Chủ Nhật, 02/02/2014 22:34

Thành tựu ngoại giao Việt Nam năm 2013

Nhìn lại năm Quý Tỵ, cùng với các lĩnh vực khác, ngoại giao của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Đất nước đã bước sang năm mới Giáp Ngọ 2014. Nhìn lại năm Quý Tỵ 2013 vừa qua, cùng với các lĩnh vực khác, ngoại giao của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, uy tín trong cộng đồng được củng cố và tiến thêm một bước quan trọng.

Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời đầu tiên của năm mới Giáp Ngọ 2014, vị khách mời sẽ là Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Phó Thủ tướng sẽ trao đổi thêm với người dân về những thành tựu của ngoại giao Việt Nam trong năm qua, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và một số vấn đề khác.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, nhiều người dân khi viết thư về chuyên mục bày tỏ vui mừng trước những thành tựu ngoại giao của đất nước trong năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi băn khoăn. Thưa Phó Thủ tướng, một người dân viết thư hỏi: Theo dõi từng bước đi của ngành ngoại giao nước nhà tôi thấy rất mừng khi Việt Nam liên tiếp thiết lập được mối quan hệ chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước thường trực HĐBA LHQ. Nhưng thực sự tôi chưa hiểu rõ Việt Nam được lợi gì, có gì khác so với trước hay không, cá nhân người dân như tôi thì được lợi gì?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Có thể nói năm 2013 là năm có dấu ấn rất quan trọng, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước đặc biệt các nước quan trọng trên thế giới đi vào chiều sâu, ổn định. Và trong đó, có thể nói năm 2013 chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với thêm 5 nước và đối tác hợp tác toàn diện với thêm 2 nước. Trong hơn 13 năm qua chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng đối tác chiến lược với 13 nước và riêng năm 2013 là 5 nước. Và các đối tác toàn diện với 11 nước. Xây dựng đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện với 5 nước thường trực HĐBA đóng vai trò rất quan trọng. Vì đây là 5 nước lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới cũng như tại khu vực.

Việc chúng ta xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với cả 5 nước thường trực HĐBQ là một trong những nước ít có mối quan hệ. Việc đó tạo ra quan hệ chính trị được nâng lên mức bình thường, về an ninh quốc phòng, kinh tế thương mại, đầu tư. Và đối tác chiến lược toàn diện tạo ra sự tin cậy về chính trị cao hơn và mở đường cho các quan hệ về kinh tế thương mại tăng lên. Trước tiên, đối với đất nước, từng người dân có quan hệ hữu hảo, tốt với các nước lớn, quan trọng, nhất là các nước thường trực thành viên HĐBA, tạo nên môi trường hòa bình, ổn định cho chúng ta. Đặc biệt với các nước này, vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa đều phát triển mạnh mẽ.

Từ khi chúng ta thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga, thì thương mại Việt Nam với Nga tăng lên 6 lần. Với Trung Quốc, thiết lập quan hệ trong 6 năm thương mại tăng lên trên 4 lần. Hay với Anh mới thiết lập đối tác chiến lược 3 năm, thương mại tăng lên gấp gần 2 lần. Có thể nói, 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an hiện nay có quan hệ xuất nhập khẩu chiếm 45%; hay về đầu tư của nước ngoài, từ 5 nước này vào Việt Nam và chiếm 20%, thì lượng học sinh của chúng ta đi ra bên ngoài học cũng tập trung vào 5 nước thường trực HĐBA. Có thể thấy, khi chúng ta đưa quan hệ chiến lược hay đối tác toàn diện, mở ra các quan hệ của chúng ta trên các lĩnh vực khác và đương nhiên, mỗi người dân chúng ta hưởng lợi từ những quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, kể cả du lịch và văn hóa.

