Chủ Nhật, 30/03/2014 10:30

"Không làm tốt có thể dẫn đến độc quyền trong xây dựng"

Sau 1 năm triển khai, gói 30.000 tỉ đồng với mục tiêu hỗ trợ thị trường bất động sản mới chỉ giải ngân được gần 4%. Mới đây, thị trường bất động sản lại đón thêm một gói hỗ trợ 50.000 tỉ đồng từ phía các ngân hàng. Liệu gói tín dụng mới này có giải quyết được các vấn đề của thị trường bất động sản hay không và quan trọng hơn là ai sẽ tiếp cận được số tiền đó? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vừa phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh giới thiệu gói tín dụng 50.000 tỉ đồng thông qua chuỗi liên kết xây dựng khép kín của 4 nhà: Nhà băng, nhà đầu tư, nhà thầu và nhà cung ứng vật liệu xây dựng. Ông đánh giá gì về gói tín dụng này?

Trong bối cảnh nhiều vụ bê bối trong thị trường bất động sản như chủ đầu tư huy động tiền của người mua nhà rồi bỏ trốn, nợ xấu bất động sản tăng vọt, điều thiếu nhất trên thị trường bất động sản lúc này là niềm tin. Nhằm gỡ nút thắt niềm tin này sự liên kết giữa 4 nhà sẽ là liều thuốc tốt. 50.000 tỉ đồng trong gói tín dụng này sẽ tập trung vào chuỗi cung ứng và giải quyết phần nào cho các DN và dự án còn đang dở dang. Gói tín dụng này sẽ chỉ nhằm tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể khi tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng, khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ DN tiếp cận gói tín dụng. Ngoài ra, việc khơi thông thị trường bất động sản cũng nhằm kích cầu và giải phóng hàng tồn kho nhiều loại vật liệu xây dựng.

Vậy điểm khác biệt giữa 2 gói tín dụng là gì, thưa ông?

Theo tôi được biết, đối tượng và mục đích của hai gói tín dụng này hoàn toàn không giống nhau. Nếu như gói 30.000 tỷ đồng là gói vay ưu đãi dành cho người thu nhập thấp, thì gói 50.000 tỷ đồng là gói tín dụng thương mại hoàn toàn bình thường, không phải là ngân sách hỗ trợ cho thị trường. Vì vậy việc có tiếp cận được vốn vay trong chương trình hay không tùy thuộc vào tính khả thi của dự án và sự thẩm định của ngân hàng. Như vậy, thực chất gói 50.000 tỷ đồng không có ưu đãi nào khi vẫn với điều kiện và lãi suất như vay thương mại bình thường giống như những gói tín dụng được một số các ngân hàng đã đưa ra thời gian qua. Điểm khác của gói tín dụng này với các ngân hàng khác là thay vì thực hiện bởi một ngân hàng độc lập lại phụ thuộc vào chuỗi liên kết 4 nhà, là các chủ đầu tư thông qua các dự án, từ đó ngân hàng mới có quyết định cung cấp tín dụng hay không. Khác biệt chỉ là quản lý dòng tiền đi đúng nơi, đúng chỗ để không bị chiếm dụng.

Các ngân hàng phải mở rộng, phải cho các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng và thi công tham gia gói 50.000 tỉ đồng này. Còn nếu chỉ bó hẹp ở một số đơn vị thì rất dễ dẫn đến lợi ích nhóm, làm hạn chế sự lựa chọn của DN.

Theo ông việc các dự án mới tiếp cận được với gói 50.000 tỉ đồng liệu có làm gia tăng tồn kho bất động sản?

Vấn đề lớn của thị trường bất động sản hiện nay không phải làm sao tạo ra sản phẩm, mà là sản xuất ra phải có người mua để ở (không phải mua đầu tư). Nếu không ai mua, không thu hồi được vốn, khoản vay sẽ biến thành nợ xấu. Vì vậy, trên thị trường hiện nay vẫn tồn tại một thực tế là với những chủ đầu tư có uy tín, sản phẩm làm ra chất lượng phù hợp với nhu cầu của người mua thì vẫn bán được hàng, trong khi đối với những sản phẩm vượt quá tầm với của người mua thì tồn kho vẫn cứ tồn kho. Vì vậy, tôi cho rằng dù có là gói bao nhiêu tiền thì cái quan trọng vẫn là chủ đầu tư phải biết tự thay đổi sản phẩm của mình, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với xu thế của thị trường chứ không thể cứ trông mong mãi vào việc vay được tiền từ các gói tín dụng rồi cứ thể làm ra sản phẩm không ai mua. Tránh tình trạng chúng ta cứ “thắt” chặt quá đến lúc cởi ra được thì lại “mở” quá.

