Thứ Tư, 12/02/2014 08:35

Chạy đua xây nhà máy bia

Trong khi nhiều ngành kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất, thì lĩnh vực sản xuất bia vẫn liên tục phát triển và nở nồi với hàng loạt dự án đầu tư mới, mở rộng quy mô của cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Bia Lowen Pils và bia Quy Nhơn, thuộc Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Miền Trung, được bán chủ yếu ở thị trường tỉnh Bình Định

Nhiều chuyên gia cho rằng với “niềm yêu thích” dành cho... bia của dân ăn nhậu VN, tốc độ tăng trưởng hằng năm lên tới hai con số, thị trường bia đang là miếng bánh béo bở thu hút các nhà đầu tư đổ vốn vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại thị trường VN sẽ bội thực nhà máy bia, nguồn cung dư thừa, khi mà sản lượng tiêu thụ của một số nhà máy hiện vẫn còn thấp hơn năng lực sản xuất.

Liên tục xây dựng nhà máy mới

Với vốn đầu tư 600 tỉ đồng, dự án nhà máy bia Sài Gòn - Kiên Giang công suất 50 triệu lít/năm của Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa được khởi công tại Kiên Giang. Sabeco đang dẫn đầu về tốc độ mở rộng, đầu tư mới các nhà máy sản xuất khi liên tiếp rót tiền vào các dự án đầu tư trong ba năm gần đây.

Trước đó, vào cuối năm 2013, sau khi đưa vào hoạt động nhà máy bia Sài Gòn - Ninh Thuận (vốn đầu tư 450 tỉ đồng) với công suất 50 triệu lít/năm và sẽ nâng lên 100 triệu lít/năm cho những năm tiếp theo, Sabeco cũng khởi công dự án Sài Gòn - Cần Thơ công suất 50 triệu lít/năm, vốn đầu tư xấp xỉ hơn 450 tỉ đồng.

Theo ước tính chưa đầy đủ, Sabeco hiện đã đầu tư 24 dự án, trong đó đã có 20 dự án nhà máy đi vào hoạt động với tổng công suất hiện có hơn 1,8 tỉ lít bia! Chưa hết, trong giai đoạn 2014-2015, doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư thêm ba dự án mới, với các nhà máy sẽ được mọc nhiều hơn nữa ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại khu vực phía Bắc, nếu như năm 2010 nhà máy bia Hà Nội - Mê Linh giai đoạn hai chính thức được khánh thành với công suất 200 triệu lít/năm thì năm 2011 Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) tiếp tục khánh thành mới nhà máy bia Hà Nội - Thái Bình công suất 50 triệu lít/năm. Đến nay, riêng Habeco đã có cả chục nhà máy khắp miền Bắc, miền Trung như tại Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình...

Tại các địa phương khu vực này, rất nhiều nhà máy bia đua nhau mọc lên, thậm chí một số tỉnh, thành có từ hai thương hiệu bia trở lên cùng đặt nhà máy như Nghệ An, Phú Thọ, Hà Nội, Bình Dương... Đó là chưa kể những lò bia tươi được lập ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội có bia Legend, bia Việt Tiệp...

Dù không tuyên bố rầm rộ, nhưng các dự án của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này cũng đang tấn công vào thị trường nội địa bằng các dự án đầu tư “khủng” không kém gì khối doanh nghiệp trong nước.

Hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) dù không được nhiều lựa chọn của người tiêu dùng như những năm trước cũng liên doanh với một số doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều nhà máy sản xuất bia. Sau một thời gian thâm nhập thị trường VN bằng con đường nhập khẩu, thương hiệu bia Budweiser (Mỹ) cũng đang trong quá trình xây dựng nhà máy và dự kiến đưa vào vận hành trong thời gian tới.

Ông Hirofumi Kishi, tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo VN, thương hiệu bia Nhật Bản, liên doanh với Tổng công ty Thuốc lá VN (Vinataba), cho biết sau khi đưa vào hoạt động giai đoạn 1 công suất 40 triệu lít/năm của nhà máy 42 triệu USD đặt tại KCN Việt Đức - Đức Hòa (Long An), hiện doanh nghiệp này chuẩn bị nâng công suất lên 100 triệu lít/năm sau khi đã chạy hết công suất thiết kế từ dịp tết vừa qua. Mặc dù thừa nhận trước mắt sẽ ưu tiên tập trung chạy hết công suất theo kế hoạch 3 giai đoạn tại Long An, nhưng ông Hirofumi Kishi cũng không giấu giếm tham vọng “sẽ triển khai sang khác địa phương khác”.

Nguồn: Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN, Bộ Công thương

Thị trường béo bở

Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp đua nhau tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất do thị trường bia VN quá béo bở, nhất là khi hàng loạt hiệp định thương mại chuẩn bị có hiệu lực trong thời gian tới.