PV: Một cán bộ hưu trí hỏi: Thưa Phó Thủ tướng, vấn đề chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc, theo Phó Thủ tướng chúng ta sẽ phải làm gì để vừa duy trì quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước láng giềng và trong khu vực, vừa bảo vệ chủ quyền của Việt Nam?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Giữ vững chủ quyền hay bảo vệ chủ quyền của đất nước chúng ta cũng như phát triển đất nước là hai nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân của chúng ta. Có thể nói, trong năm 2013, vấn đề độc lập, chủ quyền của chúng ta luôn được giữ vững. Trên biển chúng ta đã xây dựng đường biên giới với các nước láng giềng.

Với Trung Quốc cũng đã hoàn thành toàn bộ cắm mốc biên giới và các Nghị định liên quan đến biên giới các nước. Hay với Lào chúng ta cũng tăng dày và tôn tạo toàn bộ đường biên giới với Lào hay với Campuchia cũng đang gấp rút hoàn thành cắm mốc đường biên giới với Campuchia. Như vậy, có thể nói chủ quyền của chúng ta trên bộ đảm bảo đường biên giới và đảm bảo chủ quyền đóng góp vào duy trì không những quan hệ hữu nghị mà còn là an ninh đất nước chúng ta. Trên biển Đông cũng vậy, chúng ta có nhiều biện pháp bảo vệ chủ quyền.

Trên thực tế, chúng ta vẫn làm ăn, sinh sống, hoạt động kinh tế vẫn thường xuyên trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Chúng ta kiên quyết bảo vệ để chống lại các biện pháp vi phạm chủ quyền của chúng ta. Biển Đông là vấn đề còn phức tạp, tranh chấp giữa Việt Nam và một số nước. Quan điểm của chúng ta là giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển Đông phải thông qua thương lượng, bằng các biện pháp hòa bình, không được đe dọa, sử dụng vũ lực. Và phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982. Chủ trương đó được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và trong các nước thành viên của ASEAN.

Đối với chúng ta hiện nay chủ trương tiếp tục giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, các biện pháp hòa bình; đồng thời cùng với các nước ASEAN xây dựng tiến tới Bộ quy tắc ứng xử trên biển đông để đảm bảo việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực này.

PV: Thưa Phó Thủ tướng nhân quyền là vấn đề hàng đầu ở những đất nước văn minh và Việt Nam chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện nhân quyền, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, có thể thấy đâu đó vẫn cò những bài viết cho rằng Việt Nam chưa coi trọng nhân quyền.

Phó Thủ tướng nghĩ như thế nào về quan điểm này và theo Phó Thủ tướng thì quyền con người ở Việt Nam đang được thực hiện như thế nào?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Có thể nói, qua 30 năm đổi mới, các quyền của người dân Việt Nam hay quyền con người của Việt Nam ngày càng được phát triển, được Nhà nước bảo đảm quyền đó. Điều này thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 2013 vừa qua. Trong Chương 2 có 36 điều thì toàn bộ 36 điều đó liên quan đến quyền con người và các quyền đó hoàn toàn phù hợp với các công ước quốc tế về vấn đề nhân quyền. Đó là công ước về các quyền chính trị, quyền về kinh tế xã hội mà chúng ta là thành viên. Thì tất cả các quyền con người được quy định trong các văn kiện của quốc tế thì chúng ta đều thể hiện trong bản Hiến pháp của chúng ta.

Trong thời gian qua, quyền con người ngày càng được đảm bảo hơn, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, các quyền chúng ta thực hiện nên chúng ta đã đảm bảo được việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ. Việt Nam là một trong số ít nước thực hiện trước thời hạn mục tiêu thiên niên kỷ. Đó là thành tựu đáng ghi nhận. Chính những thành tựu đó, vừa qua, chúng ta được bầu với số phiếu cao trở thành Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc với số phiếu 184/193 nước. Bởi vì các nước đánh giá, thừa nhận những đóng góp của chúng ta vào quyền con người. Bởi vì tham gia vào Hội đồng nhân quyền tức là đóng góp vào lĩnh vực mà quyền con người trên thế giới.

