Tiết lộ “động trời” của nhà thầu giao thông
Trước khi Báo Pháp luật Việt Nam khởi đăng loạt bài liên quan đến dấu hiệu sai phạm tại gói thầu số hiệu HW217-11-1, một nhóm các nhà thầu đã tập hợp hồ sơ định tuyên chiến với nạn “cắt phần trăm”, “cắt phế” xảy ra trong các dự án giao thông, gồm các file ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, sợ bị trả thù, họ lại từ bỏ ý định...
“Các chú thấy Bộ trưởng thị sát công trình này, công trình kia, tuyên bố trảm nhà thầu này, trảm nhà thầu kia vì dây dưa tiến độ... Nhưng Bộ trưởng đâu có hiểu nhà thầu khổ nhục đến nhường nào”, ông P., “đại gia” một thời kêu ca khi gặp phóng viên.
Ông P. kể, có những lúc phải đi vay “tín dụng đen” lãi 5.000 đồng/triệu/ngày để nộp “phế”. Ngoài ra, muốn lấy vật tư của đơn vị được chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính “bảo lãnh” thì phải cộng thêm khoảng 2.300 đồng/kg thép. “Vậy thử hỏi có đơn vị thi công nào sống được và không biết trên thế giới này có ở đâu như ở Việt Nam?”.
“Cắt phế” là tiếng lóng để chỉ việc một nhà thầu, đơn vị thi công phải hối lộ chủ đầu tư, nhà thầu chính, tư vấn, kỹ thuật A, kỹ thuật B khi muốn “qua cửa”. Khoản “cắt phế” chẳng có gì mới, nhưng càng ngày càng nghiệt ngã và hết sức tinh vi để che đậy tai mắt của người dân. Phổ biến nhất là chủ đầu tư, nhà thầu chính “gửi giá” vào vật liệu xây dựng của công ty “sân sau”, mà nhà thầu nếu không lấy vật liệu của “sân sau” này với giá “cắt cổ” thì không có vật tư để thi công, hoặc việc ký nghiệm thu, thanh toán sẽ muôn vàn khó khăn.
Như đã đề cập tại phóng sự đăng cách đây tròn một năm, chúng tôi đã “xách cặp” theo ông P. cùng một vài nhà thầu bạn ròng rã một số công trình giao thông trọng điểm và thực sự bàng hoàng trước vấn nạn “cắt phế” đang thảm sát các nhà thầu và đơn vị thi công nội địa.
“Giá” nghiệm thu mỗi mét khối bê tông công trình này là 35.000 đồng, 1 kg thép phải nộp 250 đồng” - một nhà thầu “bật mí”. “Nói chung, công đoạn nào, từ đấu thầu tới thi công, nghiệm thu, quyết toán, điều chỉnh giá bọn anh cũng bị “ăn”. “Ăn” tàn bạo lắm…”, một nhà thầu nói. Đằng sau mỗi công trình chậm tiến độ, chúng tôi nhận thấy, ngoài các nguyên nhân về giải phóng mặt bằng còn là “một bức màn đen” những trò “ăn tiền”.
“Điểm mặt” những dự án làm đường bê bối
Mặc cho Bộ trưởng Đinh La Thăng chọn năm 2013 là “Năm kỷ cương, chất lượng công trình”, nhiều dự án của ngành giao thông vẫn lộ rõ dấu hiệu gian dối…
Bê bối mới nhất là dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Dự án này có tổng mức đầu tư thuộc loại “khủng” với số tiền 20.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, “mảng tối” của những nhà thầu thi công dự án đã dần hé lộ khi đơn tố giác được gửi đến cơ quan báo chí về dấu hiệu “rút ruột” công trình.
Sự việc bị đưa ra ánh sáng, TCty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã ra quyết định cảnh cáo nhà thầu thi công POSCO E&C và đưa đội thi công hạng mục móng cột hộ lan đoạn cầu Ruột Ngựa ra khỏi công trường và cấm tham gia các dự án do VEC làm chủ đầu tư; phê bình Ban Quản lý dự án (QLDA) đường cao tốc TP.HCM –Long Thành – Dầu Giây và liên doanh Nippon Koei – TediSouth. Hàng loạt sếp lớn cũng chịu án kỷ luật, từ ông Phạm Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc VEC, ông Lê Mạnh Hùng – Giám đốc Ban QLDA…
Không riêng gì miền Nam, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đang “đau đầu” với những tuyến đường huyết mạch ở miền Bắc. Theo kết quả kiểm tra chất lượng công trình của Bộ GTVT, riêng đoạn Phủ Lý - cầu Đoan Vĩ dài 15,1km đã có tới 6/8 vị trí không đạt chiều dày móng dưới cấp phối đá dăm, 3/8 vị trí không đạt chiều dày móng trên cấp phối đá dăm. Với thành phần hạt không đạt về lớp bê tông nhựa là 7/9 và 8/7 mẫu, tỉ lệ lớp cấp phối đá dăm chiếm 100% số mẫu không đạt; từ 80-90% mẫu bê tông nhựa không đạt về độ rỗng dư và hàm lượng nhựa.
Trong khi đó, tại đoạn quốc lộ 1 dài 13,6km qua Ninh Bình, kiểm tra 11 vị trí thấy 2-3 vị trí bê tông nhựa và móng cấp phối đá dăm không đạt chiều dày, 90-100% vị trí không đạt thành phần hạt, 4 mẫu cấp phối đá dăm không đạt độ đầm nén, riêng lớp bê tông nhựa có 9/11 mẫu không đạt độ rỗng dư, 11/11 mẫu không đạt hàm lượng nhựa…
Có thể mượn lời “cựu đại gia” P. trong phóng sự mà chúng tôi đã đăng tải trước đây để giải thích cho tình trạng này: “Thi công mà không được thanh toán, vay ngân hàng không cho, trong khi tiền vẫn phải “cắt” đều, làm sao có nhà thầu nào trụ cho được. Rồi thì điều gì đến cũng phải đến, đội thi công không “cắt” được ai đành phải cắt thép,cắt xi măng, nhân công của công trình…”.
Nhóm PV
pháp luật vn
|