Nỗi lo điện: Bắc thừa, Nam thiếu
Rà soát về thực hiện quy hoạch điện 7 (giai đoạn 2011-2020) của Bộ Công Thương cho thấy, miền Bắc và miền Trung thừa điện với dự phòng lên tới 130% nhưng miền Nam có nguy cơ thiếu điện khi dự phòng điện là số 0 từ năm 2017. Đó là tình trạng vừa mừng vừa lo của ngành điện hiện nay.
Cấp tập lo điện cho miền Nam
Hôm 22/2, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình đã được nhà thầu Nhật Bản Marubeni và Tập đoàn Điện lực (EVN) khởi công xây dựng. Dự án có 2 tổ máy với tổng công suất 600MW (2x300MW), tương ứng sản lượng điện phát hàng năm 3,6 tỷ kWh. EVN cho hay, tổng mức đầu tư của dự án là 26,5 nghìn tỷ VND (tương đương với 1,27 tỷ USD), trong đó vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 85%, 15% còn lại là vốn đối ứng của EVN.
Đây là một dự án lớn bổ sung cho nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên, đây sẽ là nguồn điện mới duy nhất được khởi công ở miền Bắc trong năm 2014.
Nhà thầu Marubeni (Nhật Bản) khởi công dự án Nhiệt điện Thái Bình (ảnh: Phạm Huyền)
|
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN chia sẻ, lần đầu tiên sau nhiều năm thiếu điện, hệ thống điện quốc gia hiện nay đang dư thừa công suất. Tháng 1 vừa qua, khi tổng công suất lắp đặt trên hệ thống có 30.469 MW thì công suất khả dụng chỉ khoảng 23.000 MW.
Tuy nhiên, miền Nam lại vẫn thiếu điện. Công suất đặt ở miền Nam chỉ có 8.000 MW. Những năm qua, hệ thống điện quốc gia liên tục truyền tải điện từ Bắc vào Nam và hệ quả là luôn trong tình trạng quá tải. Nhu cầu điện ở miền Nam gần như phải trông cậy vào hệ thống truyền tải này.
Kết quả rà soát cân đối cung cầu điện so với Quy hoạch điện 7 vừa qua của bộ Công Thương cho biết, công suất miền Bắc và miền Trung dư thừa lớn. Từ nay đến năm 2018, Miền Bắc có tỷ lệ dự phòng từ 40-56%, miền Trung còn dự phòng từ 67 đến 130%.
Trong khi đó, ở miền Nam, dự phòng điện là số 0 từ năm 2016 trở đi. Tỷ lệ này ở năm 2013 của miền Nam chỉ là 7,2%, năm 2014 là 4,9% và năm 2015 chỉ là 3,3%.
Vị đại diện của Viện Năng lượng, Bộ Công Thương chia sẻ, tình thế hiện nay cho thấy, cụm 3 nhà máy Ô Môn 2.300 MW đều bị chậm, vì đàm phán với nhà đầu tư có khó khăn. Chắc chắn, trong 7-8 năm tới, không khởi động được dự án.
Ông Phạm Lê Thanh khẳng định, từ nay tới 2017, miền Nam có 6 dự án án cần phải đi vào hoạt động. EVN phải phát điện đúng tiến độ 2 tổ máy Vĩnh Tân 2, công suất 1.200 MW và nâng cao năng lực truyền tải lưới điện Trung Nam. Ngay trong tháng 4 tới, EVN sẽ phải hoàn thành đóng điện đường dây 500kV Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bông, Trạm biến áp 500kV Cầu Bông, Đường dây 220kV Cầu Bông- Củ Chi...
Bốn công trình nguồn điện mới khởi công còn lại trong năm nay cũng đều thuộc khu vực miền Trung, miền Nam là nhiệt điện Vĩnh Tân 4, nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, thủy điện Thác mơ mở rộng và thủy điện Đa Nhim mở rộng. Tổng công suất nguồn được khởi công là 2.555MW.
“Nếu không thực hiện đúng kế hoạch, nguy cơ thiếu điện ở khu vực này rất cao. Khi đó, ngành điện sẽ phải chạy dầu rất lớn”, ông Thanh nói.
Miền Bắc, miền Trung: Làm chậm thôi?
Trong bối cảnh thiếu vốn cho điện và mất cân đối cục bộ nguồn điện ở niền Nam hiện nay, đại diện Viện Năng lượng, bộ Công Thương cho rằng, ngành điện nên giãn tiến độ các nguồn phía Bắc, Trung để dồn lực cho nguồn điện miền Nam, đồng thời gấp rút hoàn thành việc nâng cao năng lực truyền tải điện Trung- Nam.
Rà soát của Viện Năng lượng cho thấy, điện thương phẩm các năm 2011-2013 chỉ bằng 89% so với dự kiến trong quy hoạch 7, riêng năm 2011-2012, con số tuyệt đối là giảm tương ứng từ 10-14 tỷ kWh so với dự báo.
EVN cần tập trung tăng cường năng lực lưới điện (ảnh: theo hanoipc)
|
Công suất lớn nhất được huy động trên thực tế các năm qua cũng thấp hơn rất nhiều so với dự báo của Quy hoạch 7, ví dụ như năm 2011 giảm 1.915 MW, năm 2012 thấp hơn tới 2.702MW, năm 2013 thấp hơn dự báo là 3.372 MW. Tính trung bình, công suất huy động thực tế chỉ bằng 85-89% so với dự báo của quy hoạch.
Sơ bộ, theo tính toán của Bộ Công Thương, đến năm 2015, công suất nên giãn giảm là 4.150MW, đến năm 2020, giãn giảm 10.050 MW.
Trong đó, ở miền Bắc, công suất nguồn đề xuất giãn tiến độ so với tiến độ quy hoạch 7 tới năm 2020 là 5.300MW, trong đó, nhiệt điện than là 2.500MW, nhập khẩu điện Trung Quốc là 2000MWW, miền Trung giãn tiến độ khoảng 1.000 MW. Phần còn lại, EVN dồn nguồn lực đẩy sớm tiến độ các nguồn và lưới điện phía Nam.
Với đề xuất này, Bộ Công Thương tính toán công suất dự phòng nguồn điện miền Nam sẽ được tăng lên, tỷ lệ đạt 8% vào năm 2016, 8,7% năm 2017 và 10,7% năm 2018.
Cùng đó, ngành điện có thể cần giãn vốn đầu tư điện giai đoạn 2011-2015 mỗi năm hơn 1 tỷ USD. Hiện nay, do việc chậm một số nguồn điện, vốn đầu tư đã bớt đi được 5,7 tỷ USD so với quy hoạch, giai đoạn còn lại mỗi năm giãn khoảng gần 2 tỷ USD, được 13,8 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, từ năm 2014, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu không để thiếu điện. Tuy nhiên, có dự phòng rồi thì EVN phải làm thế nào để không bị tụt lại, lùi lại.
Phạm Huyền
vietnamnet
|