Chỉ tin uy tín Huyền Như, không tin pháp luật
Trước giờ nghỉ trưa 8-1, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo nguyên là nhân viên ngân hàng Vietinbank chi nhánh Đinh Tiên Hoàng, đây là những người đã chấp nhận hồ sơ thế chấp sổ tiết kiệm của khách hàng mà hồ sơ không có chữ ký, không có mặt người vay.
Hầu hết các bị cáo này đều thừa nhận hành vi sai sót của mình khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, bởi tin tưởng vào uy tín của Huỳnh Thị Huyền Như mà bỏ qua các thủ tục cần thiết đối với những hồ sơ cho vay thế chấp, để giúp cho Huyền Như chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của ngân hàng ACB và Navibank.
Ngoài ra, nhóm các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên VietinBank chi nhánh Nhà Bè cũng rơi vào "bẫy" của Như bằng chính uy tín mà Như đã tạo lập. Khai nhận trước tòa và thừa nhận hành vi làm sai của mình, bị cáo Hồ Hải Sỹ (nhân viên phòng giao dịch Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè), Nguyễn Thị Ngọc Lợi (nhân viên giao dịch chi nhánh Võ Văn Tần) khẳng định Huyền Như có mối quan hệ thân thiết với sếp là Võ Anh Tuấn, và trưởng phòng là bị cáo Lương Thị Việt Tiên (trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần) vậy nên, Sỹ đã làm thủ tục mở tài khoản cho khách hàng là Nguyễn Thị Bé Năm và Dương Thị Nguyệt mà không hề có mặt 2 người này nên không biết chữ ký và hồ sơ của cả hai người đều là giả, dẫn đến việc Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo để chiếm đoạt 50 tỉ đồng.
Ngoài các bị cáo trên, HĐXX cũng hỏi bị cáo Huỳnh Hữu Danh, nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB Tp.HCM). Theo lời khai của Danh, bị cáo nhận được hồ sơ gồm 40 hợp đồng tiền gửi (tại Vietinbank do Huyền Như làm giả) mang tên một số cá nhân do Trần Thị Tố Quyên (người giúp việc của Huyền Như mang lại) đến để thế chấp vay 480 tỷ đồng từ VIB. Bởi Quyên nói số khách hàng này là của Huyền Như giới thiệu đến, mà trước đó, Danh khẳng định đã cho Như vay 7 tỉ đồng và Như trả rất tử tế nên Danh tin tưởng. Hơn nữa, do phải nhận chỉ tiêu trong năm nên Danh đã bỏ qua thủ tục xác nhận độ tin cậy của 40 hợp đồng tiền gửi này tại chi nhánh Nhà Bè nên đã làm thủ tục cho các khách hàng này vay tiền. Đến nay, số tiền bị Như chiếm đoạt của chi nhánh VIB là 180 tỉ đồng.
Sau khi xét hỏi nhóm bị cáo có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng, thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, chủ tọa phiên tòa đã nói với các bị cáo này rằng quy định pháp luật đều rất rõ ràng nhưng các bị cáo đã không thực hiện, lại chỉ đi tin vào uy tín của Huyền Như và lời nói của lãnh đạo dẫn đến hàng trăm tỉ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt một cách dễ dàng.
Trước đó, sáng 8-1, nhóm các bị cáo nguyên là cán bộ Vietinbank tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ khai nhận hành vi vi phạm và cho rằng do tin tưởng Huyền Như nên đã bỏ qua nhiều công đoạn, chấp nhận tài sản thế chấp là sổ tiết kiệm của Ngân hàng ACB và Navibank, lập thủ tục cho vay tiền không có chữ ký, không có mặt người vay.
Theo đó, các bị cáo Tống Nguyên Dũng (giúp Huyền Như chiếm đoạt 274 tỉ), Trần Thanh Thanh (giúp Huyền Như chiếm đoạt 25 tỉ), Bùi Ngọc Quyên (làm thất thoát 132 tỉ), Hoàng Hương Giang (giúp Như chiếm đoạt 20 tỉ), Phạm Thị Tuyết Anh (giúp Như chiếm đoạt 254 tỉ) đều khai nhận hành vi vi phạm của mình. Theo các bị cáo này, dù biết rõ trách nhiệm của mình trong việc lập thủ tục cho vay, xem xét hồ sơ, xuất tiền… nhưng vì tin tưởng vào uy tín của trưởng phòng Huyền Như nên tất cả đã bỏ qua những thủ tục cơ bản nhất theo quy định của pháp luật.
Theo bị cáo Bùi Ngọc Quyên, khi được bổ nhiệm làm phó phòng giao dịch, lúc ấy ảnh hưởng của Huyền Như rất lớn không chỉ tại chi nhánh Điện Biên Phủ mà cả hệ thống Vietinbank, bởi Như mang về rất nhiều hợp đồng, khách hàng lớn cho ngân hàng.
Còn theo bị cáo Hoàng Hương Giang khi ấy đang là nhân viên phòng giao dịch, với nhiệm vụ hướng dẫn khách hàng mở sổ, mở tài khoản, dù không được tiếp cận với khách hàng nhưng Giang đã nhìn thấy sổ tiết kiệm, đồng thời Như bảo đảm rằng “đây là khách hàng quen của chị, người ta bận đi công tác nên chưa có chữ ký trong hồ sơ, chị sẽ trực tiếp gặp khách hàng để lấy chữ ký sau. Các em cứ xác thực điều kiện đảm bảo đi”. Giang nói khi đó kiểm tra trên hệ thống ngân hàng thì thấy 5 sổ tiết kiệm này đều có tiền, là sổ thực, tiền thực nên Giang đã bỏ qua công đoạn kiểm tra chữ ký khách hàng.
Tương tự Giang, bị cáo Trần Thanh Thanh, được bổ nhiệm làm trưởng phòng của Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, cũng cho rằng mình đã rất tin tưởng vào Huyền Như và sợ nếu không làm gấp thì mất mối khách hàng nên đã bỏ qua những thiếu sót của hồ sơ.
Tại Phòng giao dịch Điên Biên Phủ của Vietinbank, theo lời khai của các bị cáo trước tòa cũng như trong hồ sơ vụ án, bằng uy tín của mình đối với cấp dưới, Huyền Như đã chỉ đạo cấp dưới bỏ qua nhiều công đoạn quan trọng trong việc phê duyệt, kiểm tra thủ tục cho vay. Bằng cách này, nhóm nhân viên của Phòng giao dịch Điện Biên Phủ đã đồng ý thế chấp một số sổ tiết kiệm của ACB (trong tổng số tiền là 474 tỉ) và một số sổ tiết kiệm Navibank (trong tổng số 59,5 tỉ) dù không có mặt chủ sổ, người vay tiền.
HĐXX đang tiếp tục xét hỏi nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Vietinbank chi nhánh Đinh Tiên Hoàng.
H.Điệp
tuổi trẻ
|