Thứ Năm, 13/03/2014 09:30

Luật Doanh nghiệp mới có tiếp nối tinh thần cũ?

Những bức bách trong môi trường kinh doanh liệu có được giải tỏa khi Việt Nam sửa Luật Doanh nghiệp?

Những rào cản cũ

Các cán bộ của phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội cảm thấy bối rối. Họ nhận được hồ sơ của một doanh nghiệp xin lấy tên là Công ty TNHH Cung cấp dịch vụ Sung Sướng; một doanh nghiệp khác xin lấy tên là Công ty cổ phần Ăn mòn Việt Nam; và một công ty nữa xin đăng ký tên Công ty Hùng Vương... Cán bộ của phòng đăng ký kinh doanh cho rằng các tên này, hoặc “nhạy cảm”, hoặc “phạm húy” nên đã treo lại.

Giám đốc một công ty cổ phần đã giải thể thì gặp chuyện “cười ra nước mắt”. Các cổ đông sáng lập đã nhất trí gửi thủ tục giải thể tới các cơ quan chức năng vào tháng 1-2012, sau khi bị gặp khó khăn liên tục từ khi bắt đầu hoạt động năm 2008. Sau ba tháng “nghiên cứu hồ sơ”, cơ quan thuế chuyển cho vị giám đốc quyết định truy thu tiền thuế môn bài trong giai đoạn 2010-2012, tiền thuế giá trị gia tăng còn thiếu, tiền phạt vi phạm hành chính... Bên cạnh đó, vị giám đốc còn nhận được yêu cầu “chi phí bồi dưỡng làm thêm giờ cho cán bộ thuế để kiểm tra hồ sơ”. Lúc này, kế toán doanh nghiệp đã đi làm ở nơi khác, các cổ đông đã chia nhau hết số tiền và tài sản còn lại. Vậy là vị giám đốc phải tự mình trả hết số tiền khoảng 30 triệu đồng để lấy được thủ tục “xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế”, “thông báo đóng mã số thuế”. Sau đó, ông còn phải xin xác nhận của cơ quan hải quan về “không nợ thuế hải quan”, xin xác nhận của ngân hàng về “đã tất toán tài khoản”... Đến hết năm 2012, ông mới lấy được thông báo giải thể doanh nghiệp từ cơ quan đăng ký kinh doanh.

Ở một góc độ khác, không ít chính quyền các tỉnh đã quyết định không cấp phép cho các quán karaoke; hay Bộ Xây dựng yêu cầu không cho doanh nghiệp đặt trụ sở tại chung cư; hay nhiều cơ quan thuế, công an đang muốn siết lại điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp để hạn chế việc lừa đảo, trốn thuế...

Tư duy tiền kiểm trở lại

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng những ví dụ trên cho thấy cơ chế hậu kiểm - tinh thần quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp 2005 đang bị xâm phạm bởi các cơ quan nhà nước. “Trong mấy năm gần đây, VCCI nhận thấy có nhiều dự thảo pháp luật đưa ra xin ý kiến quy định nhiều điều kiện kinh doanh. Đó là những dạng giấy phép con xuất hiện trở lại. Nhiều tỉnh còn ban hành quy định cấm không được kinh doanh ngành này, ngành kia khiến chúng tôi ngỡ ngàng”, ông Tuấn nói.

Cơ chế tiền kiểm - vốn đã bị phê phán trước đây - nay đã trở lại. Theo một quan chức của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh của Bộ KH&ĐT, vẫn còn những yêu cầu mang tính tiền kiểm thể hiện ở những quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó, 48 ngành nghề đòi hỏi có chứng chỉ hành nghề và 18 ngành nghề có vốn pháp định. Ông nói: “Việc quy định những điều kiện này trước khi thành lập doanh nghiệp là mâu thuẫn với bản chất người dân được kinh doanh mọi việc mà pháp luật không cấm”.

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí khi so sánh với quốc tế và khu vực. Thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh năm 2013 của nước ta vẫn xếp hạng thấp, thứ 109/189 quốc gia và nền kinh tế, theo Ngân hàng Thế giới. Báo cáo của CIEM cho biết, khởi sự kinh doanh ở Việt Nam gồm 10 bước với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày. Trong khi đó, ở Malaysia chỉ trải qua ba thủ tục với thời gian khoảng sáu ngày, Thái Lan bao gồm bốn bước với gian hơn 27 ngày.

Thay đổi về kỹ thuật hay về tư duy?

Quyền Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, một trong những người chủ trì việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, cho biết những rào cản như trên, và nhiều rào cản khác sẽ được thay đổi trong bộ luật sẽ trình ra Quốc hội tới đây. Dự thảo luật đang được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, đang nổi lên bốn vấn đề tranh cãi.

Thứ nhất là việc đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Tổ soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi thừa nhận thực tế, là có ý kiến cho rằng thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay ở nước ta quá đơn giản, nên một số doanh nghiệp đã thành lập để lừa đảo, mua bán hóa đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, theo đánh giá của CIEM, vẫn đang có tới chín thủ tục gia nhập thị trường. Ông Cung cho rằng, những thủ tục như đăng ký lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, nộp thuế môn bài, và đăng báo có thể rút ngắn lại để làm sao chỉ còn bốn thủ tục.