Sau gần 1 năm triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng mới chỉ giải ngân được gần 4%, việc có thêm một gói hỗ trợ 50.000 tỉ đồng có làm cho thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu khả quan hơn không, thưa ông?

Nhiều DN bất động sản kêu ca với tôi rằng, thực tế của thị trường bất động sản hiện nay không thể thay đổi được bằng tiền mà phải bằng các chính sách hỗ trợ dễ thở hơn, giảm đi một số các thủ tục gây khó dễ, cởi mở hơn trong việc giải quyết các đơn xin và cấp phép nhiều hơn cho DN thực hiện các dự án căn hộ nhỏ, phân khúc giá rẻ phù hợp với khả năng của người dân, như vậy mới tăng khả năng hồi phục của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cho đến nay gói 50.000 tỉ đồng vẫn chưa công bố được những thông tin cần thiết cho DN và người dân có nhu cầu mua nhà như điều kiện cho vay, lãi suất và thời gian cho vay. Đặc biệt, theo tôi gói 50.000 tỉ đồng này dành cho các DN xây dựng là chính chứ không phải dành cho người dân nên việc so sánh tác động giữa 2 gói 30.000 tỉ đồng và 50.000 tỉ đồng sẽ đều không chính xác.

Bằng việc liên kết giữa 4 nhà liệu có xảy ra tình trạng độc quyền trong cung ứng không, thưa ông?

Hiện chính bản thân xây dựng cơ bản đang mất niềm tin lẫn nhau trong tín dụng, ngân hàng không tin chủ đầu tư, chủ đầu tư không tin nhà thầu… do dòng tiền bị sử dụng không đúng mục đích. Gói 50.000 tỉ đồng được kì vọng là sẽ giải quyết được nút thắt này. Tuy nhiên, nếu không làm tốt thì gói 50.000 tỉ đồng này sẽ dễ dẫn đến tình trạng độc quyền trong cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ lợi ích nhóm, rồi dần rơi vào tình trạng thất bại. Hơn nữa, đối tượng của gói 50.000 tỉ đồng là tất cả những DN nào có liên kết với đơn vị thi công, đơn vị vật liệu xây dựng trong cùng 1 nhóm, trong cùng 1 hệ thống của họ. Thành ra nhiều DN vật liệu xây dựng hay nhiều DN thi công mà không cùng hệ thống này sẽ không được chọn và sẽ dẫn đến nhiều khả năng mức giá được đưa ra sẽ cao. Vì vậy, các ngân hàng phải mở rộng, phải cho các đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng và thi công tham gia gói 50.000 tỉ đồng này. Còn nếu chỉ bó hẹp ở một số đơn vị thì rất dễ dẫn đến lợi ích nhóm, làm hạn chế sự lựa chọn của DN.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Thảo

Hải Quan

Các tin tức khác

>   Bất động sản Hà Nội đang lấy lại niềm tin của thị trường (28/03/2014)

>   TDH: Lãi hợp nhất "bốc hơi" gần 8 tỷ sau kiểm toán 2013 (28/03/2014)

>   Trả nhà công vụ về đúng mục đích sử dụng và đối tượng (28/03/2014)

>   Hà Nội đóng cửa 50% sàn giao dịch BĐS (28/03/2014)

>   Chung cư Hà Nội rậm rịch tăng giá (27/03/2014)

>   TP.HCM điều chỉnh quy hoạch xây dựng đến năm 2025 (27/03/2014)

>   Hơn 83ha đất trái phép làm bãi chứa vật liệu xây dựng (27/03/2014)

>   “Loạn” gói hỗ trợ bất động sản (27/03/2014)

>   Thị trường BĐS: Tiềm ẩn những thương vụ M&A (27/03/2014)

>   Bản chất gói 50.000 tỷ “cứu” bất động sản (27/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật