Triển vọng 2014 nhìn từ 3.000 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
Một cuộc điều tra được thực hiện trong tháng 1/2014 trên quy mô hơn 3.000 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013, vừa được Vietnam Report công bố ngày 21/2, đã cho thấy sự lạc quan hơn của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh năm 2014.
Từ kết quả điều tra, các chuyên gia phân tích của Vietnam Report nhấn mạnh, năm 2014 chính là thời điểm bắt đầu phục hồi của các doanh nghiệp. Một trong những minh chứng điển hình là kết quả hoạt động năm 2013 đã mang lại những hy vọng mới.
Tỷ trọng doanh nghiệp có doanh thu cao năm 2013 trong cuộc điều tra vào tháng 1/2014 đã cao hơn đáng kể so với doanh thu đạt được năm 2012 trong cuộc điều tra tiến hành vào tháng 1/2013.
Trong cuộc điều tra năm 2013, hơn 65% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, doanh thu trong năm 2012 của họ cao hơn so với 2011 và số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém hơn năm 2011 là gần 13%.
Tuy nhiên, tại thời điểm đầu năm 2014, có tới 82% doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2013 của họ cao hơn năm 2012 và chỉ có 6% số doanh nghiệp có doanh thu 2013 giảm đi so với năm trước.
Kết quả kinh doanh năm 2013 đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp lớn. Vì thế, các doanh nghiệp cũng tỏ ra lạc quan hơn khi được hỏi về triển vọng kinh doanh năm 2014.
Tại cuộc điều tra tháng 1/2014, gần 86% số doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng doanh thu của doanh nghiệp họ sẽ tăng hơn trong năm 2014, trong khi chỉ có chưa đến 5% số doanh nghiệp e ngại khả năng doanh thu sẽ giảm sút.
Đồng thời, các doanh nghiệp còn chia sẻ rằng số lượng lao động - nguồn lực quan trọng giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững – dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2014. Cụ thể, 57% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có khả năng tăng quy mô lao động từ nay đến cuối năm.
Đây là tín hiệu vui cho những nhà lãnh đạo nền kinh tế, bởi nếu kế hoạch tăng quy mô lao động được thực hiện, số lao động thất nghiệp hiện nay sẽ giảm bớt và các gánh nặng về an sinh xã hội cũng được cải thiện.
Nhưng bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (34,5%) cho biết rằng họ có thể tăng doanh thu trong năm 2014 mà không cần tăng lao động. Rõ ràng các doanh nghiệp đã có được những bài học kinh nghiệm lớn trong thời kỳ suy thoái để có thể tăng doanh thu mà không làm gia tăng chi phí, qua đó đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ còn lại 8,5% doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm quy mô lao động.
Các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và quan hệ khách hàng, và mở rộng thị trường trong nước cũng được gần 70% số doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng lựa chọn là các yếu tố thứ yếu có đóng góp tới tăng doanh thu của doanh nghiệp. Chỉ có 9,7% doanh nghiệp cho rằng tăng giá bán sản phẩm dịch vụ là phương cách giúp tăng trưởng doanh thu của họ trong năm 2013. Các doanh nghiệp đã nhận ra được tầm quan trọng của “chất” trong việc tăng doanh thu, qua đó có thể đẩy mạnh sự thay đổi trong tư duy chiến lược đáng kể, từ bỏ các mục tiêu ngắn hạn, hướng tới những chiến lược tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Từ nhận thức này, các doanh nghiệp đã định hướng rõ ràng những ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2014. Có tới 63,79% số doanh nghiệp cho biết, họ sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tiếp đến là mở rộng thị trường trong và ngoài nước (59,77%) và phát triển nguồn nhân lực (51,17%).
Trong số các ngành nghề sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ngành khoáng sản - xăng dầu, ngành kim loại và ngành sắt thép - vật liệu xây dựng tỏ ra lạc quan hơn cả về triển vọng của ngành trong năm 2014. Tỷ trọng các doanh nghiệp thuộc 3 ngành này cho rằng ngành kinh doanh của họ sẽ tốt hơn trong năm 2014 cao hơn so với các ngành còn lại và cao hơn mức bình quân của tất cả các ngành.
Trái ngược so với kết quả điều tra năm 2013, các doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng tỏ ra không mấy lạc quan như các ngành khác về triển vọng ngành trong năm 2014 (trong kết quả điều tra về triển vọng năm 2013, các doanh nghiệp tài chính ngân hàng tỏ ra lạc quan nhất).
Nếu sự lạc quan của các doanh nghiệp ngành xăng dầu - khoáng sản bắt nguồn từ kết quả doanh thu ổn định của các doanh nghiệp trong ngành trong nhiều năm trở lại đây thì dường như các doanh nghiệp ngành kim loại và ngành sắt thép - vật liệu xây dựng kỳ vọng nhiều vào triển vọng phát triển ngành từ ảnh hưởng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hồng Thoan
vneconomy
|