Thứ Hai, 24/02/2014 07:07

Xử lý lãnh đạo DNNN chần chừ cổ phần hóa:

Không ai không thể thay thế

Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đừng nghĩ rằng mình là người không thể thay thế được bởi không ai không thể thay thế. Những nơi nào còn tư duy không muốn tái cơ cấu nên tránh ra để người khác làm.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp khẳng định như vậy.

200.000 tỷ đồng vốn hóa đưa ra thị trường

Sau Hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các bước triển khai tiếp theo là gì, thưa ông?

Hội nghị đã tạo ra bước khởi đầu cho giai đoạn 2014-2015. Nhưng công bằng mà nói đây chỉ là sự kế tiếp của những năm trước, giai đoạn trước 2010 trở về trước (2001-2010) chúng ta làm rất tốt. Tính từ năm 2001 tới 2010, trung bình mỗi năm chúng ta cổ phần hóa (CPH) 400 DN. Có lúc cao điểm 2004- 2005 cổ phần hóa được 700- 800 DN mỗi năm.

Bây giờ số lượng còn lại phải CPH là 432 DN. Tuy nhiều nhưng so với số DN đã được cổ phần, cũng không lớn lắm. 432 DN này thuộc 100 đầu mối.

Tới đây, hằng tháng chúng tôi sẽ giao ban, trong đó chú trọng những nơi có kết quả kém để giải quyết những vướng mắc tại nơi đó. Theo tôi không gì là không giải quyết được.

Điều quan trọng nữa là thị trường. Với số lượng 432 DN sẽ CPH, tổng số vốn giá trị cổ phần đưa ra thị trường khoảng 200.000 tỷ đồng. Việc CPH nhanh hay chậm nhiều khi còn phụ thuộc vào các nhà đầu tư. Ví như ta có đàn gà 10 con, đem ra chợ nhưng người ta chỉ mua 2 con, vì thế phải mang về 8 con tiếp tục nuôi.

Hiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cơ bản hoàn thiện. Nhưng một số chuyên gia cho rằng động lực tự đổi mới không có vì lãnh đạo DNNN quen cách làm việc cũ, không muốn CPH vì đụng đến quyền lợi. Lần này sức ép cụ thể phải như thế nào để ràng buộc trách nhiệm trong việc thực hiện?

Về áp lực và các chế tài đã có. Theo Nghị định 99/CP quy định về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với DNNN và phần vốn nhà nước ở DN khác, nếu ai không thực hiện được nhiệm vụ của chủ sở hữu giao thì phải chịu trách nhiệm, chế tài. Chỗ nào cần thay, miễn nhiệm, cách chức, chuyển đổi đều có quy định. Nhưng lâu nay chúng ta chưa làm vì chưa tới “chân tường”.

Ông Phạm Viết Muôn

Thứ hai là việc xử lý lãnh đạo DNNN, lâu nay lãnh đạo DN bị thay vì lý do không CPH là chưa có tiền lệ mà thường là vì kinh doanh không hiệu quả, để DN thua lỗ, vi phạm pháp luật. Lần này chúng ta quy định, nếu không thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu DN, lãnh đạo DN sẽ bị thay.

Vừa qua Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã làm việc này rồi, tinh thần là nếu không làm được thì thay.

Các lãnh đạo DNNN đừng nghĩ rằng mình là người không thể thay thế được bởi không ai không thể thay thế. Những nơi nào còn tư duy không muốn cổ phần, tái cơ cấu thì tránh ra để người khác làm.

Chúng ta có hơn 500 nghìn DN, mà DNNN chỉ có 1.000. Vậy 499 nghìn DN kia ai quản lý? Chúng ta có 90 triệu dân, trong đó có nhiều người có trình độ năng lực rất tốt hoàn toàn có thể quản lý được DN.

 “Các lãnh đạo DNNN đừng nghĩ rằng mình là người không thể thay thế được bởi không ai không thể thay thế. Những nơi nào còn tư duy không muốn cổ phần, tái cơ cấu thì tránh ra để người khác làm. Chúng ta có hơn 500 nghìn DN, mà DNNN chỉ có 1.000. Vậy 499 nghìn DN kia ai quản lý? Chúng ta có 90 triệu dân, trong đó có nhiều người có trình độ năng lực rất tốt hoàn toàn có thể quản lý được DN”.

Ông Phạm Viết Muôn


Còn chế tài đối với lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai chậm, thưa ông?

Lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương phải chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng.

Công khai sớm DN CPH

Mặc dù thể hiện quyết tâm như vậy nhưng một số chuyên gia kinh tế chưa yên tâm lắm với các giải pháp, họ muốn có một cơ quan độc lập giám sát, hỗ trợ việc CPH, tái cơ cấu DNNN?

