Thứ Sáu, 21/02/2014 16:13

HOSE: 5 giải pháp hút vốn ngoại

Đẩy mạnh tái cấu trúc hay gia tăng số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng là một trong 5 giải pháp giúp thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mà Sở GDCK TPHCM (HOSE) đưa ra sáng nay (21/02).

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2014 của UBCK, bên cạnh những hạn chế ngăn cản dòng vốn ngoại, HOSE còn đưa ra 5 giải pháp để giải pháp nhằm thu vốn ngoại vào TTCK:

Đẩy nhanh việc tái cấu trúc các Sở GDCK

Việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán (Sở GDCK) Việt Nam với các thị trường bộ phận được hình thành và chuyên biệt bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh sẽ giúp cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam được hoàn chỉnh, trên cơ sở đó, các sản phẩm, hàng hóa mới dễ dàng được phát triển.

Đặc biệt, việc tập trung thị trường cổ phiếu về một mối cần được thực hiện nhanh để gia tăng quy mô và hình ảnh về thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Đa dạng hóa các công cụ cho NĐT ngoại

HOSE cho biết UBCK đã đồng ý cho Sở triển khai sản phẩm Chứng quyền cấu trúc (Covered Warrant) để tăng thêm các công cụ giao dịch và phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, theo HOSE, thị trường chứng khoán phái sinh nên được triển khai sớm vì đây sẽ là thay đổi lớn về mặt sản phẩm cho TTCK Việt Nam. Khi thị trường có các sản phẩm phức tạp và cao cấp hơn, nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các chiến lược đầu tư khác nhau, qua đó, thu hút các nhà đầu tư từ các thị trường phát triển tham gia vào đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ETF là một sản phẩm cũng được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. ETF do các quỹ trong nước phát hành sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài tránh được hạn chế về sở hữu nước ngoài.

Nới room ngoại

Về dự thảo Quyết định về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu lên đến 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết là một thay đổi tích cực theo quan điểm của HOSE. Tuy nhiên, HOSE cho rằng, đến một giai đoạn nhất định, phần “room” được nới rộng thêm cũng sẽ hết, thị trường lại tiếp tục đối mặt với áp lực về “room” như hiện nay.

HOSE cho biết, trong năm 2013 đã học tập và nghiên cứu một sản phẩm khá thành công của TTCK Thái Lan triển khai cho nhà đầu tư nước ngoài, đó là NVDR (hay chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết). Khi nhà đầu tư nắm giữ NVDR, họ sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi tài chính của cổ phiếu nhưng không được hưởng quyền biểu quyết.

Cơ sở cho triển khai sản phẩm này là rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi sở hữu cổ phiếu chỉ quan tâm đến các quyền lợi tài chính mà không tham gia vào công tác quản lý, điều hành hay các quyết định của công ty. Ưu điểm của NVDR là NVDR sẽ được khớp lệnh chung với các cổ phiếu thông thường, do đó, tạo ra cơ chế một giá cho các cổ phiếu trên thị trường (khác với cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết phải có một sổ lệnh riêng).

Sở cho biết, đề xuất về NVDR đã được trình lên UBCK và đang được xem xét về mặt pháp lý.

Nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường

Mặc dù toàn thị trường có khoảng 800 công ty tham gia niêm yết và đăng ký giao dịch nhưng số lượng công ty có quy mô vốn lớn, hiệu quả kinh doanh và quản trị công ty tốt,…chỉ chiếm tỷ trọng khá thấp, điều này đã làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Để hàng hóa trên thị trường ngày càng có chất lượng, một mặt tăng cường công tác quản lý và giám sát chặt chẽ tình hình quản trị công ty, công bố thông tin,…của các công ty niêm yết, mặt khác cơ quản quản lý cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến những vấn đề liên quan đến quản trị công ty và công bố thông tin nhằm giúp cho các công ty niêm yết hiểu đúng và đủ trong việc tuân thủ các quy định của thị trường.

Bên cạnh đó, công tác đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích các doanh nghiệp đại chúng tham gia niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hàng hóa có chất lượng cho thị trường.

Gia tăng số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các công ty lớn

Một điều dễ nhận thấy trên TTCK hiện nay là sự quan tâm và đầu tư của NĐT nước ngoài đối với các công ty niêm yết có quy mô vốn lớn trên thị trường. Tuy nhiên phần lớn các công ty này đều có số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng rất ít thường dưới 10% do tỷ lệ sở hữu của nhà nước khá lớn, điều này đã gây ra những hạn chế trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào các công ty này.

Vì vậy, để khơi thông hạn chế này, các cơ quan có liên quan cần xem xét bán bớt phần vốn nhà nước tại những doanh nghiệp mà nhà nước không cần thiết phải nắm giữ cổ phần chi phối từ đó góp phần thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu nước ngoài vào thị trường chứng khoán.

Sanh Tín lược ghi

Công Lý

Các tin tức khác

>   Sẽ thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư khi công ty chứng khoán… phá sản? (21/02/2014)

>   Năm 2017 sẽ có thị trường chứng khoán phái sinh (21/02/2014)

>   Nhà đầu tư nước ngoài đều mua ròng qua các năm (21/02/2014)

>   Từ 2015, Sở GDCK hợp nhất sẽ đi vào hoạt động (21/02/2014)

>   PLC: Thông qua nội dung cuộc họp HĐQT lần thứ 2 năm 2014 (21/02/2014)

>   Đến hết tháng 1/2014, có 24 CTCK và 6 CTQLQ đã tái cấu trúc (21/02/2014)

>   CLP: Khả năng bị tạm ngừng giao dịch sau khi có BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2013 (21/02/2014)

>   PAN: Giảm room ngoại từ 49% xuống còn 17.34% (21/02/2014)

>   Góc broker: Xin tạm dừng cuộc chơi ở đây! (21/02/2014)

>   Nhịp đập Thị trường 21/02: Cầu hiện diện mạnh (21/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật