Cẩn trọng khi XK thủy sản sang Trung Quốc
Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường NK thủy sản lớn, giàu tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, khi XK sang thị trường này, DN lại phải đối mặt với không ít rủi ro, bởi thị trường nhiều biến động, mức thuế NK cao cũng như phương thức thanh toán thiếu thông dụng.
Tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo về diễn biến XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 năm qua (2003 - 2013) vừa được Hiệp hội Chế biến XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố, năm 2009, Trung Quốc là thị trường NK thủy sản lớn thứ 6 của Việt Nam. Đến năm 2013, quốc gia này đã vươn lên vị trí thứ 4, sau Mỹ, Nhật Bản và EU. Trong năm 2013, mặc dù XK sang các thị trường chủ lực đều gặp khó khăn, nhưng XK các mặt hàng chính sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng khả quan với trị giá đạt 572,7 triệu USD. Nhìn ở một bình diện rộng hơn, 5 năm gần đây, XK thủy sản Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng mạnh, trong đó mặt hàng tôm đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung.
Trung Quốc đang ngày càng đa dạng hóa các nguồn cung cấp thủy sản, cơ hội giao thương với các nước khác ngày càng nhiều nên áp lực cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường này ngày càng lớn. Năm 2013, Việt Nam chỉ đứng thứ 18 trong số các nước cung cấp thủy sản nguyên liệu cho Trung Quốc, tụt xa so với vị trí thứ 8 của Thái Lan và thứ 10 của Ấn Độ. |
Hiệp hội VASEP đánh giá: Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc từ năm 2000 đến nay có nhiều biến động theo các giai đoạn khác nhau. Nếu như trong giai đoạn đầu từ năm 2000 đến năm 2008, các mặt hàng thủy sản XK chủ yếu là hải sản các loại, các sản phẩm khô, cá ngừ, cá tra, basa, mực và bạch tuộc… thì từ năm 2009, các sản phẩm thủy sản XK sang thị trường này đã có sự đa dạng hơn về chủng loại. Trong đó, tỷ lệ mặt hàng khô giảm xuống, thay vào đó là tỷ trọng mặt hàng tôm, nhuyễn thể, cua ghẹ, giáp xác tăng lên.
Đặc biệt, từ năm 2012, Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 4 NK tôm của Việt Nam. Tính đến năm 2013, XK tôm Việt Nam sang thị trường này tăng gấp 20 lần so với năm 2003, đạt 381.171 triệu USD. Trung Quốc cũng là thị trường lớn thứ 5 về tiêu thụ mực, bạch tuộc của Việt Nam, sau Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và ASEAN. Tuy nhiên, giá trị XK không cao, chỉ chiếm chưa đến 6% tổng giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam.
Nhiều rủi ro
Theo Hiệp hội VASEP, Việt Nam có một số thuận lợi nhất định khi XK thủy sản sang Trung Quốc. Đây là quốc gia có nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh, nhu cầu về thủy sản tăng cao với chất lượng từ thấp đến cao. Tuy nhiên, khi XK sang đây, DN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trở ngại lớn trong việc giao thương với Trung Quốc là đàm phán. Người Trung Quốc có thói quen mặc cả rất nhiều do vậy giá chốt thực tế là giá khởi điểm để đàm phán. Điều này đòi hỏi các chuyên viên đàm phán phía Việt Nam phải rất nhẫn nại, xác định được đối tác có phải là người quyết định cuối cùng hay không. Bên cạnh đó, DN Việt Nam XK sang Trung Quốc thường thiếu thông tin về xu hướng và sự biến động của thị trường nên dễ gặp rủi ro. Thị trường Trung Quốc không ổn định cả về lượng NK và giá.
Hiệp hội VASEP cảnh báo: Tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu, nhất là tôm và mực, bạch tuộc dạng nguyên liệu (chưa qua chế biến) đưa qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khiến nhiều DN Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với đối tác. Việc ồ ạt thu mua XK tôm nguyên liệu có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu XK, xuất thô nguyên liệu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển ngành và hiệu quả đầu tư. Khi thương lái thu mua theo hình thức trên, vấn đề chất lượng, đặc biệt kháng sinh và tạp chất trong tôm có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng đến hình ảnh tôm của Việt Nam. |
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP đánh giá: Khó khăn lớn nhất của DN Việt Nam khi XK thủy sản sang Trung Quốc nằm ở khâu thanh toán. Trung Quốc quản ngoại tệ rất chặt, nên số lượng các công ty Việt Nam được phép thanh toán bằng USD rất hạn chế và hầu hết là Trung Quốc chưa thực hiện phổ biến theo thông lệ quốc tế bằng L/C (Thư tín dụng). Xét về mức độ an toàn trong thương mại thì việc thanh toán theo đường biển có nhiểu rủi ro. Hơn nữa, mức thuế đánh vào mặt hàng hải sản NK của Trung Quốc thường cao hơn thị trường Mỹ, Nhật và các nước châu Á khác.
Ông Trương Đình Hòe nhận định: Trong năm 2014 và tương lai xa hơn, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam. Các DN không nên chỉ dừng lại buôn bán, làm việc với những đối tác thuộc các tỉnh sát biên giới Việt Nam mà cần đẩy mạnh thâm nhập sâu hơn vào nội địa Trung Quốc, đưa hàng tới tận nơi có nhu cầu. Điều này vừa giúp sản phẩm thủy sản XK được đảm bảo, nâng cao uy tín cho phía Việt Nam mà còn gia tăng tin tưởng đôi bên, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng đưa ra khuyến cáo: Thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro và biến động, các DN nên tập trung XK theo đường chính ngạch, hạn chế lối tiểu ngạch. DN cũng cần theo dõi sát sao những xu hướng của thị trường để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Thanh Nguyễn
hải quan
|