Sing Việt: “Bò” suốt 5 năm
Dù là một trong những dự án xây dựng đô thị lớn nhất tại huyện Bình Chánh, TP HCM nhưng dự án khu đô thị Sing Việt đã 5 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư và rất chậm trễ trong bồi thường, tái định cư cho dân
Dự án khu đô thị Sing Việt do Công ty TNHH Đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư, có quy mô 331 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 300 triệu USD, triển khai tại huyện Bình Chánh, TP HCM. Dù công tác đền bù đã triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay, dự án mới chỉ bồi thường được cho 50% hộ dân.
Chờ kinh phí
Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Bình Chánh, có 671 hộ dân của xã Lê Minh Xuân bị thu hồi đất để thực hiện dự án này; trong đó, 307 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, 364 hộ bị thu hồi đất ở.
Khu vực nằm trong dự án khu đô thị Sing Việt, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM
|
Sau khi UBND huyện Bình Chánh phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư của dự án, năm 2009, Ban BTGPMB huyện đã triển khai công tác đền bù cho dân. Tuy nhiên, tiến độ bồi thường rất chậm, hầu hết chỉ đền bù cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi (307 hộ), còn đối tượng bị thu hồi đất ở chỉ mới được 55/364 hộ.
Bà Phan Thị Bảo Châu, Phó Ban BTGPMB huyện Bình Chánh, cho biết vì dự án kéo dài nên giá đền bù đất ở vài năm gần đây không còn phù hợp. UBND huyện đã kiến nghị và được chủ đầu tư chấp thuận hỗ trợ thêm cho các trường hợp bị thu hồi đất ở. Hiện UBND huyện đã ban hành quyết định đền bù cho 16 trường hợp bị thu hồi đất ở với số tiền hơn 18 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chưa rót tiền về cho huyện.
Được biết, Ban BTGPMB huyện Bình Chánh mới ban hành 362 quyết định bồi thường trên tổng số 671 hộ dân bị thu hồi đất. Như vậy, số quyết định bồi thường còn lại sẽ ban hành là 309. “Do chủ đầu tư không rót kinh phí đền bù nên huyện không dám ban hành quyết định đền bù. Nếu ban hành mà không có tiền chi trả cho dân thì còn lo hơn!” - bà Châu lý giải.
Mặt khác, dự toán kinh phí bồi thường cho dự án này là 1.093 tỉ đồng. Tuy nhiên, huyện Bình Chánh mới chi trả hơn 570 tỉ đồng. UBND huyện cũng đã bàn giao hơn 211 ha trong tổng số 331 ha đất cho chủ đầu tư. Do việc bàn giao vẫn còn “da beo” nên chủ đầu tư chưa tiến hành san lấp, đầu tư hạ tầng.
Khu tái định cư chưa thấy đâu
Không chỉ đền bù ì ạch, khu tái định cư (TĐC) cho dự án cũng bị chủ đầu tư “neo” trên giấy nhiều năm liền khiến người dân bức xúc khiếu kiện và chính quyền địa phương cũng khó khăn trong việc vận động người dân giao đất, di dời.
Theo quy hoạch được duyệt, chủ đầu tư phải triển khai thực hiện dự án khu TĐC 63 ha để bố trí TĐC cho các hộ dân có nhà ở, đất ở và kể cả những hộ dân đất nông nghiệp có nhu cầu mua nền đất trong khu TĐC. Thế nhưng, sau khi các đoàn giám sát của HĐND TP lên tiếng và UBND TP hối thúc, đến nay chủ đầu tư mới hoàn chỉnh thủ tục pháp lý cho khu TĐC này (nằm giáp ranh khu đất xây dựng khu đô thị SingViệt).
Dù vậy, theo Ban BTGPMB huyện Bình Chánh, hiện chủ đầu tư và Ban BTGPMB huyện cùng UBND xã Lê Minh Xuân mới dừng ở mức điều tra, đo vẽ hiện trạng cũng như xây dựng phương án bồi thường. Do đó, thời gian nào khu TĐC này hoàn thành để bàn giao cho người dân thì vẫn chưa có câu trả lời.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án này đã 5 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Nói về sự chậm trễ của dự án “rùa bò” này, ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND TP, trong một lần giám sát dự án đã than phiền: “Từ khi làm lãnh đạo của huyện Bình Chánh (cũ), tôi đã nghe đến dự án này nhưng đến nay vẫn chưa thành hình thành dạng. Đó chính là lý do vì sao người dân trong dự án bức xúc kéo dài”.
TP HCM quyết làm rõ vụ “bôi trơn” 2,8 triệu USD
Ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, khẳng định như vậy tại buổi họp báo định kỳ chiều 27-3 về thông tin Công ty TNHH Đô thị Sing Việt đã bôi trơn 2,8 triệu USD cho các cơ quan ở Hà Nội.
“Chủ trương của lãnh đạo TP HCM là phải làm rõ nhưng trên cơ sở chờ ý kiến chỉ đạo của Ban Nội chính trung ương. Những cơ quan đó mới có thẩm quyền điều tra, xác minh. Lãnh đạo UBND TP rất quan tâm những việc nhạy cảm như thế. TP luôn muốn lành mạnh hóa môi trường đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, nên các thủ tục, công việc liên quan đến đầu tư nước ngoài TP đều rất thận trọng, làm công khai, minh bạch chứ không có gì khuất tất” - ông Võ Văn Luận nói.
Theo ông Luận, vấn đề này rất nhạy cảm vì xảy ra cùng lúc với nghi án Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ 80 triệu yen cho quan chức Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Lãnh đạo TP HCM rất quan tâm và kiên quyết làm rõ để bảo vệ danh dự TP.
Cũng liên quan đến nghi án hối lộ 80 triệu yen, ông Võ Văn Luận cho hay Chủ tịch UBND Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Ban Đô thị đường sắt TP HCM rà soát lại tất cả các dự án có liên quan đến JTC. Trước mắt, chưa phát hiện sai phạm, nếu sau này có phát hiện sai phạm, TP sẽ kiên quyết xử lý. Ph.Anh
|
Quý Hiền
người lao động
|