Ưu đãi thuế hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2013, các giải pháp về thuế đã góp phần quan trọng để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Cũng với mục tiêu này, năm 2014, chính sách thuế sẽ tiếp tục được nghiên cứu và cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH EIDAI. Ảnh: H.Nụ
|
Nuôi dưỡng nguồn thu
Năm 2013, hàng lọat cơ chế chính sách về thuế nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn được tung ra mà điểm nhấn quan trọng nhất là việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT.
Có hiệu lực từ 1-1-2014 và một số chính sách ưu đãi thuế có hiệu lực sớm ngay từ 1-7-2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN đưa ra nhiều quy định nhằm tạo thêm thuận lợi cho DN, thu hút và khuyến khích đầu tư. Thuận lợi đầu tiên cần được nhắc đến là việc DN được giảm nghĩa vụ thuế. Điều này thể hiện ở việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% từ đầu năm 2014, đồng thời quy định lộ trình áp dụng thuế suất 20% từ năm 2016. Bên cạnh đó, các DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% ngay từ 1-7-2013. Diện ưu đãi thuế được mở rộng hơn và mức độ miễn giảm, ưu đãi thuế được điều chỉnh nâng, đặc biệt đối với hợp tác xã, các địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, các lĩnh vực cần thu hút đầu tư. Việc sửa đổi đối tượng ưu đãi căn cứ theo “dự án đầu tư” thay vì ưu đãi theo pháp nhân cũng góp phần mở rộng diện ưu đãi thuế được khá nhiều.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi các chính sách khuyến khích nêu trên được thực thi, nghĩa vụ thuế của DN có thể giảm hơn 1.500 tỷ đồng trong năm 2013 và hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2014. Việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn tuy có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách Nhà nước vào những năm sau.
Một số chính sách tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT cũng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN như: quy định mức doanh thu để xác định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh không chịu thuế GTGT (doanh thu năm từ 100 triệu đồng trở xuống) và bổ sung cơ chế ngưỡng doanh thu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ (doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm) đồng thời với việc sửa đổi phương pháp tính thuế. Việc sửa đổi này nhằm giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, nhất là đối với các đối tượng nộp thuế có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thông qua việc giảm bớt thủ tục, hồ sơ kê khai, nộp thuế, góp phần đơn giản hóa công tác quản lý thuế. Lần sửa đổi này cũng quy định các giải pháp giảm thuế GTGT (áp dụng ngay từ 1-7-2013) nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Nắm bắt thời cơ
Chia sẻ những định hướng cải cách trong năm tới, ông Ngô Hữu Lợi- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho hay, dự kiến, năm 2014 Bộ Tài chính sẽ trình các cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB, trong đó dự kiến điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển KT-XH. Cùng với đó là xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ô tô…để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu, bổ sung quy định về giá tính thuế đối với một số trường hợp hợp tác, phân công giữa các nước trong chuỗi sản xuất toàn cầu, bảo đảm điều tiết công bằng giữa hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và hàng hóa, dịch vụ NK; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Bên cạnh đó, chính sách thuế XK, NK cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh để vừa phù hợp với cam kết WTO vừa bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có điều kiện đối với sản xuất trong nước trong điều kiện chưa thể thiết lập ngay và đầy đủ về hàng rào kỹ thuật và hiệu quả của các công cụ chống phá giá còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Năm 2014 là năm bắt đầu triển khai thực thi hai luật mới được sửa đổi, bổ sung với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích. Song việc cắt giảm thuế NK theo lộ trình để thực hiện cam kết quốc tế sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các DN sản xuất trong nước trong việc cạnh tranh với sản phẩm, hàng hoá nước ngoài mặc dù lộ trình này đã được thể hiện rõ trong các cam kết quốc tế và khu vực. Tuy vậy, ông Ngô Hữu Lợi nhấn mạnh, đi cùng với khó khăn, thách thức thường có những cơ hội. Để chủ động đối phó với khó khăn, vượt qua thách thức và tận dụng được cơ hội, các DN cần có chiến lược kinh doanh phù hợp trên cơ sở nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, DN cần nỗ lực cắt giảm chi phí một cách hợp lý để tạo ra sản phẩm có giá thành rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ, bảo đảm khả năng cạnh tranh.
Đối với các DN sắp gia nhập thị trường hoặc dự kiến đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, ông Lợi chia sẻ, cần nghiên cứu kỹ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn, cân nhắc đầu tư vào lĩnh vực ngành nghề, địa bàn phù hợp để có thể tận dụng cơ hội được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế TNDN. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế NK theo lộ trình một mặt để phù hợp với cam kết WTO, mặt khác cũng vẫn thực hiện lộ trình để bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có điều kiện đối với sản xuất trong nước, vì vậy về phía các DN cũng cần tận dụng tốt hơn giai đoạn này để chuẩn bị vững chắc hơn trước khi bước vào giai đoạn cuối của lộ trình cam kết.
Hồng Vân
Hải quan
|