Thứ Ba, 11/03/2014 21:51

Ngành mía đường: Loay hoay trong gian khó

Ngành sản xuất mía đường đang thật sự khó khăn khi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Lượng đường tồn kho lên tới 400.000 tấn, người nông dân phá mía đào ao, trong khi tình hình buôn lậu đường đang diễn biến phức tạp...

Nhập lậu trường kỳ, tồn kho tăng tiến

Ngành mía đường niên vụ 2013 – 2014 dù mới đi được 1/3 chặng đường nhưng đã gặp "sóng lớn”. Bước khởi đầu của niên vụ không mấy suôn sẻ.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, theo phản ánh, liên tiếp người nông dân phá mía đào ao nuôi tôm. Tình trạng giá mía xuống thấp, chỉ còn 900 đồng/kg, cùng với cảnh các nhà máy đường ngập ngừng thu mua khiến cho người trồng mía điêu đứng. Ngoài ra, một con số đáng lưu ý từ các nhà máy đường cho biết, hiện trong kho đang tồn đến 400.000 tấn đường. Hầu hết là đường RE chất lượng cao.

Mặt khác, giá đường nội địa hiện nay phổ biến tại kho nhà máy là 14.500 đồng/kg sau thuế. Còn giá đường của Thái Lan đang thấp hơn so với đường nội địa từ 2– 3 nghìn đồng/kg, từ đây dẫn tới thực trạng buôn lậu thương mại đường gia tăng. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, chỉ cần chênh lệch 1 giá là đã xảy ra tình trạng buôn lậu. Huống hồ là chênh nhau đến 2-3 giá/kg.

Đường nhập lậu còn thông qua cả cách thức tạm nhập mà không tái xuất. Một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sau khi nhập đường về đã không tái xuất mà để lại tiêu thụ. Điều này khiến cho lượng đường tồn trong kho ngày một tăng tiến.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam chia sẻ thông tin, hiện các nhà máy đường mới chỉ bán được 1/3 sản lượng đường sản xuất; tính chung cả nước hiện còn tồn kho khoảng 300.000 tấn đường.

Chưa kể, khi hội nhập WTO, theo tiến trình cam kết nền kinh tế nước nhà buộc phải nhập khẩu một lượng đường nhất định. Đường nội đứng trước cảnh bị đè nặng. Phần lớn các doanh nghiệp đường đang kêu khó. Cuối năm 2013, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Nguyễn Thành Long đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường một cơ chế "mềm” để xuất xuất qua đường tiểu ngạch. Các nhà sản xuất đường cũng kêu rằng, không nên cho nhập khẩu đường nữa để bảo hộ đường nội. Câu chuyện mía đường vẫn chưa có hồi kết với những khó khăn tưởng chừng chưa bao giờ dứt.

Mở lối cho ngành mía đường

Vậy hướng đi nào cho ngành mía đường? Cần quay lại câu chuyện giá bán buôn đường tại kho là 14.500 đồng/kg, trong khi đó giá bán lẻ đường tới tay người tiêu dùng là 20.000 đồng/kg. Tại siêu thị tư nhân phố Linh Lang (Hà Nội) giá đường Biên Hòa 20.000 đồng/kg; đường tinh luyện Biên Hòa RE 20.500 đồng/kg. Khâu phân phối bán lẻ đang bị thả nổi, thiếu sự kiểm soát, khoảng chênh khá lớn này trở thành miếng bánh lớn cho đầu nậu nhập lậu đường ngoài biên giới.

Do vậy nếu khép kín được chuỗi sản xuất và phân phối tới tay người tiêu dùng, lượng đường tồn tại các chân nhà máy sẽ được giảm. Cân đối sản xuất trong nước, nhập khẩu, không để người tiêu dùng mua cảnh giá đường ảo thì đường nhập lậu hết cửa. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hệ thống phân phối của Việt Nam vẫn bị thao túng, khiến cho giá cả bị "đẩy” lên vô tội vạ. Không chấn chỉnh hệ thống phân phối thì đường nhập lậu còn cửa rộng, đường nội còn bị ép.

Ông Phú nói thêm, mở lối cho ngành mía đường, cách duy nhất là hạ giá bán đường. Cách này hạn chế được đường ngoại, mà lại tăng sức cạnh tranh cho đường nội.

Một thực tế đang diễn ra, các nhà máy sản xuất đường bán buôn đường thông qua các đầu nậu. Sau đó phân phối lại cho doanh nghiệp đường, rồi đưa ra thị trường bán lẻ. Trong chuỗi phân phối 2 tầng nấc này mà đầu nậu là nơi kết nối trung gian đã mạnh tay nhập lậu trốn thuế để hưởng lợi. Chưa kể, từ đây các đầu nậu cũng có thể ép giá ngược lại các nhà máy. Các nhà máy hạ giá trong thu mua nguyên liệu mía.

Vẫn theo ông Phú, các mặt hàng nông sản không chỉ có mía đường đứng trước cảnh khốn khó, một phần do cách thức quản lý vẫn chỉ dừng lại ở phần ngọn và manh mún. Tức là thấy có buôn lậu đường thì dồn sức chặn buôn lậu, nhưng cách hiệu quả từ bên trong là khép kín chuỗi sản xuất – phân phối lại không làm.

Hồ Hương

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   WB: Việt Nam cần 30 tỷ USD mỗi năm phát triển hạ tầng (11/03/2014)

>   PVN sẽ nhập khẩu than trong năm nay (11/03/2014)

>   Việt Nam mong muốn sớm kết thúc đàm phán TPP (11/03/2014)

>   Đường tồn kho hơn 500.000 tấn (11/03/2014)

>   Người Việt Nam vẫn chưa ưu tiên hàng Việt Nam (11/03/2014)

>   TP.HCM: Cho vay 137 tỉ đồng hỗ trợ và giải quyết việc làm (11/03/2014)

>   Nên trả đất lại cho dân khi chưa đầu tư (11/03/2014)

>   Xuất khẩu sang EU: Thách thức từ rào cản phi thuế quan (11/03/2014)

>   Doanh nghiệp cần tỉnh táo! (10/03/2014)

>   Doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư 68 triệu USD vào Nam Định (10/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật