tuần sau khi MH370 biến mất, một bức tranh bắt đầu định hình, phản ánh Malaysia đã làm gì đúng, sai trong xử lý cuộc khủng hoảng. Trong quá trình đó, có những cuộc tìm kiếm sai hướng, mâu thuẫn căng thẳng với phía Trung Quốc, và những lần xuất hiện mang tính thử thách trước giới truyền thông quốc tế.

Trường hợp điển hình

Vào hôm thứ Ba tuần này, khi được hỏi về cách thức công bố thông tin, người em họ của Thủ tướng Malaysia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hishammuddin Hussein nói rằng, Chính phủ “cam kết cởi mở và tôn trọng thân nhân hành khách - hai quy tắc chỉ đạo của chúng tôi trong cuộc điều tra”.

Hôm thứ Tư, ông Hishammuddin tiếp tục bảo vệ cách phản ứng của Malaysia trong cuộc khủng hoảng. Vị quan chức này nói rằng, không phải quốc gia nào cũng có thể thuyết phục được trên 20 quốc gia gác sang bên sự khác biệt để hỗ trợ cuộc tìm kiếm MH370. “Lịch sử sẽ đánh giá đúng về chúng tôi”, ông Hishammuddin nói trong một cuộc họp báo.

Các chuyên gia về xử lý khủng hoảng nói rằng, cuộc tìm kiếm MH370 có thể trở thành một trường hợp điển hình (case study) trong lĩnh vực tìm kiếm máy bay mất tích trong nhiều năm về sau.

Lúc đầu, theo các chuyên gia, hãng Malaysia Airlines đã làm đúng vài việc. Hãng này đã nỗ lực trấn an thân nhân hành khách và có thời điểm liên tục đưa ra các thông báo, cho dù nội dung của các thông báo đó khá nghèo nàn. Nhưng dần dần, có quá nhiều câu hỏi không thể tìm được câu trả lời. Trong đó, nhiều câu hỏi vẫn bị bỏ ngỏ suốt hai tuần sau, tạo ra một khoảng trống dẫn tới những đồn thổi và những giả thiết xung đột, khiến trạng thái cảm xúc của các thân nhân hành khách càng thêm phần tồi tệ.

“Tất cả mọi hãng hàng không cần phải đặt câu hỏi: kịch bản trường hợp xấu nhất của mình là gì?”, GS. Hamish McLean thuộc Đại học Griffith ở Queensland, Australia, nói. “Nếu kịch bản đó trở thành sự thật, mình sẽ phản ứng như thế nào? Mình sẽ xử lý thông tin với các tổ chức và chính phủ ra sao? Liệu mình có nguồn lực để phản ứng hiệu quả trong những khoảng thời gian quan trọng hay không?”

Giới phê bình chỉ trích sự “bí mật” của đảng cầm quyền Malaysia - đảng đã nắm giữ quyền lực suốt 56 năm liên tục ở nước này. Trong khi đó, các quan chức chính phủ Malaysia xem đó là sự thận trọng cần thiết.

Trong một số trường hợp, Thủ tướng Najib đã hành động nhanh chóng. Nhà lãnh đạo 60 tuổi thường xuyên dùng mạng xã hội Twitter này đã gạt sang bên những lời cảnh báo của quân đội Malaysia rằng nước này không nên công bố những dữ liệu quân sự nhạy cảm nhằm đẩy nhanh cuộc tìm kiếm. Ông Najib đã công bố những dữ liệu đó, bất chấp sự phản đối của Thống tướng các lực lượng vũ trang Malaysia, ông Zulkefli Zin.

“Thủ tướng Najib khá cứng rắn. Ông ấy nói rằng đây là việc phải làm”, một nguồn tin thân cận tiết lộ.

Loay hoay với thông tin

Theo một số nguồn tin thân cận, khó khăn lớn nhất của Malaysia là xử lý như thế nào những thông tin vệ tinh liên quan tới chuyển động của chuyến bay MH370.

Hôm 12/3, các nhà điều tra Malaysia nhận được thông tin do công ty vệ tinh Inmarsat của Anh cung cấp cho thấy máy bay mất tích còn tiếp tục bay trong nhiều giờ đồng hồ sau khi mất liên lạc với kiểm soát không lưu, đồng nghĩa với việc khu vực tìm kiếm cần phải được mở rộng thêm hàng ngàn km2 nữa. Trong khi đó, các nhà chức trách Malaysia lại khăng khăng rằng, mọi thông tin cần phải được kiểm chứng bởi các cơ quan của nước ngoài, như Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ hay Ủy ban Điều tra tai nạn hàng không Anh trước khi được công bố.

Cho tới tận ngày 15/3, Thủ tướng Najib mới công bố về thông tin vệ tinh nói trên cho thấy máy bay đã bay nhiều hơn so với những gì dự đoán ban đầu. Trước đó, các đội tìm kiếm đã bắt đầu triển khai lực lượng tới Ấn Độ Dương và thông tin đã bị rò rỉ ra giới truyền thông.