Tới đây, ngày 5/2, chúng ta sẽ lần thứ 2 bảo vệ báo cáo định kỳ về quyền con người ở Việt Nam. Tôi tin rằng, trong báo cáo chúng ta cũng nói lên toàn bộ quyền con người mà chúng ta đã làm được. Đương nhiên, các thế lực thù địch mà nói về nhân quyền của chúng ta, thì đó là điều mà các thế lực thù địch luôn luôn dùng. Bởi vì chúng ta có làm tốt, thúc đẩy tốt quyền con người thì các thế lực thù địch cũng không bao giờ thay đổi cái cách đó.

PV: Một thính giả khác có viết: Để góp phần phát triển đất nước, hàng nghìn đoàn đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và mang lại nhiều lợi ích cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, không phải tất cả các đoạn đi nước ngoài đều hoạt động hiệu quả. Bộ Ngoại giao sẽ góp phần kiểm soát vấn đề này như thế nào để tránh tình trạng tiền ngân sách lại đầu tư cho một số chuyến đi không hiệu quả?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hiện nay, chúng ta có quan hệ ngoại giao với 184 nước/193 nước, việc thăm viếng giữa các nước với nhau là việc đương nhiên mà việc các nước đều làm. Hàng năm, chúng ta cũng đón rất nhiều đoàn các nước đến thăm Việt Nam. Chúng ta cũng cử nhiều đoàn từ lãnh đạo cấp cao đến các đoàn của các bộ, ngành, địa phương đi các nước cũng là để tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước. Việc đó cũng là để thúc đẩy không chỉ là mối quan hệ chính trị, tăng cường quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư, học tập. Vấn đề của chúng ta là các đoàn đi hiệu quả nhất với đồng tiền bỏ ra.

Như vậy, mục đích đặt ra rõ ràng và đặc biệt quá trình làm sao thu xếp để đạt được mục tiêu đó mới là quan trọng. Thời gian qua, các đoàn đi nước ngoài về cơ bản đáp ứng được mục tiêu, trên tất cả các lĩnh vực. Nhưng ở đây, vấn đề chúng ta đặc biệt chú ý những đoàn chỉ đi tìm hiểu, học tập cần lưu ý vấn đề học tập là gì và phải có báo cáo để chia sẻ những gì học tập được để hiệu quả chuyến đi đó.

Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán, các cơ quan của ta ở nước ngoài giúp cho các đoàn bố trí chương trình, đặt mục tiêu để nước tiếp nhận đoàn chúng ta đáp ứng được mục tiêu đề ra, đó là biện pháp tốt nhất làm cho các đoàn đi nước ngoài đạt hiệu quả nhất.

PV: Xin cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao. Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ, xin chúc cho công tác ngoại giao của Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu mới, nâng cao vị thế của đất nước và của từng người dân mang quốc tịch Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.

vtv

Các tin tức khác

>   Bộ GTVT: Năm 2014 sẽ quyết liệt để đổi mới hơn nữa (01/02/2014)

>   Mong ước đầu xuân - còn một lần nữa không? (31/01/2014)

>   Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc Tết Giáp Ngọ 2014 (31/01/2014)

>   Khi Chủ tịch nước cúi đầu nghe dân (29/01/2014)

>   Nhiều nhân viên ngân hàng “chật vật” khi Tết đến (29/01/2014)

>   Tòa tuyên Huyền Như phải bồi thường gần 4.000 tỷ đồng (28/01/2014)

>   Ai ”làm hư” cán bộ, công chức? (28/01/2014)

>   Bí thư Ninh Thuận quay về làm Thứ trưởng Đầu tư (27/01/2014)

>   Huyền Như nhận án chung thân, Vietinbank không phải bồi thường (27/01/2014)

>   Giật nợ tín dụng đen lãi suất 300% lo Tết (27/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật