Doanh nghiệp thương mại TPHCM quyết giữ vũng thị phần
Ngay từ những ngày đầu năm mới, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Giáp Ngọ 2014, các doanh nghiệp thương mại lớn của Thành phố Hồ Chí Minh như Saigon Co.op, Satra, Sargri... đã rộn ràng không khí chuẩn bị cho một năm làm việc với quyết tâm giữ vững thị phần của nhà bán lẻ trong nước tại thị trường rộng lớn hơn 10 triệu dân.
Những doanh nghiệp không nghỉ Tết
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của nhân dân trong dịp Tết, hàng hóa thiết yếu được cung ứng tăng gấp 2-3 lần so với những tháng bình thường, với 90-95% hàng hóa sản xuất trong nước, chất lượng cao; tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp trong chương trình chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng Tết đạt giá trị hơn 7.500 tỷ đồng, tăng gần 2.200 tỷ đồng (40,5%) so Tết Quý Tỵ 2013; trong đó, nguồn hàng bình ổn thị trường hơn 4.900 tỷ đồng (tăng 62%).
Trong dịp Tết, các doanh nghiệp của thành phố đã tăng thêm 1.274 điểm bán hàng bình ổn, nâng tổng số điểm bán hàng bình ổn phục vụ nhân dân là 7.783 điểm (tăng 850 điểm bán so với tháng 4 năm 2013) đồng thời tổ chức 338 chuyến, kết hợp tổ chức các phiên chợ phục vụ công nhân, phiên chợ phục vụ sinh viên... đưa hàng hóa phục vụ người dân tại các quận ven, huyện ngoại thành, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đặc biệt, từ sáng mùng 2 Tết, nhiều hệ thống siêu thị như Sài Gòn Co.opmart, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), hệ thống cửa hàng tiện lợi Vissan… đã mở cửa hoạt động trở lại, đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình thường cho người dân thành phố; một số hệ thống cửa hàng tiện lợi mở cửa phục vụ liên tục 24/24 giờ, không nghỉ Tết.
Đánh giá về các doanh nghiệp này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho biết, thành phố có những đơn vị không nghỉ Tết như Saigon Coop, Satra. Đây là những tấm gương sáng của các doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Qua báo cáo của các doanh nghiệp, năm 2013 Saigon Co.op đạt doanh thu đạt 3.500 tỷ, tăng 16% cùng kỳ, Satra tăng cũng 10% với tổng doanh thu 42.000 tỷ và hai nhà bán lẻ này đều có doanh số bán hàng trong Tết rất cao, đồng thời hàng bình ổn và các mặt hàng khác cũng đạt doanh thu khá.
Ông Lê Hoàng Quân cho biết thêm, để chủ động nguồn hàng, bảo đảm giá thành ổn định với giá cả hợp lý nhất, các doanh nghiệp thương mại của thành phố đã kết nối với các vùng nguyên liệu của thành phố cũng như các tỉnh trong khu vực.
Niềm tin của doanh nghiệp đã được tăng lên
Theo người đứng đầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, để phục hồi kinh tế, ưu tiên cho sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, lãnh đạo thành phố đã cùng với các ngành chỉ đạo các đơn vị sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động ngay sau Tết.
Trong những phiên đầu năm tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, giao dịch đã đạt con số hàng ngàn tỷ đồng và có ngày chỉ số đạt đến 600 điểm.
Ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, chính sự phục hồi của nền kinh tế đã có dấu hiệu hết sức tích cực. Tại các doanh nghiệp mà lãnh đạo thành phố đến thăm trong những ngày đầu năm đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu đi các nước, điển hình như cảng Cát Lái cũng xuất nhiều tấn hàng đi khắp thế giới, đó là tín hiệu rất vui cho kinh tế thành phố.
Bên cạnh đó, những tín hiệu khả quan của thị trường xuất khẩu, bất động sản trong dịp Tết cũng là những triển vọng tốt góp phần làm kinh tế thành phố trong tháng 1 có nhiều dấu hiệu tốt đẹp, mở đường cho những nhiệm vụ kinh tế xã hội trong những tháng tiếp theo cũng như năm 2014.
Trong niềm vui chung của những ngày đầu xuân mới, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho biết, trong dịp Tết 2014, toàn hệ thống Saigon Co.op đạt kết quả khả quan với doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong dịp Tết, toàn hệ thống Saigon Co.op đã bán hàng liên tục từ 6 giờ sáng đến 24 giờ, triển khai hơn 250 chuyến bán hàng lưu động tại tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu vùng xa… nhằm phục vụ chu đáo nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Toàn bộ cán bộ, nhân viên của Saigon Co.op đã “đón Tết muộn” để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố giao.
Đại diện cho doanh nghiệp bán lẻ có hệ thống cung cấp khép kín "từ đồng ruộng đến bàn ăn," ông Trần Văn Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, năm 2014 mặc dù đánh giá thị trường không sôi động nhưng theo kế hoạch, Satra tiếp tục triển khai hạ tầng cơ sở về thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố, phát triển hệ thống phân phối.
Satra đã phát triển được 33 cửa hàng tiện lợi, cuối năm 2014 sẽ đạt 50 cửa hàng phục vụ bà con trên địa bàn thành phố, góp phần bình ổn thị trường và triển khai 2 trung tâm thương mại lớn.
Ngoài ra, Satra sẽ triển khai các chương trình trọng điểm của công ty như: khởi công xây dựng lại Trung tâm Thương xá Tax, hoàn chỉnh Trung tâm thương mại Bình Điền.
Năm 2014, trọng điểm của Satra vẫn là tái cấu trúc lại Tổng công ty, sắp xếp, thoái vốn ở một số đơn vị để tập trung vào một số mũi nhọn để thay đổi về chất trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đầu tư chiều sâu, khoa học công nghệ ở các nhà máy, cơ sở sản xuất để đảm bảo cạnh tranh tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Lúc này trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các siêu thị, cửa hàng đã mở cửa bán buôn, các doanh nghiệp đã trở lại nhịp sản xuất, những con thoi dệt vải đã chạy miệt mài, các khu công nghiệp lại hối hả vào ca, công nhân đã trở lại các nhà máy, công trình sau kỳ nghỉ Tết... Tất cả cùng nỗ lực phấn đấu với niềm tin cho tương lai tốt đẹp hơn./.
vietnam+
|