Thứ Năm, 09/01/2014 22:31

Vỡ nợ dây chuyền ở “thánh địa” vàng Phước Sơn (Kỳ cuối): Nắm dao đằng lưỡi

Trong khi hàng trăm thị dân Khâm Đức chới với trong bi kịch vỡ nợ dắt dây, thì chính quyền huyện Phước Sơn cũng khốn khổ, lâm cảnh nợ chi ngân sách, bởi Cty vàng Phước Sơn chậm nộp tiền hỗ trợ theo cam kết, nợ thuế... gần 70 tỉ đồng. Người dân vô vọng, chưa biết bấu víu vào đâu đã đành, chính quyền địa phương cũng chỉ biết... kiến nghị.

* Vỡ nợ dây chuyền ở “thánh địa” vàng - Kỳ 1: Khi Chủ tịch thị trấn thành con nợ!

Nợ từ ổ bánh mì đến hàng chục tỉ

Ngoài hàng trăm cổ đông, các doanh nghiệp là nhà thầu phụ của Cty Quảng An ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam) lâm vào cảnh vỡ nợ dây chuyền, nợ chéo lẫn nhau, thì hàng chục hộ tư thương, buôn bán nhỏ ở chợ Khâm Đức, lẫn chính quyền sở tại cũng bị Cty vàng Phước Sơn gây nợ đầm đìa. Đứng trước gian hàng rau quả của bà Dương Thị Hoa (62 tuổi), tôi vẫn không thể hình dung là Cty vàng Phước Sơn - doanh nghiệp có mức đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng, lại có thể giam nợ của một cụ bà miền núi đến hơn 220 triệu đồng.

Bà Hoa nói: “Gia đình tui gồm 9 người chỉ trông nhờ vào sạp rau quả này. Khi Cty vàng Phước Sơn đến đây, mỗi ngày nhà bếp của họ đến mua rau tiền triệu, tôi thấy mình may mắn. Có lẽ vì mình nghèo, đông con nên họ thương, mỗi ngày tui bỏ sỉ rau quả đến vài triệu đồng.

Trước đây, công ty đều trả tiền gối đầu định kỳ hằng tháng. Nợ cũng chỉ là chậm trả cho bạn hàng thôi, cuối năm thì họ thanh toán dứt điểm. Nhưng bây giờ, khi Cty vàng Phước Sơn có giám đốc điều hành mới, mọi việc trở nên rối tung.

Họ nợ tui từng lọn rau, bó cải, nhưng cộng dồn đến 222 triệu đồng, mà không hề có lời giải thích. Số tiền này hầu hết tui lại nợ quanh người thân, bạn hàng. Chừ không lấy được tiền, không chỉ cụt vốn mà công việc làm ăn cũng sẽ khó khăn...”.

Nhìn mớ rau cải, hành ngò bầm giập, những trái cà chua héo úa bởi đường xa trên sạp chợ của bà Hoa, tôi không thể thốt ra nổi một lời để an ủi bà.

Cạnh đó, gia đình chị Lê Thị Bạch Tuyết cũng rơi cảnh sống dở chết dở, bởi bị Cty vàng Phước Sơn nợ 57 triệu đồng tiền mua... bún tươi. Mỗi ngày, bà Tuyết cùng chồng - ông Phạm Ngọc Tiến - thức dậy, nổi lửa lò bún từ 2 giờ sáng để kịp buổi chợ sớm, bán đến 9 -10 giờ tối mới về đến nhà. Chật vật như vậy mới đủ nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn học, trong đó 2 đứa đang học đại học tận Sài Gòn.

Khi Cty vàng Phước Sơn đặt mua bún, mì Quảng thường xuyên, mỗi ngày bà Tuyết bán thêm được 50kg. Giá mỗi kilôgram bún, mì chỉ 9.000-12.000 đồng, thế nhưng công ty này đã đành đoạn xù nợ đến những 57 triệu đồng. Tiền đồ của bà Tuyết chợt tối đen khi bạn hàng gạo vây quanh đòi nợ cuối năm, không có tiền gửi để 2 con về quê ăn tết.

Cạnh nữa, chị Hoàng Phùng Thuỳ Anh mếu máo: "Em bán một ổ bánh mì chỉ có 2.000 đồng, mà họ nợ đến 40 triệu đồng, chừ không biết lấy vốn đâu mà tồn tại khi họ quỵt nợ". Thực trạng Cty vàng Phước Sơn nợ nần còn thê thảm đến mức không trả dọn tiền rác cho BQL Kiến thiết thị chính Khâm Đức đến 120 triệu đồng. Công ty này cũng nợ tiền lưu trú cho chuyên gia, kỹ sư của mình hàng tỉ đồng, trong đó khách sạn Trung Đô 420 triệu đồng, khách sạn Bé Châu Giang gần 1,5 tỉ đồng...