Hầu hết ý kiến của các chuyên gia về DN chúng tôi đều lắng nghe. Những ý kiến của các anh, các chị rất xác đáng, đáng trân trọng. Nhưng cũng có lúc các chuyên gia chưa có đủ thông tin, nên việc góp ý chưa phát huy tốt.

Trên thực tế, khi thực hiện chúng ta phải căn cứ vào nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế.

Vì vậy phải có thời gian để thể chế hóa ý kiến của các chuyên gia. Còn giám sát độc lập, hiện nay chúng ta có nhiều bộ phận giám sát như người dân, các cơ quan chức năng, đoàn thể...

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần chủ động thông tin sớm hơn về các DN sẽ CPH để nhà đầu tư cân nhắc?

Chúng tôi khẳng định tất cả các công ty CPH từ trước tới nay đều công khai. Danh sách 432 DN CPH sẽ được đăng công khai trên website của chính phủ. Bởi 432 DN đã nằm trong các quyết định phê duyệt của các bộ, các ngành, các địa phương, tổng công ty, tập đoàn.

Một vướng mắc nữa là tính giá trị đất vào giá trị DN, phương án tới đây của chúng ta đã rõ chưa, thưa ông?

Đây là vấn đề thực tế. Vừa rồi Nghị định 189 đã quy định cho DN thuê đất chứ không tính vào giá trị DN để CPH. Đất thuộc về nhà nước, DN thuê để trả tiền hàng năm. Nếu sử dụng không đúng mục đích, vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng.

Thoái vốn - rút quân phải có trật tự

Lần này chúng ta đặt quyết tâm CPH một lượng lớn DN trong thời gian ngắn vậy có lo ngại thất thoát trong việc CPH, Ban chỉ đạo đã lường trước được chưa?

Nói thất thoát trong CPH thì thất thoát ở đâu, từ cái gì và phải có địa chỉ. Vừa qua có nơi xảy ra thất thoát chủ yếu do định giá đất thấp khi định giá DN. Bây giờ chuyển sang cơ chế cho thuê đất, như vậy đã giải quyết căn bản vấn đề này.

Còn tài sản trên đất, đã có tổ chức tư vấn xác định giá trị DN. Giá công trình kiến trúc, máy móc thiết bị… đều có phương pháp. Đặc biệt, nguyên tắc tính thế nào thì cũng không được thấp hơn giá trị sổ sách.

Có thất thoát, có tiêu cực cần phải khắc phục nhưng không đến mức làm chùn chân, chùn tay trong thực hiện CPH. Bởi nhiều ý kiến còn khẳng định CPH là con đường duy nhất.

Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo ông cơ chế chúng ta mở ra cho bán dưới giá thành liệu có nguy cơ mất vốn nhà nước?

Tổng số vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty là gần 22 ngàn tỷ vào ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm….

Nếu tính tổng vốn các tập đoàn tổng công ty 840 ngàn tỷ, vì thế 22/840 ngàn tỷ chỉ khoảng hơn 2% tổng số vốn. Hơn nữa trong 22 ngàn tỷ không phải cái nào cũng mất giá. 3 năm vừa rồi, chúng ta đã thoái vốn được 4.000 tỷ đồng rồi. Chúng ta nên hiểu tinh thần thoái vốn cũng giống như rút quân phải có trật tự. Cái nào càng để càng lỗ thì mới bán ngay còn lại phải phân loại để có lộ trình chặt chẽ.

Như việc góp vốn vào nhà máy thủy điện, giờ đang xây dở dang thì phải hoàn thiện chứ không nên bán ngay. Ngoài ra còn phụ thuộc vào thị trường, không phải nói bán là bán được ngay. Chúng ta không CPH bằng mọi giá, thoái vốn cũng không bằng mọi giá, không chạy theo thành tích.

Cảm ơn ông!

Ngọc Tiến - Công Khanh

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   Cổ phần hóa, lịch sử chậm trễ lặp lại? (24/02/2014)

>   IPO Viglacera bán được gần 20 triệu cổ phần (23/02/2014)

>   Chủ tịch Sabeco ủng hộ ân xá kinh tế (21/02/2014)

>   TS Trần Du Lịch: “Đụng đến lợi ích nên họ không muốn cổ phần hóa” (20/02/2014)

>   Cienco 6 đấu giá bán 29 triệu cp (19/02/2014)

>   Chưa lên sàn đã có nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu Cienco 5 (19/02/2014)

>   Bán cổ phiếu 11 tổng công ty ngành giao thông (18/02/2014)

>   Bán DNNN lấy tiền xây sân bay Long Thành (18/02/2014)

>   IPO DNNN: Năm ăn năm thua (17/02/2014)

>   Doanh nghiệp nhà nước: Vẫn loay hoay với cổ phần hóa (16/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật