Sẽ thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư khi công ty chứng khoán… phá sản?
UBCKNN sẽ nghiên cứu quy định thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư khi giải thể, phá sản các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo thông tin tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2014 của UBCK vào ngày 21/02.
* Đến hết tháng 1/2014, có 24 CTCK và 6 CTQLQ đã tái cấu trúc
Cụ thể, theo tài liệu tại hội nghị, UBCKNN sẽ nghiên cứu xây dựng quy định thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp giải thể, phá sản các tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ).
Được biết, khi thực hiện thủ tục giải thể, phá sản công ty nói chung, nhà đầu tư là người phải gánh chịu nhiều ruit ro. Điển hình nhất là quá trình thanh toán nghĩa vụ nợ khi làm thủ tục giải thể hoặc phá sản, công ty phải thanh toán nghĩa vụ nợ, thuế đối với Nhà nước, nợ của ngân hàng, nợ của các chủ nợ khác, và nhà đầu tư là người được chia phần tài sản sau cùng (nếu còn).
Do đó, nếu có quy định thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp giải thể, phá sản các tổ chức kinh doanh chứng khoán sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Theo Đề án tái cấu trúc TTCK và qua 2 năm thực hiện, đã có 3 CTCK đang tiến hành giải thể là Sao Việt (SVS), Chợ Lớn (CLS) và Âu Việt (AVS). Tính đến ngày 17/1/2014, về công ty chứng khoán có 84 công ty hoạt động bình thường và 20 công ty thuộc diện tái cấu trúc. Cụ thể, 20 công ty thuộc diện tái cấu trúc bao gồm Công ty Chứng khoán Liên Việt (LVS), Đông Dương (DDS), Âu Việt (AVS), Trường Sơn (TSS), Hà Nội (HSSC), Delta (DTSC), Chợ Lớn (CLS), Sao Việt (SVS), SME, Golden Bridge (GBS), CIMB Vinashin (CVS), MHBS, Quốc Gia (NSI), Tokin (HASC), Artex (FLCS), Hồng Bàng (HBSC), Mê Kông, SBS, Tràng An (TAS), Thủ Đô (CSCJ). Về công ty quản lý quỹ, có 41 công ty hoạt động bình thường và 7 công ty thuộc diện tái cấu trúc. Trong đó, 7 công ty thuộc diện tái cấu trúc bao gồm Công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Liên Minh Việt Nam (VNAC), CTQLQ Minh Việt (MinhVietCapital), Công ty cổ phần quản lý quỹ AIC (AICapital), CTQLQ Hữu Nghị (SMEC), CT QLQ Dầu khí toàn cầu (GPFund), CTQLQ Thành Việt (TVMC), CTQLQ Sabeco (SBF).
Thứ tự phân chia tài sản theo Luật Phá sản doanh nghiệp.
Trường hợp Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thì việc phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã theo thứ tự sau đây:
a) Phí phá sản;
b) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
c) Các khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho các chủ nợ trong danh sách chủ nợ theo nguyên tắc nếu giá trị tài sản đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ đều được thanh toán đủ số nợ của mình; nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng.
|
Minh Hằng
Công lý
|