Nhà nước cũng... bất ngờ

Chính quyền cơ sở chịu "sức nóng" trực tiếp từ vụ vỡ nợ do Cty vàng Phước Sơn gây ra - đó là UBND thị trấn Khâm Đức, gần như bất lực. Chủ tịch Đỗ Ngọc Thắng cũng chính là “con nợ” của dân, đang đệ đơn từ chức, đòi chết từng ngày. Cấp trên - chính quyền huyện Phước Sơn - cũng không thoát vòng nợ nần đến phi lý.

Ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho biết, theo cam kết của Cty vàng Phước Sơn, mỗi năm công ty này phải hỗ trợ địa phương xấp xỉ 4 tỉ đồng (quy định theo Điều 5, Luật Khai thác tài nguyên, khoáng sản), nhưng đã 2 năm nay (2012, 2013), công ty này đã không thanh toán cho chính quyền. Mặt khác, trong các loại thuế, phí khác mà doanh nghiệp phải đóng như thuế tài nguyên, môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp..., huyện Phước Sơn được hưởng 30% (70% còn lại nộp vào ngân sách tỉnh Quảng Nam), tương đương 100 tỉ đồng mỗi năm.

Trước đây, Tập đoàn khai thác vàng (Besra) hoạt động ổn định, thực hiện các nghĩa vụ nhà nước đối với địa phương đúng kỳ hạn, uy tín với các nhà cung ứng dịch vụ, tuy nhiên từ đầu 2013 đến nay, sự việc trở nên bất thường. Hiện chỉ tính riêng thuế mà Cty vàng Phước Sơn phải chi trả cho huyện (thông qua Cục Thuế tỉnh) là gần 60 tỉ đồng. Nợ 8 tỉ đồng khác hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở của 2 năm 2012, 2013... Phần lớn, số tiền này chính quyền đã tạm ứng chi cho đầu tư phát triển xã hội trong năm. Bây giờ UBND huyện cũng phải ôm nợ như người dân.

Theo ông Quyền, thực tế Besra chậm trả nợ cho các đối tác trên địa bàn diễn ra đã hơn 1 năm nay rồi, song vì trước đó Besra thanh toán đúng định kỳ, uy tín, nên người dân còn thông cảm, hy vọng họ sẽ sớm trả. Tuy nhiên đến nay, cận tết nợ lại dồn, vượt sức chịu đựng, thì mới bùng nổ, vỡ dây chuyền, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.

“UBND huyện Phước Sơn đã 2 lần liên tiếp mời lãnh đạo tập đoàn Cty đến làm việc, đối thoại với chính quyền, nhân dân để tìm giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, họ đều từ chối với lý do nghỉ Noel, Tết dương lịch, bận... Bây giờ, chúng tôi cũng chỉ biết kiến nghị, đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, can thiệp để xử lý, vì doanh nghiệp này ngoài tầm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. UBND huyện cũng chung nỗi lo bị quỵt nợ như những hộ dân của mình" - ông Quyền nói.

Sáng 6.1.2014, tại cuộc họp giao ban của UBND tỉnh Quảng Nam, ông Phạm Thế Quyền tiếp tục đề nghị tỉnh sớm có biện pháp cụ thể để giúp chính quyền, nhân dân Phước Sơn tháo "ngòi nổ" quả bom nợ. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan phải can thiệp, giải quyết để tránh những hậu quả tiêu cực, đáng tiếc có thể xảy ra.

Lỗ hổng từ... giấy phép

Ông T.T - một đại gia vàng ở Phước Sơn, xuất thân Vĩnh Phúc - cho biết, khoảng thập niên 90 - lúc khai thác vàng còn trái phép, quản lý nhà nước còn "hoang sơ", mỗi ngày đêm, riêng hầm lò của ông đã "khò" được 2kg (tương đương 54 lượng vàng). Sản lượng vàng khai thác, tinh luyện tính bằng giờ đồng hồ. Vì vậy, dân tứ phương đổ xô về đây, tranh giành khai thác, bất chấp cả tính mạng của mình. Người giàu lên vì vàng rất nhiều, song kẻ bỏ mạng, lâm nợ nần, tệ nạn cũng không ít.

