Đại hội VFMVF4: Sẽ đầu tư hết tài sản, thanh lý toàn bộ danh mục ngành dược
Do chấp nhận mức rủi ro cao hơn nên tỷ trọng tiền mặt của Quỹ đầu tư Doanh nghiệp Hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) chỉ ở mức từ 0-5% tổng giá trị tài sản (N.A.V), phần còn lại sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư từ cổ phiếu.
Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2014 của VFMVF4 đã thông qua kết quả đạt được trong năm 2013 cũng như định hướng chiến lược cho năm 2014.
Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2014 của VFMVF4 diễn ra tại TPHCM chiều 27/03
|
Thanh lý toàn bộ danh mục ngành Dược phẩm và thay thế bằng các cơ hội mới
Cụ thể, N.A.V của VFMVF4 đến cuối năm 2013 tăng thêm 27.7% so với cuối năm trước đó, cao hơn mức tăng trưởng của VN-Index với chênh lệch 5.7%, tương đương 682 tỷ đồng (8,458 đồng/ccq).
Từ ngày 16/12/2013, VFMVF4 được chấp thuận chuyển đổi thành quỹ mở. Trong giai đoạn trước đó, từ đầu năm 2013 đến 16/12/2013, Quỹ đạt lãi thuần 150 tỷ và trong nửa tháng còn lại của năm 2013 thì lỗ hơn 2 tỷ đồng.
Trước khi chuyển đổi sang quỹ mở, VFMVF4 giao dịch ở mức chiết khấu khá cao từ 30% (cuối năm 2012) xuống 9% tại ngày giao dịch cuối cùng dưới dạng đóng trên HOSE (cuối tháng 11/2013).
Năm nay là năm đại hội đầu tiên của VFMVF4 hoàn thiện dưới dạng quỹ mở theo lời của ông Đặng Thái Nguyên – Chủ tịch Ban đại diện Quỹ chia sẻ. Kể từ khi giao dịch dưới dạng quỹ mở từ 15/01/2014, chứng chỉ quỹ được giao dịch bằng đúng giá trị tài sản ròng với chiết khấu bằng 0. Chiếm tỷ trọng cao trong danh mục đầu tư của VFMVF4 là các cổ phiếu VNM, GAS, FPT, DPM, REE…
Đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của quỹ VFMVF4 trong năm 2013 là các ngành Thực phẩm, Thiết bị và Phần cứng Công nghệ, Vật liệu, Tiện ích công cộng và Năng lượng với 90% lợi nhuận trong năm 2013. Trong khi đó, ngành Ngân hàng và Dược phẩm gây lỗ nhẹ.
Đối với ngành Dược phẩm, VFMVF4 đã lên kế hoạch thanh lý toàn bộ trong năm sau và thay thế bằng các cơ hội mới. Ngành Ngân hàng và Bảo hiểm đang được phân bổ trong danh mục vì đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường và có vốn hóa lớn. Theo VFMVF4, thị trường tài chính sẽ trở nên sáng hơn trong năm tới, kỳ vọng ngành Ngân hàng, Dịch vụ tài chính và Bảo hiểm có thể bứt phá trong năm sau.
Năm 2013, VFMVF4 không phân phối lợi nhuận.
Đầu tư hết tài sản, chỉ giữ tiền mặt từ 0-5%
Về định hướng hoạt động cho năm 2014,VFMVF4 đã chuyển đổi sang quỹ mở từ cuối năm 2013 nhưng mục tiêu và chiến lược đầu tư không thay đổi so với hình thức quỹ đóng. Như vậy, chiến lược của Quỹ vẫn đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong các ngành cơ bản chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam, có hoạt động tài chính tốt và tăng trưởng ổn định. Các doanh nghiệp đầu tư là các doanh nghiệp có giá trị lớn đã và sẽ niêm yết trên TTCK Việt Nam.
VFMVF4 hướng tới cơ cấu danh mục với tỷ lệ cổ phiếu cao và tỷ lệ tiền thấp nhất, danh mục cổ phiếu vẫn tập trung vào cổ phiếu vốn hóa lớn trong các ngành cơ bản.
Chia sẻ thêm về định hướng hoạt động trong năm 2014 với các nhà đầu tư, đại diện Quỹ cho biết VFMVF4 dự định sẽ đầu tư hết tài sản, tiền mặt chỉ giữ mức dưới 5%, thậm chí từ 0-1% N.A.V. Do danh mục đầu tư của VFMVF4 bao gồm các cổ phiếu có thanh khoản tốt nên không lo lắng trong trường hợp nhà đầu tư rút tiền ra. Đây cũng là điều khác biệt giữa VFMVF4 với VFMVF1 (Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam). Cụ thể, đại hội thường niên trước đó của VFMVF1 đã thông qua định hướng hoạt động với 80-90% là đầu tư cổ phiếu, 10-20% là tiền mặt và các công cụ nợ có thu nhập ổn định do mức chấp nhận rủi ro của VFMVF4 cao hơn. Đây cũng là lý do Beta của VFMVF4 bằng 1, tăng giảm sát với thị trường trong khi Beta của VFMVF1 khoảng 0.7% với rủi ro thấp hơn. Danh mục đầu tư của hai quỹ này nhìn giống nhau nhưng lại khác nhau về tỷ trọng, do đó mức rủi ro cũng khác nhau.
Tại đại hội, nhà đầu tư đã thông qua điều lệ sửa đổi. Cũng như VFMVF1, tần suất giao dịch của VFMVF4 cũng được tăng lên, cụ thể, chứng chỉ quỹ VFMVF4 giao dịch vào thức 4 hàng tuần (thay vì 2 lần/tháng vào ngày thứ 4 thứ hai và thứ 4 thứ tư hàng tháng). Điều lệ sửa đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 11/04.
Ban đại diện quỹ cũng có sự thay đổi, ông Hoàng Kiên (Giám đốc Quản lý Danh mục đầu tư tại Dragon Capital) và ông Nguyễn Kim Long (Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI) xin từ nhiệm, ông Nguyễn Kiên Cường (Luật sư tư vấn cấp cao, tư vấn pháp lý – Công ty Dragon Capital) được bầu mới vào Ban đại diện quỹ. Như vậy, Ban đại diện của Quỹ VFMVF4 bao gồm:
- Ông Đặng Thái Nguyên – Chủ tịch
- Bà Đỗ Thị Đức Minh – Phó Chủ tịch
- Ông Trần Thiên Hà – Phó Chủ tịch
- Ông Lê Trung Thành – Thành viên
- Ông Huỳnh Văn Thòn – Thàn viên
- Ông Nguyễn Kiên Cường – Thành viên
Minh Hằng
Công lý
|