Với mức thuế nhập khẩu 45%, thuế tiêu thụ đặc biệt 50% và VAT 10% đang áp dụng cho hàng nhập khẩu, thuế suất nhập khẩu sẽ về 0% ngay khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, cơ hội đang chia đều cho tất cả các doanh nghiệp. Chỉ cần doanh nghiệp nào có đủ sự chuẩn bị, có tiềm lực tài chính, năng lực sản xuất và đặc biệt đã có thị phần nắm giữ ở thị trường nội địa thì cơ hội càng lớn.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN, năm 2013 thị trường VN đã tiêu thụ trên 3 tỉ lít bia, tăng khoảng 10% so với năm trước đó. Mức tiêu thụ của năm 2014 cũng được dự báo sẽ tăng ít nhất trên 5% so với năm ngoái, bất chấp nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chỉ cần nhìn vào tốc độ tăng trưởng của Sabeco trong 10 năm trở lại đây cũng đủ thấy “năng lực” uống bia kinh khủng như thế nào của người tiêu dùng Việt. Nếu năm 2005 Sabeco chỉ sản xuất 148,5 triệu lít bia các loại thì đến năm 2010 con số đã lên 1,08 tỉ lít và cuối năm 2013 đã là 1,33 tỉ lít. Đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 3% cho năm 2014 với sản lượng 1,4 tỉ lít, Sabeco đã tính thêm sản lượng của một số đối thủ nặng ký khác từ Công ty TNHH nhà máy bia VN (VBL, thương hiệu Heineken, Tiger), Habeco, Carlsberg (Đan Mạch) và Sapporo cùng góp mặt.

Ông Hirofumi Kishi cũng cho rằng thị trường bia VN hiện nay “dù chưa gia nhập TPP cũng đã chứng kiến sự cạnh tranh khá mạnh mẽ từ các doanh nghiệp lẫn nhau”, nên “đã có những phương án dự báo về sức cạnh tranh cũng như triển vọng của ngành bia ở VN cho riêng mình”.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, ông Hirofumi Kishi cho rằng sự phát triển ổn định về kinh tế vĩ mô, có tốc độ phát triển ở mức cao trong khu vực là yếu tố quyết định để doanh nghiệp tìm đến đầu tư. Mặt khác, nhu cầu nội địa của VN rất lớn, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao, lại có “niềm yêu thích” dành cho... bia khiến thị trường bia VN trong nhiều năm qua luôn có tốc độ phát triển mạnh mẽ và ổn định. “Mức tăng trưởng trên dưới 10%/năm là con số rất khả quan, và thị trường bia Việt vẫn giữ được nhịp tăng trưởng mạnh mẽ này trong các năm tới” - ông Hirofumi Kishi nhận định.

Trần Vũ Nghi - Cẩm Văn Kình

Sẽ bội thực bia?

Một quan chức Bộ Công thương thừa nhận đang có hiện tượng tỉnh nào cũng có nhà máy bia, nhưng rồi sau đó lần lượt phải đóng cửa. Theo vị này, việc đầu tư các nhà máy bia có công suất dưới 50 triệu lít/năm khó đem lại hiệu quả và quy hoạch phát triển ngành bia sắp tới sẽ không khuyến khích phát triển nhà máy quy mô nhỏ này. Đặc biệt, với các “đại gia” ngành bia hiện nay như Sabeco, Habeco..., vị này khuyến cáo không nên mở thêm nhà máy, trừ trường hợp thật cần thiết.

Bởi thực tế Sabeco đã đầu tư tới 23 nhà máy, trong đó có một số nhà máy ở phía Bắc. Năm qua, họ đã phải vận chuyển bia sản xuất ở miền Bắc vào Nam và có thể sẽ phải giảm sản lượng ở miền Bắc. Habeco cũng đã có 14 nhà máy, tổng công suất lên khoảng 811 triệu lít bia/năm trong khi năm 2013 mới thực sản xuất 650 triệu lít. “Các doanh nghiệp nội dù mạnh đến đâu cũng cần tránh đầu tư dàn trải để tập trung đảm bảo chất lượng, cạnh tranh với thương hiệu ngoại” - vị này nói.


tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   'Không đặt mục tiêu giảm 100.000 công chức' (12/02/2014)

>   Đề xuất chính sách cho đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế (11/02/2014)

>   Xem xét đề xuất chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 (11/02/2014)

>   Thăm Nhà máy In tiền đầu tiên của Việt Nam (11/02/2014)

>   Website danh tiếng thế giới xin lỗi cha đẻ Flappy Bird (11/02/2014)

>   “Bầu Kiên” trước ngày ra vành móng ngựa (11/02/2014)

>   Bắt giám đốc chi nhánh ngân hàng bị truy nã đỏ (11/02/2014)

>   360 chuyến bay chậm, hủy trong dịp Tết (11/02/2014)

>   Nhà trái phép sẽ không được đánh số (11/02/2014)

>   Công điện của Thủ tướng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau nghỉ Tết (10/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật