Quỹ dự trữ ngoại hối của Thủ tướng Singapore đã đến Việt Nam
GIC Private Limited, một trong các tổ chức quản lý quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với quy mô hơn 100 tỷ USD đã chính thức đầu tư tại Việt Nam.
GIC được thành lập vào năm 1981, hoàn toàn thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore. Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore hiện đang là Chủ tịch của quỹ này.
GIC có 1.200 nhân viên và văn phòng đại diện tại 9 trung tâm tài chính lớn trên toàn cầu. Quỹ này đầu tư tại 45 thị trường chứng khoán và tập trung vào cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên, bất động sản, ngoại hối, tiền tệ và phái sinh. GIC nằm trong top 10 tổ chức tài chính có tài sản quản lý lớn nhất thế giới, tuy nhiên GIC không sở hữu những gì họ quản lý, mà chỉ thay mặt cho chính phủ chịu trách nhiệm duy trì và tăng cường dự trữ ngoại hối của Singapore. Quỹ này luôn được các Tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Standard & Poor và Moody xếp hạng cao nhất.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hiện là Chủ tịch của GIC.
|
Thương vụ đầu tiên của GIC tại Việt Nam vừa hoàn tất cách đây 2 ngày, đó là mua gần 2 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,71% vốn điều lệ của Công ty CP Xuyên Thái Bình, một DN niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM.
Theo ông Michael Rosen, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình, khi có nhu cầu tăng vốn, công ty đã chủ động đi tìm các quỹ ngoại để mời họ đầu tư. Tuy nhiên, con đường tìm vốn ngoại không mấy suôn sẻ cho đến khi gặp GIC. “Chúng tôi đã tìm gặp rất nhiều nhà đầu tư tại New York, Chicago, San Francisco, Hong Kong, Singapore, tuy nhiên các nhà đầu tư ở Mỹ chỉ quan tâm đến những thị trường mới nổi, các quỹ ở Hong Kong thì chỉ quan tâm đến thị trường Trung Quốc.
Khi tiếp cận với các quỹ Singapore, chúng tôi thấy một sự quan tâm rõ rệt đối với Việt Nam, cụ thể là GIC. Ngay lần gặp đầu tiên, họ đặt ra cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi hay và ngay lập tức tìm hiểu, đánh giá chuyên sâu về chúng tôi. Sau đó họ chủ động bay sang Việt Nam tham quan công ty. Sau khi biết chúng tôi đang đầu tư vào nông nghiệp và chế biến thực phẩm, với chiến lược liên kết hợp nhất với các DN trong lĩnh vực này, họ rất hào hứng và tỏ ý muốn đầu tư vào PAN. Toàn bộ quá trình này chỉ mất hơn 2 tháng”.
GIC phân bổ 44% tài sản tại châu Mỹ, 25% tại châu Âu, 28% tại châu Á và 3% tại châu Đại Dương. Ảnh: NLĐ
|
GIC đã mua gần 5% vốn điều lệ của PAN với giá gấp 3 lần mệnh giá. Ông Michael cho biết, việc huy động vốn ngoại, đặc biệt là từ các nhà đầu tư quy mô lớn và danh tiếng không hề dễ đối với DN Việt Nam, vì các quỹ này thường hướng tới các thị trường phát triển và mới nổi.
Ông Michael Rosen cũng chia sẻ: “Một đặc thù của việc huy động vốn là lần đầu tiên bạn tiếp cận một nhà đầu tư, rất khó để họ tin tưởng vào bạn. Nếu họ nói “không” thì đừng vội bi quan, mà hãy kiên trì theo đuổi họ. Nếu bạn gặp được họ lần thứ hai, thứ ba, họ sẽ bắt đầu tin vào bạn và câu chuyện của bạn. Và hãy nhớ, phải luôn thể hiện sự chuyên nghiệp và niềm đam mê với DN và ngành nghề kinh doanh của bạn”.
Lê Hương - Nguyễn Trang
vtv news
|