Thứ Ba, 25/03/2014 17:27

Đại hội VFMVF1: Nhà đầu tư rút hơn 40% quy mô từ khi lập quỹ mở

Tại Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2014 của VFMVF1 chiều 25/03, Ban đại diện quỹ cho biết, tính đến cuối năm 2013, N.A.V của VFMVF1 tăng trưởng 25% lên 1,088 tỷ đồng, tương đương 19,051 đồng/ccq, vượt VN-Index 3.3% và vượt HNX-Index 6.5%. Từ khi thành lập quỹ mở vào tháng 10/2013, nhà đầu tư đã rút hơn 40% quy mô quỹ.

* VFM sắp chào bán quỹ ETF đầu tiên tại VN dựa theo VN30

Cụ thể, tại thời điểm 08/10/2013, giá trị tài sản ròng (N.A.V) của quỹ là 1,891 tỷ đồng, lãi từ đầu năm đến thời điểm này gần 371 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, N.A.V của Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) giảm xuống mức 1,088 tỷ đồng, tương đương 19,051 đồng/ccq. Lãi ròng trong năm 2013 đạt 388 tỷ đồng, tổng chi phí hoạt động gần 862 tỷ, tương đương 90% kế hoạch.

Trong năm 2013, VFMVF1 đã tìm đối tác để thanh lý danh mục chứng khoán chưa niêm yết trong 6 tháng đầu năm gồm 7 cổ phiếu, chiếm 5.2% N.A.V tại ngày 31/12/2012. Bên cạnh đó, quỹ cũng đã thanh hoán 11 cổ phiếu niêm yết, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào 3 cổ phiếu mới cùng với danh mục đã có.

Cuối năm 2013, danh mục đầu tư của VFMVF1 bao gồm các cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX lần lượt chiếm 80% và 4.9% N.A.V với 16 cổ phiếu, tập trung vào 9 ngành, trong đó 3 ngành lớn nhất chiếm 55% tỷ trọng là ngành Thực phẩm, Vật liệu, Thiết bị và Phần cứng công nghệ. Trong năm quỹ giải ngân thêm vào ngành Thực phẩm (mua thêm VNM), ngành Thiết bị & Phần cứng công nghệ (tăng đầu tư vào FPT), ngành Tiện ích công cộng (mua thêm GAS).

Bên cạnh đó, VFMVF1 cũng giảm tỷ trọng DPM và chuyển một phần đầu tư vào HPG, thoái những cổ phiếu kém thanh khoản và gia tăng tỷ trọng vào REE. Với ngành ngân hàng, VFMVF1 mua 2 cổ phiếu duy trì cổ tức ổn định là MBBCTG, giảm tỷ trọng các ngành chịu tác động không tốt từ thị trường và ngành có cổ phiếu OTC như Bất động sản, Vận tải, Dịch vụ tài chính, Dịch vụ viễn thông và dược phẩm. Tăng tỷ trọng cổ phiếu có vốn hóa lớn từ 52% lên 75% N.A.V, giảm cổ phiếu vốn hóa vừa xuống còn 9.6%.

Đến cuối năm 2013, các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của VFMVF1 bao gồm VNM, FPT, REE, GAS, DPM...


Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2014 của VFMVF1 chiều 25/03/2014 (Ảnh: Vietstock)

Phân bổ 80-90% N.A.V vào cổ phiếu trong năm 2014

Tại đại hội, nhà đầu tư đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014. Theo VFMVF1, đây có thể là năm đầu tiên đi từ đáy suy thoái lên của nền kinh tế Việt Nam, các yếu tố nội tại của nền kinh tế đang tốt lên. Quỹ VFMVF1 tiếp tục theo đuổi chiến lược của quỹ đầu tư cân bằng, tỷ lệ cổ phiếu sẽ duy trì mức cao và tỷ lệ tiền ở mức thấp. Tài sản linh hoạt phân bổ 80-90% N.A.V vào cổ phiếu nhằm nắm bắt cơ hội tăng trưởng của thị trường cổ phiếu; 10-20% còn lại từ thu nhập ổn định từ lãi suất ngân hàng hoặc trái phiếu chính phủ.

Danh mục chủ chốt (80% giá trị đầu tư) tập trung vào cổ phiếu vốn hóa lớn và dành tối đa 20% giá trị đầu tư cho cổ phiếu vốn hóa vừa và vẫn đảm bảo thanh khoản. Danh mục chủ chốt này vẫn thuộc các ngành hàng tiêu dùng, vật liệu, viễn thông, bán lẻ. tìm cơ hội đầu tư vào những ngành có tính chu kỳ như bất động sản, xây dựng, cơ sở hạ tầng…

Chi phí hoạt động trong năm 2014 dự kiến giảm 4% so với thực hiện năm trước xuống 831 tỷ đồng.

Đây là năm đầu tiên quỹ hoạt động dưới dạng quỹ mở nên nhà đầu tư cũng đánh giá hình thức tổ chức có nhiều điểm mới so với những năm trước. Nhà đầu tư và Ban đại diện quỹ trao đổi cụ thể thêm về chiến lược hoạt động trong năm nay. Đặc biệt, nhà đầu tư khá quan tâm về việc thành lập quỹ mới ETF cũng như việc phát triển thị trường phái sinh ở Việt Nam và tiến trình cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước. Theo ý kiến của nhà đầu tư, đây có thể là cơ hội dành cho VFMVF1.

