Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ
Thiết kế mẫu mã là khâu đột phá
Kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ năm 2013 đạt từ 1,5 - 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1,5% thị phần thế giới. Đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên, về lâu dài, để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thì cần phải chú ý đến khâu thiết kế tạo ra những sản phẩm độc đáo và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu ở thị trường nước ngoài.
Xu hướng gần đây cho thấy người tiêu dùng nước ngoài mua hàng thủ công mỹ nghệ nội thất chủ yếu là những mặt hàng đơn lẻ để sử dụng tại nhà riêng. Do vậy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đòi hỏi phải kết hợp với nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng và tiên tiến, sản phẩm không có tính chất tiêu dùng cộng với thẩm mỹ sẽ không được chấp nhận, cho dù giá rẻ. Một vấn đề quan trọng nữa là, khi tham gia xuất khẩu vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp cần phải tiến hành nghiên cứu sâu về nhu cầu của người tiêu dùng và bảo đảm các sản phẩm, ngay cả khi sản xuất hàng loạt, phải có các nét đặc trưng phân biệt với các sản phẩm khác khi được đặt trên các kệ hàng. Chu kỳ sản phẩm đang trở nên ngày càng ngắn hơn, với nhiều loại sản phẩm sản xuất với khối lượng nhỏ hơn. Theo đại diện của nhiều doanh nghiệp, để tiếp cận tốt với thị trường châu Âu, các doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ cần tính đến các sản phẩm có tính chất độc đáo, chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
Câu chuyện thâm nhập thị trường nước ngoài của Công ty TNHH Thế giới Sơn mài là một hướng đi mới. Danh nghiệp đã không quản khó khăn tiếp thu những mẫu mã của nước ngoài, rồi cùng với những người dân làng nghề tạo ra sản phẩm truyền thống có pha thêm chút sáng tạo, qua đó tiêu thụ được nhiều sản phẩm. Đơn cử như một sản phẩm đèn trang trí nhưng doanh nghiệp thiết kế với 5 màu sẽ cho ra 5 sản phẩm khác nhau, hay sản phẩm tre được cách điệu theo nhiều phong cách mới tạo nên những sản phẩm bắt mắt. Giám đốc công ty TNHH Thế giới Sơn mài Dương Thị Thanh Thủy cho biết, doanh nghiệp Việt nắm được sở thích của khách hàng là bước đầu của thành công thâm nhập thị trường.
Một vấn đề vẫn tồn tại lâu nay cần giải quyết, đó là để có được nhiều mối kinh doanh, các nhà xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam có xu hướng chào bán tất cả những sản phẩm họ sản xuất hoặc mua lại từ các làng nghề truyền thống cho mọi khách hàng. Chiến lược này có thể giúp doanh nghiệp có nhiều đơn hàng trong ngắn hạn, nhưng tạo ra bất lợi trong dài hạn, vì khi nhiều nhà xuất khẩu bán cùng một loại sản phẩm cho nhiều người mua, thị trường sẽ nhanh chóng trở nên bão hòa và thừa cung, sản phẩm sẽ mất dần tính độc đáo, đặc trưng và giảm giá trị. Theo Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Tạ Hoàng Linh, cần bỏ tư duy xuất khẩu lượng nhiều, nhưng giá trị ít. Doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, xem thị trường đó mong muốn và chấp nhận sản phẩm như thế nào và trên cơ sở đó tự học hỏi thêm về vấn đề thiết kế. Cục xúc tiến thương mại sẽ tổ chức các chương trình tư vấn cho doanh nghiệp và thông qua những chương trình đó, doanh nghiệp sẽ nắm được cách thức để thiết kế sản phẩm và phát triển thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung vào vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và bảo đảm cho các sản phẩm có thể xuất khẩu bền vững ra thị trường nước ngoài.
Hiện người dân châu Âu bắt đầu ưa chuộng đồ nội thất, trang trí mang nét riêng của các nền văn hóa khác nên sản phẩm của các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam… hay Trung Đông đang có cơ hội phát triển tốt. Nhưng vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam cần giúp khách hàng hiểu rõ ý nghĩa hay câu chuyện nguồn gốc làm nên sản phẩm đó để biết cách sắp xếp sản phẩm đó trong nhà sao cho cho phù hợp. Và doanh nghiệp Việt cần có chiến lược mới với một thị trường mà người tiêu dùng không còn ưa thích các sản phẩm làm đại trà, thay vào đó họ lựa chọn các sản phẩm khác lạ và an toàn trong cuộc sống.
Hoàng Lan
đại biểu nhân dân
|