Hôm thứ Hai tuần này, ông Najib làm việc nhanh hơn nhiều. Ngay sau khi công ty AAIB của Anh thông báo với ông về phân tích dữ liệu tìm kiếm mới nhất, ông tập hợp ngay một cuộc họp báo vào đêm muộn, nói chuyến bay MH370 đã kết thúc ở miền Nam của Ấn Độ Dương.

Nguồn tin là một số quan chức Chính phủ Malaysia nói rằng, họ hy vọng, bằng cách công bố thông tin mới nhanh chóng như vậy, nước này sẽ chấm dứt được những lời phàn nàn cho rằng cuộc điều tra MH370 không minh bạch. Họ nói, họ muốn chứng tỏ Malaysia công bố thông tin ở mức nhiều nhất có thể, mỗi khi có thể.

Đến hôm thứ Ba, ông Hishammuddin còn lên tiếng giải thích thêm về phân tích dữ liệu vệ tinh mới dẫn tới kết luận máy bay rơi xuống biển. Ông nói rằng, những thay đổi nhỏ trong tần số tín hiệu thu được hàng giờ từ máy bay cho thấy tốc độ và hướng đi của nó. Tuy nhiên, nhiều gia đình hành khách không cảm thấy thuyết phục. Và ông Hishammuddin cũng lại thừa nhận, nhà chức trách cần có thêm những bằng chứng cụ thể, như mảnh vỡ, để khẳng định số phận của chuyến bay.

“Cho tới khi chúng ta biết điều đó, rất khó để có thể đưa ra một kết luận cho các gia đình”, ông Hishammuddin nói.

Thông báo bằng… tin nhắn

Tuy nhiên, thân nhân hành khách MH370 vẫn chưa thể chấp nhận cách làm việc của Chính phủ Malaysia.

Ở Trung Quốc, hơn 100 gia đình hành khách đi chuyến bay mất tích đã tới biểu tình trước Đại sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh. Trong khi đó, nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục yêu cầu Malaysia chuyển giao dữ liệu vệ tinh được lấy làm căn cứ để kết luận máy bay rơi xuống biển. Đến ngày thứ Tư, Malaysia đã cung cấp dữ liệu này cho Trung Quốc.

Sự giận dữ của các gia đình hành khách đã được tích tụ xuống mấy tuần qua. Các gia đình tập trung trong một khách sạn chỉ cách Sân bay quốc tế Bắc Kinh 20 phút lái xe, nhưng các quan chức của Malaysia đã không cung cấp đầy đủ thông tin cho họ hay giúp họ tránh được sự đeo bám của giới truyền thông. Báo giới đã tha hồ chĩa ống kính camera và microphone về phía các thân nhân hành khách.

Ở Kuala Lumpur, giới chức Malaysia Airlines cũng bị chỉ trích về cách mà họ đã chọn để báo tin cho các thân nhân hành khách về kết luận máy bay rơi xuống biển: thông qua một tin nhắn văn bản. Giám đốc điều hành Malaysia Airlines, ông Ahmad Jauhari Yahya, giải thích rằng, hãng này gửi tin nhắn cho các gia đình mà trước đó họ không liên lạc được để nghe thông tin trực tiếp từ Chính phủ Malaysia.

Trong khi đó, một nguồn tin thân cận lại tiết lộ rằng, các quan chức Chính phủ Malaysia đã rất “bàng hoàng” khi biết Malaysia Airlines chọn cách gửi tin nhắn văn bản để báo tin cho thân nhân hành khách. Tiết lộ này cho thấy, hãng hàng không và Chính phủ Malaysia đã có sự phối hợp kém như thế nào trong xử lý khủng hoảng.

Theo một số chuyên gia, Chính phủ Malaysia và hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines vẫn có thể khôi phục được uy tín trong cuộc tìm kiếm MH370 nếu kiểm soát tốt hơn dòng thông tin. “Nhưng Malaysia vẫn đang ở một vị trí tồi tệ. Họ sẽ bị săm soi cho dù họ làm bất kỳ điều gì”, chuyên gia xử lý khủng hoảng Smith đánh giá.

An Huy

vneconomy

Các tin tức khác

>   Xử 'đại án' bầu Kiên vào ngày 17/4 (28/03/2014)

>   Bộ trưởng Thăng mở hot-line về nghi án hối lộ (28/03/2014)

>   Sing Việt: “Bò” suốt 5 năm (28/03/2014)

>   Cựu thứ trưởng GTVT Lê Mạnh Hùng: “Không biết bọn họ “đi đêm” với nhau từ lúc nào?” (27/03/2014)

>   “Khủng hoảng Ukraine không phải là cuộc chiến tranh lạnh mới” (27/03/2014)

>   Đã có quyết định thu hồi nhà nghệ sĩ Chánh Tín (27/03/2014)

>   "Chưa phát hiện dấu hiệu bất thường" (27/03/2014)

>   Nông sản tắc nghẽn ở cửa khẩu (26/03/2014)

>   Bí ẩn quanh họ tên của tân chủ tịch Lê Hùng Dũng của VFF (26/03/2014)

>   Phát hiện 122 vật thể nghi của MH370 (26/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật