Xem xét đề xuất chuyển đổi KCN Biên Hòa 1
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa có cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để xem xét đề xuất của chính quyền tỉnh Đồng Nai về cơ chế thực hiện Dự án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa thành Khu đô thị thương mại dịch vụ.
Trả lời câu hỏi Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về sự tiến triển của dự án này, ông Trần Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Biên Hòa - Sonadezi - đơn vị được giao lập dự án, nói: “Sau cuộc họp với Phó thủ tướng hôm 8-2 vừa qua, chúng tôi đang chờ ý kiến của bộ, ngành về cơ chế để thực hiện dự án này. Hy vọng tới đây chính sách sẽ được ban hành để dự án sớm được triển khai”.
Thực tế, kiến nghị của chính quyền Đồng Nai về việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương từ năm 2011. Tuy nhiên, theo ông Hải, vì chưa có tiền lệ nên phải chờ ý kiến của các bộ, ngành về cơ chế chính sách về thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp bị di dời; các giải pháp về nguồn vốn, hiệu quả kinh tế, cũng như các vấn đề liên quan đến đất đai của dự án. Vì thế nên mấy năm nay dự án "nằm im".
Theo đề xuất của chính quyền Đồng Nai, nếu doanh nghiệp (bị di dời) có đủ khả năng về năng lực và tài chính thì có quyền tự chuyển đổi công năng theo quy hoạch được duyệt tại khu đất của họ, ngược lại họ sẽ nhận tiền bồi thường hoặc nhận các hỗ trợ xây dựng nhà máy ở vị trí mới hoặc tham gia làm cổ đông của một công ty mới sẽ được thành lập để quản lý dự án khu đô thị - dịch vụ - thương mại sau khi chuyển đổi.
Nhưng vấn đề được các bộ, ngành quan tâm hiện nay, theo ông Hải, là phương án kinh doanh cho phép đầu tư thứ cấp(*) trong việc thực hiện chuyển đổi từ khu công nghiệp thành khu đô thị. Vì số vốn lớn nên dự kiến chính quyền Đồng Nai chỉ giao cho chủ đầu tư cấp 1 cũng như các doanh nghiệp tự lo phần đầu tư xây dựng hạ tầng (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng); sau đó sẽ cho phép kêu gọi vốn của các nhà đầu tư thứ cấp cùng tham gia.
Được biết, trước khi có cuộc họp của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải với các bộ ngành về dự án này, giữa năm 2013 đoàn công tác của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Lúc đó, ông Dũng cho biết các vướng mắc về chính sách dời khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ được đoàn công tác báo cáo cụ thể cho Bộ Chính trị và Quốc hội.
(*) Chủ đầu tư thứ cấp là chủ đầu tư cấp 2 hoặc chủ đầu tư các cấp tiếp theo tham gia đầu tư vào dự án đầu tư phát triển đô thị thông qua việc thuê, giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng thuộc dự án đầu tư phát triển đô thị để đầu tư xây dựng công trình.
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963, có tổng diện tích 324,08 héc ta, hiện có 104 doanh nghiệp hoạt động với hơn 26.000 lao động.
Kế hoạch thực hiện dự án chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ, đã có từ năm 2009. Theo đó, cuối năm 2011, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này phải di dời để chủ đầu tư Sonadezi tiến hành xây dựng hệ thống hạ tầng cho khu đô thị hiện đại gồm trung tâm tài chính, khách sạn, nhà hàng, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp, biệt thự sân vườn, trường đại học…
Lúc đó lãnh đạo của Sonadezi cho biết, kế hoạch ban đầu của dự án xây dựng khu đô thị này có ba giai đoạn: từ 2011-2012 vừa di dời các doanh nghiệp vừa xây dựng khu vực phía Tây Nam và khu vực phía Đông Bắc của khu công nghiệp Biên Hòa 1; từ 2013-2017 xây dựng khu phía Tây, dọc bờ sông Cái, và khu vực trung tâm; từ 2018-2022 xây dựng các khu vực còn lại.
Tổng vốn thực hiện dự án nói trên khoảng 17.000 tỉ đồng; trong đó có gần 4.000 tỉ đồng dành cho việc hỗ trợ doanh nghiệp di dời (tiền thuê đất, phí sử dụng hạ tầng…). Theo Sonadezi, hơn 100 doanh nghiệp ở khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ phải dời về khu công nghiệp Giang Điền hoặc khu công nghiệp Nhơn Trạch, khu công nghiệp Ông Kèo… tùy từng trường hợp.
Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 1 vẫn chưa di dời vì các chính sách hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai đưa ra chưa được các bộ, ngành "gật đầu". Một cuộc thăm dò của Sonadezi cho thấy chỉ có 15% doanh nghiệp đồng ý di dời, trong khi có đến 44% doanh nghiệp không muốn.
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn thấy bất an khi phải di dời về khu công nghiệp Giang Điền hay các khu công nghiệp khác, cách nơi cũ từ 20-60 cây số nên sẽ phát sinh chi phí trong khi họ thiếu vốn. Doanh nghiệp còn lo nguồn lao động sẽ gặp khó khăn khi nhà máy phải ngưng hoạt động để di chuyển, lắp đặt máy móc thiết bị, doanh nghiệp không có sản phẩm cung ứng cho khách hàng, mất thị trường…
|
Đá Bàn
tbktsg
|