Đại diện quỹ VFM cũng chia sẻ thêm về việc tham gia vào quá trình cổ phần hóa của các Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, VFM đã cùng quỹ Dragon Capital làm việc với chương trình cổ phần hóa của các tổng công ty Nhà nước nước, bước đầu là việc tư vấn cho các Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước này. Tuy nhiên, cơ hội đối với cổ phần hóa hạn hẹp do quy định đầu tư vào OTC của quỹ phải theo quy định doanh nghiệp có lộ trình niêm yết trong 12 tháng.

Tăng tần suất giao dịch

Đại hội thông qua việc sửa đổi điều lệ quỹ, trong đó tăng tần suất giao dịch chứng chỉ quỹ. Cụ thể, ngày giao dịch chứng chỉ quỹ được thực hiện định kỳ hàng tuần vào ngày thứ 5 (trước đây giao dịch 2 lần/tháng vào ngày thứ 5 thứ hai và thứ 5 thứ tư hàng tháng) – đây là ngày T.

Thời điểm đóng sổ lệnh là thời điểm cuối cùng đại lý phân phối nhận lệnh giao dịch từ nhà đầu tư vào 10h30 ngày T-1, trong đó ngày T là ngày định giá và ngày giao dịch chứng chỉ quỹ.

Giá trị mua tối thiểu cho các lần mua chứng chỉ quỹ là 1 triệu (thay vì 10 triệu như trước đây).

Xu hướng thị trường tăng, lợi nhuận 2014 tăng trưởng bền vững

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, đại diện Quỹ cho rằng niềm tin kinh doanh đã quay trở lại, tín dụng đã chạm đáy vào 2012 và 2013, lãi suất hạ đáng kể thấp hơn cả thời điểm năm 2009, hệ thống ngân hàng đã xử dụng dự phòng giúp giảm nợ xấu và đang kiểm soát khá tốt. Bên cạnh đó là việc sản xuất phục hồi và xu hướng bán lẻ tích cực. Các tín hiệu trên cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tăng trở lại.

Riêng về lĩnh vực bất động sản, đại diện Quỹ VFMVF1 cho rằng bất động sản đã chạm đáy dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất là từ chính sách, cụ thể chính sách tiền tệ với việc giảm mạnh lãi suất. Thứ hai, đối với chủ đầu tư, nhiều quy định trở nên thông thoáng hơn như việc cho phép doanh nghiệp bất động sản giãn nợ thuế, không phải trả một lần, với nhà đầu tư, Nhà nước cũng nới lỏng cho người nước ngoài mua nhà… Trong 6 tháng cuối năm, nhiều giao dịch bất động sản đã thực sự diễn ra, tăng mạnh so với năm 2012.

Như vậy, bất động sản đã có sự thay đổi trong chính sách, tạo nền tảng tốt cho doanh nghiệp bất động sản phát triển, cổ phiếu bất động sản đã bắt đầu chạy nhanh từ tháng 8/2013, phản ánh từ chính sách hơn là từ hoạt động của doanh nghiệp.

Về hoạt động kinh doanh của các công ty trên thị trường, trong năm 2013, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng 9% (xét 50 doanh nghiệp lớn nhất) trong khi doanh thu lại giảm 0.7%. Sự tăng trưởng về lợi nhuận này phụ thuộc vào 3 điểm (1) lãi suất giảm giúp giảm đáng kể chi phí tài chính, (2) doanh nghiệp thắt lưng buộc bụng hơn, (3) bán một số tài sản. Do đó, việc lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2013 không phải thực sự là tốt.

Tuy nhiên, với kỳ vọng trong năm 2014, bên cạnh việc tăng lợi nhuận thì doanh thu cũng tăng trưởng cùng, sự phát triển này sẽ tốt và bền vững hơn.

Xét trên thị trường chứng khoán, định giá tại thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư, P/E của Việt Nam thấp nhất trong khu vực nhưng cổ tức cao hơn nhiều nước, đây cũng là điểm thu hút của Việt Nam để cạnh tranh trong việc hút vốn với các nước trong khu vực.

Ông Trần Thanh Tân – Tổng giám đốc VFM khẳng định, thị trường có thể xuống hoặc lên nhưng xu hướng tại Việt Nam được xác định rõ rệt là lên, nguồn vốn vào sản xuất, bất động sản,… cũng sẽ gia tăng.

Minh Hằng

Công lý

Các tin tức khác

>   FPT: Báo cáo thường niên năm 2013 (25/03/2014)

>   PHR: Báo cáo thường niên năm 2013 (25/03/2014)

>   NTL: Báo cáo thường niên năm 2013 (25/03/2014)

>   PPE: Giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo (25/03/2014)

>   TLT: Báo cáo tài chính năm 2013 (25/03/2014)

>   GMX: Báo cáo tài chính năm 2013 (25/03/2014)

>   BXH: Báo cáo tài chính năm 2013 (25/03/2014)

>   DVC: Báo cáo tài chính năm 2013 (Công ty mẹ) (25/03/2014)

>   UNI: Báo cáo tài chính năm 2013 (25/03/2014)

>   LKW: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 (25/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật