Thứ Hai, 10/02/2014 09:25

Doanh nghiệp Việt trong mắt người Nhật

Ông Koichi Hori, Chủ tịch Dream Incubator (Nhật), cho rằng doanh nghiệp Việt có tất cả mọi lợi thế, chỉ trừ một điều duy nhất là công nghệ. Nhưng đó lại là bất lợi lớn nhất.

Ông Koichi Hori, Sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Dream Incubator (Nhật)

Ông Koichi Hori, Sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Dream Incubator (Nhật) được xem là nhà tư vấn chiến lược hàng đầu của nước này. Hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, ông từng giữ vai trò Phó Chủ tịch Cấp cao của Tập đoàn tư vấn chiến lược nổi tiếng thế giới Boston Consulting Group (Mỹ) và đứng đầu chi nhánh của doanh nghiệp này ở Nhật.

Năm 2000, ông Koichi Hori cùng hơn 20 đồng nghiệp ở Boston Consulting Group tách ra thành lập Dream Incubator. Tại Việt Nam, bên cạnh hoạt động tư vấn, Dream Incubator còn thành lập Quỹ Công nghiệp Dream Incubator châu Á (DIAIF) chuyên đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Đầu năm 2014, NCĐT đã trò chuyện với ông Koichi Hori nhân dịp ông đến thăm và làm việc tại TP. HCM.

Điều gì khiến ông chọn Việt Nam làm điểm đến cho Dream Incubator và DIAIF?

Tôi nhìn thấy nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam hiện nay và nước Nhật trước kia. Cả hai đất nước đều được vực dậy, hồi phục và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan sau những cuộc chiến dai dẳng. Một điều quan trọng nữa là người Việt và người Nhật đều giống nhau ở chỗ thông minh, siêng năng và sẵn sàng học hỏi. Nhân sự người Việt của chúng tôi ở đây không khác nhiều so với nhân viên ở Nhật. Họ được đào tạo, có đạo đức tốt và tận tụy trong công việc.

Tuy nhiên, nếu như Chính phủ Nhật lập nhiều hàng rào bảo vệ và không để doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng thâm nhập thị trường thì Việt Nam lại khác. Các bạn có chính sách cởi mở hơn đối với các doanh nghiệp ngoại. Điều này có thể tốt cho tương lai xa của Việt Nam, nhưng trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của doanh nghiệp nội. Tôi từng hỗ trợ những doanh nghiệp Nhật như Honda, Sony hay Unicharm thành công trên thị trường quốc tế và hy vọng sẽ lặp lại được điều này với các công ty Việt Nam.

Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có những lợi thế và điểm yếu nào khi cạnh tranh với nước ngoài?

Về mặt tổ chức và con người, hiển nhiên doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn nước ngoài vì các bạn hiểu rõ thị trường cũng như con người ở đây. Các bạn có tất cả mọi lợi thế, chỉ trừ một điều duy nhất là công nghệ. Nhưng đó lại là bất lợi lớn nhất.

Công nghệ ở đây không phải là những gì quá cao siêu hay phức tạp. Ví dụ, cánh cửa tự động ở văn phòng của Dream Incubator tại TP. HCM. Từ khi dọn đến văn phòng mới này cách đây 2 năm, chúng tôi đã tốn hơn 6 triệu đồng chỉ để sửa cánh cửa này, nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thiện. Hoặc như tấm bảng trắng gắn tường bên trong phòng họp, nhà thiết kế Việt Nam không thể nào làm cho mặt bảng phẳng được vì đơn vị thi công mặt tường không bằng phẳng. Những vấn đề như vậy hầu như không bao giờ xảy ra ở Nhật.

Có thể các bạn cho rằng những điều nhỏ nhặt là không quan trọng, nhưng công nghệ càng hiện đại thì chính những chi tiết nhỏ sẽ đem lại sự khác biệt lớn. Hãy nhìn vào ngành công nghiệp xe hơi, chất lượng xe Nhật không phải tự nhiên mà nổi tiếng thế giới. Người Nhật luôn kỹ tính và quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, đó chính là bí quyết. Tôi tin là người Việt cũng sẽ dần tích lũy được kinh nghiệm và bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của điều này.

Ông thường đưa ra những lời khuyên nào cho khách hàng trong suốt hơn 30 năm hoạt động tư vấn?

Hãy tập trung vào những điều bạn đang làm tốt nhất. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào bất động sản hay thậm chí là khoáng sản bên cạnh ngành nghề chính. Nếu công ty của bạn chuyên về bất động sản hay khoáng sản thì được, còn không thì bạn đang mất tập trung vào công việc của mình. Ai cũng thấy bất động sản dễ thành công, nhưng khả năng thất bại còn cao hơn nhiều.

7 năm trước, khi tôi đến TP. HCM lần đầu, bất động sản đang phất lên. Quan sát khu vực quận 7, tôi thấy nhiều khu căn hộ đã hoàn thành và được bán hết nhưng đều tối đèn. Rõ ràng đấy là bong bóng. Vì vậy, tuy Dream Incubator đã mở văn phòng tại đây từ năm 2007 nhưng chúng tôi không đầu tư khoản nào trong suốt 3-4 năm sau đó. Quyết định đó là đúng đắn vì giờ đây mọi người đã thấy hậu quả của phát triển nóng.

