Đường tồn kho tăng cao, các nhà máy gặp khó khăn
Đầu ra gặp khó khăn dẫn đến đường tồn kho tăng cao là vấn đề mà nhiều nhà máy đường tại khu vực Nam Trung Bộ gặp phải lúc này.
Đường tồn kho tăng cao, các nhà máy gặp khó khăn
|
Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa, từ đầu vụ đến nay, ép được 7.200 tấn đường nhưng lượng bán ra chỉ 50 tấn. Theo tính toán của công ty này, với giá đường hiện tại là hơn 12.000 đồng/kg thì mỗi kg đường nhà máy lỗ hơn 1.000 đồng. Lỗ nhưng các nhà máy vẫn phải sản xuất để duy trì công việc cho công nhân cũng như tiêu thụ hết vùng nguyên liệu mía khoảng hơn 5.000ha.
Theo tính toán của các nhà máy, vụ trước, giá đường bán ra ở mức hơn 14.000 đồng/kg, nhà máy mua mía nguyên liệu của nông dân ở mức 930.000 đồng/tấn, còn trong vụ này, giá đường hạ còn hơn 1.200 đồng/kg nhưng nhà máy vẫn phải giữ nguyên giá thu mua mía nguyên liệu như năm ngoái là 930.000 đồng/tấn mía.
Cái khó ở đây là nếu hạ giá mía thì nông dân không có lãi và một khi đã không có lãi thì nông dân lại chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Và thực tế, hiện tại một số địa phương ở tỉnh Phú Yên, nông dân đã chuyển sang trồng sắn, một loại cây trồng được cho là dễ bán và thu nhập cao.
Đường không bán được nhưng các nhà máy đường đang cố gắng duy trì sản xuất và hạn chế thấp nhất việc hạ giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Còn về lâu dài, các nhà máy đường đang chờ những biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu hiệu quả, cũng như tìm ra giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu đường hợp lý nhằm giải phóng hàng tồn kho. Chỉ có như vậy, giá đường mới cải thiện và khi giá đường tăng cao thì giá mía nguyên liệu mới tăng, nông dân sẽ không bỏ trồng mía như hiện nay.
Nguyên Linh
vtv
|