Mong ước đầu xuân - còn một lần nữa không?
Năm 1986 là một năm đáng nhớ trong đời tôi. Một ngày nọ trong mùa thu 1986 bọn chúng tôi sáu người được Hội Người Việt Nam tại Đức cử về nước để “điều trần” về tình hình thế giới, góp ý với Đại hội Đảng lần VI.
Cầu Hiền Lương
|
Đó là thời điểm mà các nước theo chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi. Tại Ba Lan tháng 9-1980 công đoàn Đoàn kết thành hình và ngày càng phát huy ảnh hưởng. Năm 1984 khắp nơi tại Ba Lan biểu tình lan rộng. Tại Hungary năm 1980 kinh tế thị trường bắt đầu được áp dụng, năm 1982 họ gia nhập Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Tại Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức từ giữa những năm 1980, đảng cầm quyền đã phải nhượng bộ thành phần đối lập. Cũng giữa những năm 1980 Mikhail Gorbachev ở Liên Xô thực hiện đổi mới Glasnost và Perestroika. Tháng 3-1985, Gorbachev tuyên bố mỗi nước trong khối Warsaw được quyền theo đường lối riêng. Từ đó học thuyết được mệnh danh Sinatra thay thế học thuyết Brezhnev, vốn được dựng lên từ năm 1968, sau khi Liên Xô đập tan mùa xuân Praha của Tiệp Khắc.
Những ai theo dõi thời cuộc đều hiểu là một khi Liên Xô tuyên bố đường ai nấy đi thì đó là dấu hiệu tan rã của khối Đông Âu.
Tôi chuẩn bị về Hà Nội và nhớ đến CHDC Đức của những năm qua. Đây là quốc gia hùng mạnh nhất của khối Đông Âu, có tiềm lực khá nhất về kỹ thuật và kinh tế so với các nước khác, kể cả với Liên Xô hồi đó. CHDC Đức tiếp giáp với Tây Đức, về mặt địa lý lại chứa cả Tây Berlin nằm lọt thỏm trong lòng nó, nên CHDC Đức chính là “tiền đồn” số 1 của phe xã hội chủ nghĩa. Chính vì lẽ đó mà Đông Đức càng cẩn mật hơn đối với mọi ảnh hưởng của phe Tây phương.
Tôi càng nhớ hơn những ấn tượng của mình tại Đông Đức trong năm 1970. Đó là năm mà bọn sinh viên trẻ chúng tôi, mà chỉ là người nước ngoài, người Đức không được tham dự, được đặc cách cho đi thăm CHDC Đức một ngày, buổi tối không được ở lại, phải trở về Tây Berlin. Chuyến xe buýt chạy trên những hành lang đã định sẵn từ Tây Đức đến Tây Berlin, xuyên qua địa phận Đông Đức, trên những xa lộ cách ly với phố xá làng mạc. Thỉnh thoảng xe dừng lại để sinh viên Tây Đức, với chút ngoại tệ “mạnh” ít ỏi trong túi, được mua cà phê thuốc lá trong các cửa hàng Intershop. Họ cần ngoại tệ mạnh và đó là lý do mà chúng tôi được đi thăm. Qua biên giới ngồi trên xe tôi thấy rõ công an Đông Đức dùng những chiếc gương lớn có bánh xe, đẩy vào gầm xe xem có công dân nào của họ trốn dưới đó không.
Từ Tây Berlin chúng tôi đến Checkpoint Charlie, đó là cửa biên giới giữa hai phần của thành phố Đông Tây Berlin. Khách hồi hộp đi qua những hành lang hẹp, quanh co dưới cặp mắt dò xét của công an mật vụ Đông Đức. Mỗi khách phải đổi 20 mark, tiền Đông Đức, 1 ăn 1, nghe là để mua sắm, nhưng thực tế là trả tiền vào cửa với ngoại tệ mạnh.
Sau vài góc đường kể từ trạm kiểm soát, lạ thay có một thanh niên tìm tôi hỏi chuyện. Anh hỏi tôi có dư chiếc quần jean nào muốn bán lại cho anh. Tôi trố mắt lắc đầu. Anh lại đề nghị tôi cùng đi đến Intershop mua hàng với ngoại tệ mạnh, tiền anh đưa, công dân như anh không được mua hàng Intershop. Tôi cũng lắc đầu nốt. Vô cùng ngạc nhiên tôi tự hỏi, con người mới ở một xứ ưu việt nhất của khối Đông Âu mà như thế này ư.
Trong ngày hôm đó của năm 1970 tôi lại nhớ lại một kỷ niệm xưa. Trước đó chục năm, khoảng 1960, tôi chỉ là một đứa trẻ 12 tuổi sống trong thành thị miền Nam thời còn hòa bình. Ngày nọ tôi được theo người lớn ra bến sông Bến Hải, đến cầu Hiền Lương nhìn qua bờ Bắc. Vĩ tuyến 17 là đây, sông Hiền Lương nước chảy chầm chậm. Tôi bâng khuâng nhìn qua, bên kia là đồng bào của tôi hay sao. Xa xa ta thấy rõ trẻ con người lớn đi lại, có người đi xe đạp. Nhưng đập vào mắt tôi là một hàng chữ thật to, dành cho người nhìn từ bờ Nam “Hai miền, hai chế độ”. Dù là đứa trẻ, tôi biết ngạc nhiên thấy câu khẩu hiệu có vẻ “hiền”, không khiêu khích, không tuyên truyền như tôi tưởng.
Trên cao ở hai bờ là hai lá cờ, một vàng một đỏ. Lạ thay chiếc cờ vàng rủ xuống. Còn lá cờ đỏ bên kia, không rõ được làm bằng thứ vải gì mà trời ít gió vẫn bay phất phới. Điềm lành điềm dữ gì đây?
Chiếc cầu Hiền Lương khung sắt mặt gỗ chỉ là một chiếc cầu nhỏ như trăm vạn chiếc cầu trên quốc lộ 1, tôi nhìn và nghĩ đời mình sẽ không bao giờ đi trên cầu đó. Thế nhưng hồi đó vẫn có người qua lại, vì khi tôi vào văn phòng quân đội miền Nam đã có một người đội nón cối, miệng hút thuốc ngồi đó. Ông mang “bưu thiếp” từ bên kia qua, khuôn mặt bất động nhìn chúng tôi. Trong bọn chúng tôi có một đứa mũi hơi cao, da hơi sáng. Ông thốt lên “cháu này lai Mỹ”. Câu nói đầu tiên và duy nhất của ông đã trật lất.
Chục năm sau tại Đức tôi đang nếm mùi của “hai miền hai chế độ”. Nhưng hôm nay tôi được băng qua biên giới, đi thăm miền đất của con người mới xã hội chủ nghĩa. Ở đây chưa ai nhìn tôi khinh thị, ngược lại có kẻ chạy theo xin hỏi mua chiếc quần jean.
Suốt chục năm sau tôi không trở lại Đông Đức, nhưng vẫn nghe người dân ở đó vẫn tìm mọi cách vượt biên qua Tây Đức, bất kể hiểm nguy cho bản thân và hệ lụy cho người ở lại.
Thế mà chỉ hơn 15 năm sau kể từ lần viếng Đông Đức, tôi cùng phái đoàn ngồi máy bay về Hà Nội, sẽ gặp lãnh đạo Đảng và Nhà nước để “báo cáo về tình hình thế giới và phong trào”. “Báo cáo” ở đây phải gọi là “báo động” thì đúng hơn vì thông điệp của chúng tôi cho các vị lãnh đạo là hãy thay đổi, trên thế giới đang rục rịch thay đổi.
Trong một buổi sáng nắng hoe vàng như màu nắng thường thấy ở miền Bắc trong mùa thu, chúng tôi đến Văn phòng Trung ương Đảng, vào trong một gian phòng nghiêm trang, ngồi vào một chiếc bàn rất rộng. Người “làm việc” với chúng tôi không ai khác hơn là ông Nguyễn Văn Linh, người sắp trở thành Tổng bí thư. Các nhân vật khác cùng có mặt là các ông Đào Duy Tùng và Hoàng Bích Sơn. Các vị lắng nghe chúng tôi một cách nghiêm túc. Tôi bất ngờ cảm nhận lòng cởi mở thân tình của các vị quan chức cấp cao nhất. Họ để cho chúng tôi nói hết, không tỏ chút gì khó chịu khi nghe nói đến khuyết tật cố hữu của một nền kinh tế kế hoạch.
Ngồi đây tại Hà Nội tôi không khỏi nhớ lại đời mình. Từ một đứa trẻ đứng ngẩn ngơ bên cầu Hiền Lương và nghĩ đời mình sẽ không bao giờ qua bờ Bắc, tôi đã đi một vòng lớn của cuộc đời. Số phận cho tôi đến học tập ở Đức, cũng một nơi được gọi là “hai miền hai chế độ” như nước mình. Rồi tôi cũng từng băng hàng rào sắt qua bên đó và chứng kiến chớp nhoáng cách làm ăn cò con của thời bao cấp. Nay tôi lại ngồi đây, trong một quê hương thống nhất, tại trung tâm quyền lực của cả nước và “làm việc” với những lãnh đạo cấp cao nhất.
Thế nhưng nói thật lòng, ngay hồi đó tôi đã không có chút ảo tưởng nào. Làm sao mà các vị đó tin nghe mình, chấp nhận kiến nghị của dăm ba Việt kiều non nớt và đáng ngờ được. Những người mà họ tin nghe phải là những người khác mà chúng tôi không bao giờ gặp. Tiếng nói của chúng tôi chỉ điểm trang cho vui trong một hoàn cảnh cần chút màu sắc khác lạ.
Sau đó, Đại hội VI diễn ra trong tháng 12-1986 với nhiều thay đổi thực. Lãnh đạo Việt Nam từ bỏ con đường bao cấp, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế và mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Đây là một công cuộc đổi mới vô cùng quyết liệt và mang lại thành quả to lớn.
Tháng 11-1989, một biến cố long trời xảy ra tại Đức. Bức tường Berlin sụp đổ. Tôi ngồi xem hàng đoàn người hân hoan đi qua Checkpoint Charlie, nơi mà gần 20 năm trước chúng tôi phải chầm chậm đi về trong ngày, giữa những con mắt xoi mói. Tôi sởn da gà khi nhớ rằng, lịch sử ngàn năm sẽ nhớ lại cảnh này, cảnh một dân tộc thống nhất không cần tốn một viên đạn.
Hè năm 2012, chúng tôi trở về Checkpoint Charlie. Đường Friedrich không còn chập chùng đồn bót, nay rộng rãi thông suốt. Gần đó là một quán ăn Việt Nam đông khách, phục vụ trẻ măng. Đồng bào tôi đây, không hề ít tại nước Đức kỳ lạ này. Xung quanh trạm biên giới cũ, ta còn thấy hình ảnh xưa, nền móng cũ, ngày đó nơi đây một thuở... Quanh tôi là khách du lịch còn trẻ, người nước ngoài khá nhiều. Họ có biết chăng có người cảm khái nhớ đời mình và vận nước non của 40 năm qua.
Tại Đức thì sau 24 năm thống nhất, nước Đức đã đưa Đông Đức lên ngang tầm phát triển của phía Tây, đó là tin vui của họ trong mùa thu năm 2013. Hiện tượng người bỏ sang Tây để kiếm việc đã chấm dứt. Người Đức cũng không phải thánh thiện gì, chính trị gia của họ cũng đầy khuyết tật, cũng ôm ấp những cơ đồ riêng tư và ích kỷ. Nhưng điểm ưu việt của Đức là họ quyết lòng theo một xã hội pháp trị, tất cả phải được điều hành bằng luật pháp. Việc cựu tổng thống của họ hiện nay phải hầu tòa vì tội lạm dụng quyền thế về một số tiền chưa đầy 1.000 đô la Mỹ, cho thấy luật pháp của Đức triệt để như thế nào.
Kể từ đầu những năm 1990 tôi không còn gặp quan chức cấp cao, thật lòng tôi cũng không muốn. Nhưng cấp thấp thì nhiều. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp gỡ chuyện trò với họ, thậm chí chơi thể thao chung. Thỉnh thoảng khơi chuyện “bao cấp” ngày xưa thì y như rằng, ai cũng có chuyện để kể, từ anh lái xe đến ông thủ trưởng. Sức sống dân tộc to lớn thay. Thực vậy, chỉ bỏ ngăn sống cấm chợ và cho nước ngoài đầu tư mà nước ta đã tiến triển một cách ngoạn mục từ năm 1986 đến nay.
Nhưng tiến trình của xã hội luôn luôn thay đổi và đòi hỏi phải có sự đổi mới.
Năm 1986 Việt Nam đã từng có một cuộc đổi thay quyết liệt.
Có còn một lần nữa không?
Nguyễn Tường Bách
tbktsg
|