Trong vai trò là nhà tư vấn, ông nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam đang quản trị chiến lược của họ ra sao?

Việt Nam hiện nay cũng tương tự như nước Nhật 30 năm về trước: doanh nghiệp của các bạn chỉ mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của tổ chức chiến lược. Trong bất kỳ chiến lược nào, khả năng tạo ra sự khác biệt luôn là yếu tố cốt lõi quyết định thành công.

Các bạn có thể tạo ra sản phẩm tương đương với đối thủ nước ngoài để cạnh tranh về giá, nhưng đó chỉ là lợi thế ngắn hạn. Lợi thế thực sự chỉ nằm ở sự khác biệt trong dịch vụ hay sản phẩm. Tạo ra khác biệt là không dễ, vì vậy mới phải có bộ phận Nghiên cứu & Phát triển (R&D) thực hiện nhiệm vụ này. Hiện tại, tôi thấy đa phần doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đầu tư đúng mức vào R&D, mà chỉ mới cố gắng ngang bằng đối thủ nước ngoài để cạnh tranh giá mà thôi. Vậy cũng tốt, nhưng cuối cùng sản phẩm của bạn phải hơn đối thủ thì mới thắng họ được.

Doanh nghiệp Nhật ban đầu cũng như các bạn bây giờ. Lúc đó, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì công nghệ lạc hậu so với Âu Mỹ. Để vượt qua trở ngại, các doanh nghiệp Nhật đã chủ động liên doanh, liên kết và nhượng quyền sản xuất để thừa hưởng công nghệ hiện đại, sau đó mới bắt đầu nghiên cứu để tự phát triển.

Còn Trung Quốc, tuy các doanh nghiệp nước này cũng vay mượn công nghệ nhưng họ lại ít đầu tư vào R&D. Có thể do họ đã hưởng lợi thế chi phí thấp từ quá lâu nên không còn động lực để thực hiện điều đó. Doanh nghiệp Việt Nam nên làm khác. Các bạn đã có lợi thế về chi phí, đầu tư R&D sẽ giúp chất lượng sản phẩm có được lợi thế dài hạn.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn không cảm thấy mặn mà với các nhà tư vấn chiến lược. Vai trò của đơn vị tư vấn quan trọng thế nào trong thành công của các công ty Nhật?

Tôi đã được gặp nhiều chủ doanh nghiệp và tổng giám đốc người Việt. Họ đều rất đáng kính trọng và có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, đa số đều chưa nhận ra nhu cầu sử dụng nhà tư vấn chiến lược. Đúng là chỉ có họ mới hiểu rõ công ty mình và có thể đề ra chiến lược, nhưng làm chiến lược cũng cần công nghệ. Để có chiến lược đúng đắn, người lập chiến lược phải có thời gian, kinh nghiệm và kỹ năng. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa có được những điều đó. Nhưng theo tôi, chỉ nên dùng nhà tư vấn chiến lược khi thực sự tin vào khả năng của họ.

Khi tôi đứng đầu Boston Consulting Group ở Tokyo cách đây 30 năm, các tổng giám đốc người Nhật khi đó cũng hỏi tôi rằng vì sao họ phải nhờ người khác làm chiến lược. Thế là ban đầu, 90% khách hàng của chúng tôi là các công ty Âu Mỹ muốn thâm nhập thị trường Nhật. Chỉ đến khi Honda, Sony hay Unicharm, những công ty được chúng tôi hỗ trợ về chiến lược, cạnh tranh thành công trên thị trường quốc tế, mọi người mới hiểu vai trò của nhà tư vấn.

Việt Nam bây giờ cũng giống nước Nhật khi đó. Tuy nhiên, các bạn sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn để thực hiện chiến lược vì thị trường đã mở cửa quá rộng cho doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, Dream Incubator tư vấn chiến lược phát triển và thu hút đầu tư cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mặc dù được Chính phủ Việt Nam khuyến khích, nhưng địa phương này vẫn chưa thực sự thành công vì nhiều yếu tố, trong đó có hình ảnh nhận diện còn yếu đối với các doanh nghiệp Nhật. Nếu Dream Incubator thành công lần này, có lẽ doanh nghiệp Việt sẽ có cái nhìn khác đối với nhà tư vấn chiến lược.

Hà Nguyễn

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp vẫn lo sức mua và chính sách (10/02/2014)

>   Việt Nam không phải thiếu vốn đầu tư (09/02/2014)

>   Thiếu, yếu toàn diện (09/02/2014)

>   Tư thương Philippines được phép nhập 163.000 tấn gạo (09/02/2014)

>   Công ty con Vinalines, Vinashin được khoanh nợ bảo hiểm (09/02/2014)

>   Thâu tóm Prime Group, SCG tăng trưởng mạnh ở VN (09/02/2014)

>   Vietnam Airlines: Năm 2014 thị phần giảm, lợi nhuận tăng (09/02/2014)

>   Tháng Một, cả nước có 397 triệu USD vốn FDI đăng ký (09/02/2014)

>   Kim ngạch thương mại Việt-Ấn hướng tới mục tiêu 7 tỷ USD (09/02/2014)

>   Tự do kinh doanh (09/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật