“Loạn” gói hỗ trợ bất động sản
Những ngày qua, thông tin về các gói hỗ trợ cho vay mua nhà xuất hiện liên tiếp trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Người dân cảm thấy “choáng ngợp” với các gói cho vay 30.000 tỷ đồng, 50.000 tỷ đồng, 70.000 tỷ đồng... Vậy cơ hội để vay mua nhà có thực sự nhiều như thế hay không?
Có quá nhiều hỗ trợ, liệu thị trường bất động sản có "cất cánh"?
|
Hiện trạng gói 30.000 tỷ đồng
Ngày 21/3/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có bản báo cáo về tình hình thực hiện gói cho vay hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.
Theo đó, tính đến 15/3/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng.
Cụ thể, với khách hàng cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.030 khách hàng với số tiền là 1.134 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân theo tiến độ cho 3.011 khách hàng với dư nợ 731 tỷ đồng.
Với khách hàng là doanh nghiệp (DN), các ngân hàng tham gia cho vay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ký hợp đồng tín dụng với 18 DN với số tiền cam kết giải ngân từ nguồn tái cấp vốn của NHNN là 1.775 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,7% tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở dành cho DN; trong đó đã giải ngân cho 12 DN với số tiền là 591 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường BĐS bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2013, gồm 2 phần: phần dành cho người dân chiếm 70%, tương đương 21.000 tỷ đồng; phần dành cho DN là 30%, tương đương 9.000 tỷ đồng.
Như vậy, gói cho vay hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ của Chính phủ và NHNN đưa ra dành cho người thu nhập thấp sau gần 1 năm triển khai mới chỉ giải ngân được chưa đầy 4%. Lý giải về sự chậm trễ này, NHNN cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương còn khan hiếm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng phụ thuộc vào tiến độ thi công cũng như khối lượng xây dựng của các dự án. Tuy nhiên, nhiều dự án được vay vốn theo gói hỗ trợ (81 dự án trong danh mục do Bộ Xây dựng công bố) vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý (như thủ tục chuyển đổi công năng từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, thủ tục cấp giấy phép xây dựng…) dẫn đến các ngân hàng không thể ký hợp đồng và giải ngân đối với các dự án này.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là một số ngân hàng vẫn còn thận trọng trong việc xác định đối tượng vay; chính quyền địa phương cấp cơ sở cũng chưa quán triệt chủ trương, chính sách và gặp nhiều lúng túng nên việc triển khai xác nhận đối tượng thu nhập thấp còn phiền hà, chậm chễ.
“Cứu” gói 30.000 tỷ đồng
Để “cứu” gói 30.000 tỷ đồng này, mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.
Theo đó, các giải pháp Bộ Xây dựng đề xuất là: Kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm (đối với khách hàng là cá nhân); Mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá); Mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 80% x 1,05 tỷ đồng; Mở rộng cho vay đối với các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ); Bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tổ chức triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng…
Nhận định về các giải pháp trên, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ mà vướng mắc nhất hiện nay là quy định cơ quan, hoặc chính quyền địa phương phải xác nhận tình trạng nhà ở của người vay vốn. Trên thực tế, cơ quan, chính quyền không đủ khả năng điều tra xem người vay vốn có nhà hay chưa, số lượng bao nhiêu, nên họ không dám xác nhận, hoặc cố tình trì hoãn việc xác nhận, làm kéo dài thời gian, thậm chí mất cơ hội cho người vay vốn, mua nhà.
Bên cạnh đó, một rào cản khác là giá nhà đâu có rẻ so với thu nhập của đại đa số người dân. Ngay cả lãi suất vay vốn cũng cần giảm thêm cho phù hợp với diễn biến của thị trường và đảm bảo đúng nghĩa “ưu đãi”.
Gói 50.000 tỷ đồng, 70.000 tỷ đồng….
Năm 2014 được nhận định là năm mà thị trường BĐS sẽ có dấu hiệu khởi sắc nhưng hiện nay, hàng tồn kho vẫn đang rất cao, được đánh giá vào khoảng 92.690 tỷ đồng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc khơi thông để kích cầu cũng như giải phóng hàng tồn kho BĐS vẫn còn là thách thức lớn.
Cơ quan quản lý ráo riết tìm các biện pháp “vực dậy” thị trường BĐS. Nhiều ngân hàng cũng “đánh tiếng” tham gia nhiệt tình.
Ngày 25/3/2014, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) kết hợp với Tập đoàn Thiên Thanh đã công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho thị trường BĐS. Chưa dừng ở đó, theo VNCB, có 7 ngân hàng cũng đã đăng ký với NHNN 70.000 tỷ đồng cho vay bình thường phục vụ BĐS.
Thông tin về các gói cho vay hỗ trợ mua nhà xuất hiện liên tiếp đem lại nhiều hy vọng sở hữu nhà cho người dân. Tuy nhiên, cơ hội có thực sự mở ra với họ?
Theo các chuyên gia phân tích, các gói 50.000 tỷ đồng, 70.000 tỷ đồng không có gì đặc biệt, không có ưu đãi nào, khi vẫn với điều kiện và lãi suất như vay thương mại bình thường.
Điểm khác của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng là mô hình liên kết 4 nhà (chủ đầu tư, nhà thầu, ngân hàng, người tiêu dùng) với nhiều điểm tích cực như: tháo gỡ khó khăn cho các dự án, hạn chế đầu tư dở dang, lãng phí; Tăng cường sự phối hợp giữa các ngân hàng; Giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lắp…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nghe gói 50.000 tỷ đồng rất hay, vẽ đẹp, khuếch trương, nhưng bản chất chỉ là đảm bảo dòng tiền đi đúng mục đích. “Nhiều người nói thực chất gói 50.000 tỷ đồng chỉ là số ảo, khó khả thi. Cụ thể ra sao phải đợi triển khai mới nói được”, ông Long nói.
Cùng chung quan điểm này, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho rằng, không nên ảo tưởng về gói 50.000 tỷ đồng. DN được vay bao nhiêu, lãi suất thế nào hoàn toàn phụ thuộc thỏa thuận với ngân hàng.
Theo ông Châu, việc liên kết 4 nhà (nhà đầu tư, nhà băng, nhà cung ứng vật liệu, nhà thi công) là xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu của đơn vị tổ chức là gì? Nếu để giảm giá BĐS rất đáng hoan nghênh; còn đơn vị tổ chức đặt lợi nhuận đầu tiên thì việc độc quyền và lợi ích nhóm không tránh khỏi. Điều này làm méo mó thị trường BĐS vốn đang khó khăn.
Về tương lai của thị trường BĐS sau các thông tin hỗ trợ trên, nhiều DN cho rằng, việc tung thêm các gói hỗ trợ chỉ là chiêu đánh động, chưa thể thay đổi được cục diện thực tế của thị trường vì “không thể cứu BĐS bằng tiền” mà phải bằng các chính sách hỗ trợ dễ thở hơn, giảm đi một số các thủ tục, giải quyết các đơn xin và cho DN thực hiện các căn hộ nhỏ, phân khúc giá rẻ phù hợp với khả năng của người dân mới giúp thị trường dần hồi phục trở lại.
Hải Nam
Tài chính
|