Đầu tư cơ sở hạ tầng không thuộc diện vay vốn của VDB
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận đề nghị cho phép tỉnh được vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đầu tư một số tuyến đường giao thông đô thị trọng yếu, theo Bộ Tài chính, việc đầu tư này không thuộc đối tượng được vay vốn, do đó tỉnh cần chủ động khai thác các nguồn tài chính hợp pháp khác để triển khai thực hiện dự án.
Tỉnh Ninh Thuận đang có nhu cầu hết sức bức xúc đối với các dự án này và đề nghị được vay vốn với mức lãi suất tương tự như Chương trình vay vốn kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn và thời hạn trả nợ từ 7-8 năm. Nếu được vay vốn, Ninh Thuận sẽ có điều kiện triển khai ngay một số tuyến đường hiện nay có mật độ giao thông cao, nhưng mặt đường hiện tại chật hẹp, xuống cấp, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Bộ Tài chính cho biết, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được thành lập theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của nhà nước và các chương trình, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu của VDB là cung cấp tín dụng cho các Chương trình, tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Trong thời gian qua, do tính cấp thiết của việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhằm cải thiện cuộc sống người dân ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn, Chính phủ đã có các Nghị quyết (Nghị quyết số 08/1999/NQ-CP ngày 9-7-1999 và Nghị quyết số 05/2001/NQ-CP ngày 24-5-2001), trong đó có nội dung chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn qua việc giao VDB cho UBND cấp tỉnh vay vốn với lãi suất 0% để thực hiện Chương trình.
Theo quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm sử dụng nguồn thu ngân sách địa phương hàng năm để trả nợ cho VDB khi đến hạn. Ngân sách trung ương có trách nhiệm bố trí vốn và bảo lãnh cho VDB phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để huy động vốn thực hiện Chương trình, đồng thời ngân sách trung ương có trách nhiệm cấp bù chênh lệch lãi suất giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay Chương trình.
Theo báo cáo của VDB, tính đến ngày 31-12-2013, lũy kế tổng số vốn đã giải ngân cho Chương trình là 35.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 19.700 tỷ đồng chiếm 15,85%/tổng số dư nợ tín dụng đầu tư của VDB. VDB huy động vốn trên thị trường với lãi suất tương đối cao (lãi suất huy động trái phiếu trung bình là 9,25%/năm đối với kỳ hạn 5 năm), trong khi đó, VDB cho vay đối với các dự án thuộc Chương trình với mức lãi suất là 0%. Nếu tính theo số dư nợ cho vay Chương trình, số ngân sách Nhà nước bố trí cấp bù chênh lệch lãi suất cho Chương trình năm 2013 (chưa tính đến phí quản lý) là khoảng 1.857 tỷ đồng.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn, phải tập trung cho các mục tiêu, chương trình, chính sách an sinh xã hội khác thì đây là nỗ lực lớn của Chính phủ để thực hiện Chương trình góp phần đẩy nhanh chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị theo kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận không thuộc đối tượng được vay vốn của Chương trình nêu trên. Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ chưa có chủ trương mở rộng đối tượng được thụ hưởng từ Chương trình này trong bối cảnh ngân sách trung ương còn khó khăn như hiện nay.
Từ các lý do nêu trên, để có nguồn vốn triển khai, thực hiện nâng cấp các tuyến đường giao thông đô thị trọng yếu có nhu cầu bức thiết, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chủ động nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị có liên quan huy động, khai thác các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để triển khai thực hiện dự án.
hải quan
|