Thứ Năm, 20/02/2014 06:20

Dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi: Phù hợp thông lệ quốc tế

Luật Doanh nghiệp sửa đổi (dự thảo lần 2) dành hẳn một chương (chương 2) về nội dung đăng ký thành lập doanh nghiệp, với những quy định, mà theo các chuyên gia luật, là đảm bảo được quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp và phù hợp thông lệ quốc tế...

Doanh nghiệp làm thủ tục tại sở KH-ĐT TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Luật sư (LS) Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, nhận định các quy định về thành lập doanh nghiệp (DN) của luật DN sửa đổi phù hợp với thông lệ thế giới khi không ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy đăng ký kinh doanh. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho DN vì thị trường thì thay đổi nhanh chóng, DN không thể liên tục xin điều chỉnh. Các điểm mở khác của luật DN sửa đổi rất đáng ghi nhận như cho phép DN được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm; nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vào VN phải thành lập công ty trước (theo luật hiện hành, NĐT nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chưa thành lập DN). “Luật tiếp cận như vậy là tốt và không phân biệt đối xử giữa DN trong nước và ngoài nước”, LS Huỳnh nhấn mạnh.

TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phân tích: Dự thảo đã tách bạch giữa thành lập DN và các giấy phép kinh doanh theo hướng bỏ hẳn tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm; áp dụng các thủ tục thành lập DN, mua cổ phần, góp vốn giống nhau giữa DN trong nước và NĐT nước ngoài; đơn giản hóa hơn nữa hồ sơ thủ tục thành lập DN. “Nếu được thông qua, các quy định này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các NĐT khi thành lập DN, giảm phiền hà trong thành lập DN cho các NĐT nước ngoài - điều mà nhiều NĐT nước ngoài vẫn phàn nàn. Đặc biệt là tăng cường năng lực cạnh tranh của VN để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư”, ông Tuấn nhận định.

Cũng theo TS Tuấn, quyền tự do kinh doanh là quyền quan trọng được hiến định trong Hiến pháp và các quy định của luật DN sửa đổi là thể chế hóa quyền này. Tuy nhiên, do vẫn còn một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên có thể ghi rõ những ngành nghề cần phải có điều kiện này trong giấy đăng ký kinh doanh để DN dễ nhớ, dễ lưu ý. Ngoài những ngành nghề đó, DN có thể tự do kinh doanh các lĩnh vực còn lại mà không cần phải làm thêm thủ tục gì nữa.

Tăng cường hậu kiểm

Điều khiến LS Trần Hữu Huỳnh băn khoăn là quy định của luật sửa đổi có thể bị lợi dụng, nhất là những DN được thành lập chỉ nhằm mục đích mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Theo LS Huỳnh, thực tế lâu nay là “tiền kiểm chặt, hậu kiểm lỏng”. “Chúng ta có tất cả các quy định nhưng việc thực thi pháp luật chưa tốt; có công cụ mà không phát huy”, LS Huỳnh nhận xét. Vì vậy, theo ông, các cơ quan hậu kiểm phải kết nối nhau chặt chẽ, nhất là với cơ quan thuế để việc hậu kiểm hiệu quả hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng nhận định thời gian qua có tình trạng DN “ma”, thành lập để mua bán hóa đơn, nợ đọng thuế... rồi bỏ trốn. Tuy nhiên, TS Tuấn lưu ý đừng vì một số ít DN vi phạm này mà làm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các DN đang hoạt động và làm ăn chân chính. “Kinh nghiệm cho thấy nếu hàng rào hành chính dựng lên thì thường sẽ ngăn chặn những người làm ăn chân chính nhiều hơn là loại trừ những người có ý định lừa đảo. Gốc rễ khắc phục các điểm yếu này là phải tăng cường và đổi mới công tác hậu kiểm của cơ quan nhà nước. Áp dụng cách thức quản lý cá nhân thành lập DN, địa bàn phân loại theo mức độ rủi ro, theo cách mà ngành hải quan đang áp dụng khi phân luồng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, là cách tạo thuận lợi tối đa cho những người kinh doanh chính đáng, khuyến khích chứ không cản trở họ”, TS Tuấn nói.

TS Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, phải công khai minh bạch mọi thủ tục, hồ sơ... để hạn chế tình trạng công chức nhũng nhiễu, việc áp dụng luật ở các địa phương khác nhau như trong thực tế vừa qua. “Áp dụng triệt để công nghệ thông tin cũng là cách thức để giảm thiểu mức độ tiếp xúc giữa DN và cán bộ nhà nước và tăng cường quản lý nhà nước. Tôi lấy ví dụ, báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới cho biết toàn bộ thủ tục ban đầu để thành lập DN tại Singapore hay Malaysia chỉ 3 thủ tục và đều làm trực tuyến, tốn rất ít thời gian và chi phí (so với đánh giá của họ có 10 thủ tục tại VN). VN hoàn toàn có thể thực hiện được điều này”, ông Tuấn nói.

Sửa đổi các quy định khác để đồng bộ với luật DN

Luật Hình sự hiện quy định: “Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép... thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”. Nghị định 155 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, quy định vi phạm về việc kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký DN bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng. Luật Thuế thu nhập DN quy định DN không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN đối với các khoản thu nhập không thuộc các ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh... Những quy định như vậy đều phải sửa đổi đề đồng bộ với luật DN sửa đổi.

LS Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

N.T.T - T.X

N.T.Tâm - Thanh Xuân

thanh niên

Các tin tức khác

>   Tạo chuyển biến mới về cải cách hành chính trong đầu tư (19/02/2014)

>   Tăng ký quỹ hàng tạm nhập tái xuất (19/02/2014)

>   Gỡ rào cản thủ tục trong dự án đầu tư có sử dụng đất (19/02/2014)

>   FDI chảy mạnh vào TP HCM (19/02/2014)

>   Muốn đầu tư 2 tỉ đô la để bán điện cho cả ĐBSCL (19/02/2014)

>   DN xăng dầu lỗ, đại lý vẫn sống khỏe (19/02/2014)

>   Xuất khẩu xi măng: Giải pháp tình thế hay chiến lược phát triển? (19/02/2014)

>   Cá tra sẽ được quay lại Nga (19/02/2014)

>   TP.HCM muốn thu hút 550 triệu USD vào khu công nghiệp (19/02/2014)

>   TPP: Để bài học cũ... không lặp lại (19/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật