“Không tách người nghèo ra khỏi khu vực có người giàu”
“Quan điểm của Chính phủ là giải quyết nhà ở bằng con đường thị trường, để cho thị trường tự điều chỉnh, quyết định, dứt khoát không quay lại cơ chế bao cấp nhà ở”, khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại hội thảo về kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 12/3.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
|
Theo ông Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng một triệu người di cư từ nông thôn lên các đô thị để làm việc và học tập. Những đối tượng này phần lớn sẽ khó tiếp cận được với nhà ở tại các thành phố lớn, ngay cả khi có sự hỗ trợ của nhà nước. Trong khi đó, tâm lý của người Việt nói chung vẫn thích sở hữu nhà, thay vì trích một khoản tiền đi thuê nhà để ở.
Do đó, để đáp ứng phần lớn nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân là điều không thể.
Tuy nhiên, bên cạnh chủ trương “phó mặc cho thị trường”, nhà nước cũng sẽ có những chính sách phù hợp, từ đất đai, thủ tục, nguồn vốn…để làm sao không bỏ quên một số đối tượng quá khó khăn về nhà ở và có thu nhập thấp. Gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng là một ví dụ.
Trước phản ánh của dư luận về tình trạng xây nhà xã hội, nhà tái định cư nhưng tách rời khu dân cư, thiếu hạ tầng, khiến người dân như sống trên một ốc đảo, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định, tới đây sẽ kiên quyết để không có chuyện đó xảy ra.
Đặc biệt, trong quá trình soạn thảo các chính sách, quy định, Bộ Xây dựng cũng không hài lòng với khái niệm “nhà tái định cư”, vì theo ông Nam “nó đã để lại ấn tượng không tốt trong dư luận suốt nhiều năm qua”.
Thay vào đó, Bộ kiến nghị dùng khái niệm “nhà ở phục vụ cho mục đích tái định cư” và chủ yếu là dùng từ nguồn nhà thương mại, nhà xã hội chứ không xây mới dự án nhà cho mục đích tái định cư.
“Quan điểm của Bộ Xây dựng là không tách người nghèo ra khỏi khu vực có người giàu sinh sống, để họ vẫn được hưởng những hạ tầng do nhà nước đầu tư. Tới đây, không có chuyện đưa người nghèo ra tập trung vào một khu vực, giống như là khu ổ chuột mới”, ông Nam khẳng định.
Liên quan đến chất lượng các dự án nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội được cho là kém chất lượng, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định “nhà ở xã hội không bao giờ có thể so sánh chất lượng ngang bằng với các dự án nhà thương mại giá cao được. Nói gì thì nói, người nghèo thì không thể sống bằng mức sống với người giàu được”.
Trước đó, trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ cũng như bản thân những người làm công tác xây dựng luôn cảm thấy quan ngại trước thực tế một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động tại các thành phố, khu công nghiệp - những người trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội, lại đang phải sinh sống trong các khu nhà trọ chật chội, kém chất lượng.
Chính điều này cũng là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của người lao động, từ đó làm giảm thu nhập của người lao động. Đây chính là vòng luẩn quẩn mà muốn thoát ra không hề đơn giản, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhà tại Việt Nam vẫn cao hơn mặt bằng thu nhập của người dân.
Từ Nguyên
vneconomy
|