Nói vậy, rồi ông T so sánh: "Một công ty được nhà nước cấp phép khai thác, với quy mô hiện đại, công nghệ tối tân như Cty vàng Phước Sơn không thể kêu lỗ được. Hiện nay có nhiều công ty khai thác khoáng sản ở Quảng Nam, Đà Nẵng và ngay tại Phước Sơn cho rằng, nếu Cty vàng Phước Sơn buông tay, "bỏ của chạy lấy người", thì họ sẵn sàng đứng ra gánh nợ thay để được Nhà nước cấp phép khai thác, thế chân".

Ngay cả chính quyền sở tại cũng không biết rõ Cty vàng Phước Sơn khai thác được cụ thể như thế nào, làm ăn lời lãi ra sao? Ông Phạm Thế Quyền nói: "Chúng tôi thấy quản lý nhà nước của mình còn quá lỏng lẻo, nhiều sơ hở, nhất là đối với việc khai thác tài nguyên quý giá như vàng. Bộ, ngành trung ương "cầm quyền" cấp phép khai thác, nhưng chính quyền từ tỉnh đến huyện không hề được giao quyền quản lý cụ thể nào, ngoài việc Cục Thuế tỉnh tiếp nhận báo cáo thuế trên giấy tờ, thu vài khoản thuế còn quá nhỏ. Công ty nước ngoài thực hiện tất cả các khâu khai thác, tinh luyện, vận chuyển, đưa vàng ra khỏi địa phương, xuất khẩu... đều ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Chúng tôi không hề được giao quyền tham gia giám sát".

Cũng theo ông Quyền, chính vì phân cấp quản lý sơ hở như vậy, cho nên chính quyền địa phương gần như không hề quản lý được Cty vàng Phước Sơn, ngoài việc phải giải quyết hậu quả môi trường, mất an ninh trật tự. Thậm chí phải huy động bộ máy chính trị để bảo vệ họ khai thác, truy quét các đối tượng làm trái phép, xâm phạm vùng đất đã giao cho doanh nghiệp...

Năm 2012, Cty vàng Phước Sơn đã cố tình xả thải độc hại, chưa qua xử lý ra môi trường, người dân bức xúc, chính quyền huyện cũng chỉ... kiến nghị, tỉnh kiểm tra, xử phạt 100 triệu đồng. Chính vì quản lý lỏng lẻo, chưa nghiêm, nên 2013, Cty vàng Phước Sơn lại tiếp tục tái phạm và rồi tỉnh cũng chỉ phạt hành chính 50 triệu đồng.

Ông Quyền kiên quyết: “Sau sự cố rất đáng tiếc này, chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh, sớm kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương xem xét lại cơ chế quản lý nhà nước đối với các DN khai thác khoáng sản quý hiếm như vàng. Nhất thiết phải phân công chính quyền, cơ quan chức năng có nghiệp vụ vào giám sát các công đoạn khai thác, tinh luyện và đưa vàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tránh thực trạng ngoài tầm kiểm soát, nguy cơ thất thoát tài nguyên của đất nước”.

Được biết, hiện nay tại Phước Sơn, ngoài Besra còn có 12 doanh nghiệp khác được cấp giấy phép đang hoạt động khai thác vàng. Tuy nhiên, những đóng góp của các doanh nghiệp này vào ngân sách địa phương cũng như phát triển dân sinh còn quá nhỏ, chưa tương xứng với sản lượng mà họ đã khai thác. Vì vậy, dẫu đã muộn, song những kiến nghị rất sát thực này của chính quyền huyện Phước Sơn cần được Chính phủ, các bộ ngành sớm xem xét để tránh tình trạng vàng mất mà môi trường và người dân sở tại phải gánh hậu quả vì nợ nần và ô nhiễm môi trường.

Thanh Hải

lao động

Các tin tức khác

>   Tòa trả lại hồ sơ vụ án "bầu" Kiên để điều tra thêm (09/01/2014)

>   Xô xát lớn tại công trường dự án Samsung Thái Nguyên (09/01/2014)

>   Chị gái Huyền Như bán hột vịt lộn lên làm Phó GĐ (09/01/2014)

>   Tiết lộ “động trời” của nhà thầu giao thông (09/01/2014)

>   TPHCM: Mở rộng xa lộ Hà Nội (09/01/2014)

>   Cơ quan An ninh sẽ điều tra về lời khai của Dương Chí Dũng (08/01/2014)

>   Dương Tự Trọng 18 năm tù, khởi tố vụ án lộ bí mật công tác (08/01/2014)

>   Dân kéo đến nhà máy thủy điện đòi bồi thường (08/01/2014)

>   Vỡ nợ dây chuyền ở “thánh địa” vàng - Kỳ 1: Khi Chủ tịch thị trấn thành con nợ! (08/01/2014)

>   Ghế chủ tịch VFF khó thoát khỏi tay ông Lê Hùng Dũng (08/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật