Ai ”làm hư” cán bộ, công chức?
Một nghiên cứu của Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho thấy, trong tham nhũng vặt chỉ có 30% là do cán bộ, công chức (CBCC) gợi ý, song có tới 70% là do doanh nghiệp (DN) chủ động đưa hối lộ.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra con số tương đương: 63% DN được khảo sát đã trả các khoản chi phí không chính thức và hơn 75% DN cho biết đã tự nguyện hối lộ dù không bị gợi ý. Theo các chuyên gia, chính các DN góp phần tạo ra vòng luẩn quẩn của tham nhũng hành chính.
Đây là điều không đáng có khi những năm gần đây, vai trò của người dân, DN trong việc nhận xét, đóng góp ý kiến về kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) rất được coi trọng. Đối tượng này luôn được khuyến khích phản ánh, kiến nghị khi phát hiện CBCC có thái độ không đúng mực trong giao tiếp với công dân, giải quyết hồ sơ chậm trễ hay cố tình gây phiền hà, sách nhiễu cũng như khi phát hiện thủ tục hành chính (TTHC) còn rườm rà, chồng chéo, không phù hợp. Ngoài hòm thư góp ý, tại bộ phận "một cửa" của các đơn vị còn phải công khai số điện thoại đường dây nóng của bộ phận tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của thành phố và của đơn vị. Hiện nhiều đơn vị còn lấy phiếu đánh giá của công dân về kết quả giải quyết TTHC, coi đó là một tiêu chí để đánh giá, phân loại CBCC. Nhiều cuộc thi tìm kiếm sáng kiến CCHC của các cấp, các ngành đã được tổ chức, sau đó, có những ý tưởng đoạt giải đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế. Hay trong các chỉ số đánh giá các nội dung liên quan đến CCHC cũng đã dành nhiều điểm cho phần đánh giá của người dân. Bộ phận "một cửa" của các đơn vị cấp quận, huyện và nhiều phường đã lắp đặt camera để phòng ngừa tiêu cực…
Điều đó cho thấy, người dân, DN đang có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền hành chính minh bạch. Và cơ chế để người dân, DN được hưởng quyền lợi của mình khi thực hiện TTHC đã có nhiều thuận lợi. Nên chăng, cần phát huy quyền của mình thay vì chọn cách giải quyết vướng mắc bằng cách làm hư CBCC qua những khoản "bôi trơn".
Hải Vân
Hà Nội mới
|