Thắt chặt quản lý đầu tư công
Với khá nhiều điểm mới nổi bật, dự án Luật Đầu tư công được xem là giải pháp hữu hiệu để quản lý các nguồn vốn đầu tư ngày càng hiệu quả.
“Phải phân rõ trách nhiệm chủ trương, thẩm định dự án của từng cấp, trước đây công việc thẩm định thường giao cho Sở KH&ĐT nhưng bây giờ phải thành lập cơ quan quản lý thuộc UBND tỉnh có sự tham gia của Sở Xây dựng, GTVT, KH&ĐT, Tài chính để phân rõ trách nhiệm từng ngành. Bởi lâu nay khi thẩm định dự án chỉ nói trách nhiệm chung chung” - Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhắc lại nhiều lần về vấn đề này trong Hội nghị thảo luận các nội dung hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 12-3, tại Hà Nội.
Đặc biệt trong dự án Luật Đầu tư công có hẳn một chương để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Trong đó, điểm đổi mới quan trọng nhất là thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đây là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư.
“Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau như buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công,... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả. Tình hình này đã kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục, mà ngược lại có mặt còn trầm trọng hơn. Trách nhiệm quyết định chủ trương là vấn đề mới nhất, đột phá nhất trong Luật Đầu tư công. Từ xưa đến nay chủ trương đầu tư là quan trọng bậc nhất nhưng cũng lãng phí lớn nhất” - ông Vinh nói.
Trách nhiệm quyết định chủ trương là vấn đề mới nhất, đột phá nhất trong Luật Đầu tư công. Ảnh: HTD
|
Ngoài ra, theo ông Vinh, tình trạng hiện nay, trong nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ. Quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của cấp mình, cũng như khả năng bổ sung của ngân sách cấp trên. Từ đó, Luật Đầu tư công cũng sẽ quy định xây dựng và lập kế hoạch đầu tư. Theo đó, sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hằng năm sang kế hoạch trung hạn năm năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm. Với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn, đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước.
Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng trong quy trình thẩm định dự án, phần trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cũng phải được quy định cụ thể. Đây là những người trực tiếp thực hiện dự án. “Luật sẽ có mục dành riêng cho đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn, trước đây đơn vị tư vấn làm rất độc lập, thiết kế theo quy chuẩn chuyên môn và xem đó là danh dự của kiến trúc sư nhưng bây giờ cứ có tiền vào là vẽ cái gì cũng được. Thậm chí chủ đầu tư “móc ngoặc” với tư vấn để nâng giá trị lên gấp hai, ba lần. Vì vậy cũng cần quy trách nhiệm rõ ràng với đơn vị tư vấn để răn đe ngăn ngừa các tiêu cực trong thực hiện dự án” - vị tư lệnh ngành KH&ĐT nhất quán.
Dự kiến ngày 15-3, Ban soạn thảo sẽ gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH và trong tháng 4 sẽ thu ý kiến về để hoàn chỉnh dự thảo lần cuối trước khi trình Qh khóa XIII, kỳ họp thứ 7 vào ngày 20-5.
Theo dự thảo Luật Đầu tư công, về chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm A bao gồm các chương trình, dự án đầu tư sử dụng nguồn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách trung ương của các tổ chức chính trị, xã hội… Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do bộ, cơ quan quản lý,… HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình đầu tư bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương.
Về quyết định đầu tư thì Thủ tướng quyết định đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đã được Qh thông qua chủ trương đầu tư và các chương trình sử dụng vốn ngân sách trung ương, công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ.
|
Trà Phương
pháp luật tphcm
|