Thứ hai là việc ghi và mã hóa ngành nghề khi đăng ký doanh nghiệp.

Các nhà soạn thảo luật sửa đổi ghi nhận ba loại ý kiến. Thứ nhất, không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh. Thứ hai, chỉ ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Thứ ba, người thành lập doanh nghiệp chủ động ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký kinh doanh còn xếp ngành nghề đã đăng ký theo phân loại ngành kinh tế quốc dân là việc của cơ quan nhà nước có liên quan. Bộ KH&ĐT kiến nghị chọn phương án theo ý kiến thứ hai.

Thứ ba là khái niệm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Hiện có ý kiến khác, đề nghị coi doanh nghiệp có 10% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết trở lên là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo dự thảo luật, thì đó là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp có ít nhất 51% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Xét về hiệu lực quản lý nhà nước, giới hạn 51% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ thuận lợi hơn vì nỗ lực quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp mà quyền quyết định và lợi ích tại đó do người nước ngoài chi phối.

Và cuối cùng là chuyện về doanh nghiệp nhà nước.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung thêm chương VII về doanh nghiệp nhà nước. Có ý kiến cho rằng không nên thêm như vậy vì Luật Doanh nghiệp quy định về loại hình pháp lý của doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng xét về hình thức thì có một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước có vẻ không hợp lý đối với vai trò, chức năng và kết cấu truyền thống của Luật Doanh nghiệp. Thế nhưng, nội dung của nó không quy định doanh nghiệp nhà nước như một hình thức pháp lý, mà chỉ quy định các vấn đề quản trị đặc thù, bổ sung hoặc thay thế cho các nội dung về quản trị đã quy định tại các chương tương ứng về công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Vì vậy, xét sâu hơn, nó sẽ không làm đảo lộn, mà trái lại cũng cố thêm vị trí và chức năng của Luật Doanh nghiệp trong điều kiện Việt Nam.

Liệu tất cả những điều gây tranh cãi như trên có được giải quyết trong dự thảo luật, và liệu dự thảo đó có được Quốc hội thông qua? Ông Cung nói, sửa Luật Doanh nghiệp lần này cần được đặt trong bối cảnh đang cần có đột phá về cải cách thể chế. “Chúng ta đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mà thực chất là thay đổi hệ thống động lực để phân bố lại nguồn lực hiệu quả hơn. Đó là yêu cầu mang tính chất mệnh lệnh đối với bất cứ ai, bất kỳ doanh nghiệp nào. Tôi tin là lực đẩy phát triển sẽ mạnh hơn lực cản vì tính bức bách của cải cách đang rất mãnh liệt, sự đồng thuận cũng lớn”, ông nói.

Không ghi ngành nghề kinh doanh là bước tiến

Không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ, nhất là trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là bước tiến lớn đối với doanh nghiệp.

Thứ nhất, theo luật hiện hành, doanh nghiệp vẫn được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nhưng phải đăng ký và ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu không ghi là không hợp pháp và bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điểm này tạo cho nhà đầu tư nhiều rủi ro vì không đăng ký ngành nghề nào thì không được kinh doanh ngành nghề đó. Nếu lỡ ký hợp đồng thì khi có tranh chấp rất dễ bị tuyên bố vô hiệu.

Bên cạnh đó, có thực tế là khi đăng ký nhiều nghề không có trong danh mục của Nhà nước nên doanh nghiệp phải trình đi trình lại cho cơ quan quản lý, phải xin ý kiến các bộ hàng tháng và thậm chí không đăng ký được phải ghi thành nghề khác.

Ngoài ra, nếu đã không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh thì sẽ không còn việc đăng ký bổ sung. TPHCM nói nếu không phải nhận đăng ký bổ sung thì công việc của họ giảm tải được tới một phần ba.

Ông Cung thừa nhận thực tế là các cơ quan đăng ký kinh doanh đang ngần ngại khi bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ. Ông nói: “Đây là điều dễ hiểu vì nếu không ghi ngành nghề kinh doanh thì Nhà nước mất định hướng quản lý. Lẽ ra Nhà nước phải biết doanh nghiệp đang kinh doanh ở đâu, làm gì, vốn bao nhiêu. Sự lo lắng đó tôi cảm nhận được, sau này có việc gì lại đổ cho quản lý nhà nước thoáng quá”. Ông cho rằng, cần thêm thời gian để giải thích với các cơ quan nhà nước về điều này.

Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng CIEM


Tư Giang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tái sinh những thương hiệu "vang bóng một thời" (13/03/2014)

>   Ngành dệt may xuất hiện nhiều đối thủ ngoại (13/03/2014)

>   Thắt chặt quản lý đầu tư công (13/03/2014)

>   Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Ninh Bình đạt hơn 85% (12/03/2014)

>   Ngành công nghiệp ôtô: Không thể... “cài số lùi” (12/03/2014)

>   Air Mekong có nguy cơ bị hủy giấy phép (12/03/2014)

>   Các TĐ, TCT phải báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài (11/03/2014)

>   Dệt may nước ngoài đổ xô vào Việt Nam đón TPP (11/03/2014)

>   Ngành mía đường: Loay hoay trong gian khó (11/03/2014)

>   WB: Việt Nam cần 30 tỷ USD mỗi năm phát triển hạ tầng (11/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật