Thị trường BĐS: Tiềm ẩn những thương vụ M&A
Năm 2014 sẽ có nhiều thương vụ M&A được hình thành. Nhận định này đã được ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc nghiệp vụ Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam đưa ra vào cuối năm 2013.
Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2014, đã có nhiều cuộc "đào tẩu" của không ít nhà đầu tư (NĐT), kèm theo đó là sự gia nhập của các NĐT mới.
Điển hình như vụ Peninsula Pacific (Mỹ) trở thành NĐT mới trong dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng (có casino) Nam Hội An. Dự án tưởng chừng đã chìm vào lãng quên khi Genting Bhd (Malaysia) nói lời từ biệt vào tháng 9/2012.
Tuy nhiên, những thông tin về việc sắp thí điểm cho phép người dân trong nước vào casino đã dấy lên những hy vọng cho các NĐT ngoại khi tham gia vào những hạng mục này tại Việt Nam.
Trong khi đó, cũng ở khu vực miền Trung, vào tháng 11 năm ngoái, 19 chuyên cơ của giới nhà giàu ngoại quốc đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng để tham gia một sự kiện lớn tại đây, thu hút sự quan tâm của báo chí lẫn dư luận.
Một nhân vật có tiếng trong giới tư vấn đầu tư phân tích, đây không phải lần đầu Đà Nẵng đón chuyên cơ của giới doanh nhân mà trong suốt năm 2013, rải rác những chuyên cơ của các tỷ phú từ Hồng Kông đã đến Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản.
Nên nhớ, Đà Nẵng là khu vực có sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư ngoại, hiện họ đang sở hữu hàng loạt khu nghỉ dưỡng 5 sao và đa phần đều đã đến thời điểm thoái vốn, vấn đề còn lại là lợi nhuận thụ hưởng sau mỗi thương vụ ra sao.
Ngoài ra, việc thoái vốn của các doanh nghiệp nội địa khỏi một số dự án và công ty liên kết gần đây đã tạo nên sóng ngầm cho hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A). Điền hình như Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam đã công bố thoái vốn khỏi 13 công ty niêm yết trên sàn, trong đó có việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty CP Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PV-SSG).
Hay như trường hợp của HUD, theo kế hoạch, đến năm 2015, công ty này phải thoái vốn hết ở 5 công ty (chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, hạ tầng và nghỉ dưỡng). Hầu hết những cuộc "tháo chạy" này đều mang tính chất cắt lỗ, giảm lỗ nên sẽ tạo ra nhiều lựa chọn cho DN có nhu cầu về một khoản đầu tư giá rẻ.
Bên cạnh đó, thời gian qua, trong khi các nhà đầu tư ngoại đang trải dài danh mục dự án tại Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp nội đã có sự chuyển dịch theo hướng "Nam tiến". Theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn - Savills Hà Nội, điều này thể hiện sự khác nhau về khái niệm đầu tư.
Theo đó, các tập đoàn nước ngoài chỉ quan tâm tới việc phát triển, kinh doanh và quản lý trên những tài sản họ đang có và sẽ đầu tư. Đồng thời, trong bất kỳ điều kiện thị trường nào thì mối quan tâm của họ đều có sự phân bổ nguồn lực đồng đều.
Ngược lại, các doanh nghiệp nội, sau một khoảng thời gian phát triển nóng ở thị trường Hà Nội, bắt đầu tìm kiếm những cơ hội mới ở thị trường phía Nam. Chính điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội để M&A nếu hai bên thấu hiểu nhu cầu của nhau.
Đỗ Hải
Doanh nhân sài gòn
|