Thứ Tư, 15/01/2014 06:51

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Bộ Tài chính không xào xáo số liệu…”

Năm 2013, thu ngân sách nhà nước (NSNN) bất ngờ đạt 100,4% dự toán dù trước đó chính Bộ Tài chính báo động nguy cơ hụt thu lớn, khiến một số ý kiến nghi ngờ tính xác thực của con số này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: “Đây là kết quả thực, không có chuyện Bộ Tài chính xào xáo số liệu…”.

Khai thác nguồn thu mới

Còn nhớ vào quý III/2013, Bộ Tài chính cũng như một số chuyên gia cảnh báo, năm 2013 có thể là năm đầu tiên hụt thu NSNN, khi hết tháng 9/2013, tổng thu NSNN chỉ đạt 66,6% dự toán, trong khi theo thông lệ các năm phải đạt ít nhất 75% dự toán.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2013, Bộ Tài chính bất ngờ công bố thu NSNN đạt 100,4% dự toán. Việc trong một thời gian ngắn, nhưng ngành Tài chính đảo ngược tình thế từ nguy cơ hụt thu NSNN thành vượt thu đã khiến nhiều ý kiến từ bất ngờ chuyển sang nghi ngờ, thậm chí đặt câu hỏi: Liệu Bộ Tài chính có “múa” số liệu?

Chính thức khẳng định với báo giới tại cuộc gặp giữa lãnh đạo Bộ Tài chính với các cơ quan thông tấn, báo chí ngày 13/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, Bộ Tài chính không “xào xáo” số liệu thu NSNN năm 2013, mà đây là kết quả thực, nhờ các cấp, các ngành đã phối hợp chặt chẽ, quyết liệt triển khai các giải pháp đột phá về thu NSNN trong năm qua.

Theo đó, trước nguy cơ hụt thu NSNN năm 2013, Bộ Tài chính đã chủ động làm việc với 63 địa phương trong cả nước, để đánh giá tình hình khả năng thu NSNN 2013, trên cơ sở đó, Bộ đã báo cáo Chính phủ, đề xuất với Quốc hội các giải pháp có tính chất đột phá để đảm bảo hoàn thành dự toán thu NSNN 2013. Cụ thể, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 và Nghị quyết 57, Chính phủ ban hành Nghị định 204, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 187, để thu vào NSNN 3 khoản mới: Thứ nhất là cổ tức được chia năm 2013 cho phần vốn nhà nước tại các CTCP có vốn Nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu. Thứ hai, phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thứ ba, tăng tỷ lệ thu vào NSNN lên 75% (trước đây là 50%) tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia từ liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí...

Để tổ chức việc thu có hiệu quả các nguồn mới cho NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương. Điều này thể hiện rõ nét qua việc 63/63 địa phương đều có chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh ủy, thành ủy, UBND cấp tỉnh về tổ chức thực hiện dự toán thu chi NSNN 2013... Nhờ vậy, nhiều địa phương có số thu lớn vào NSNN, đến hết quý III/2013 có tiến độ thu chậm đến mức có nguy cơ hụt thu so với dự toán, đã vượt thu vào cuối năm như: Hà Nội, TP. HCM...

“Từ thực tiễn trên cho thấy, trong năm 2014, cũng như thời gian tới, chúng ta vẫn còn tiềm năng và nguồn lực cho tăng thu NSNN. Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ chế thu phải hợp lý, động viên được sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và các DN, nhất là các DN có số đóng góp lớn vào thu NSNN...”, ông Dũng nói.

Rắn tay với vi phạm thuế

Ngoài lý do có thêm các nguồn thu mới, khi “giải mã” nguyên nhân vượt thu NSNN năm 2013, lãnh đạo Bộ Tài chính tiết lộ, còn một nguyên do khác là ngành Tài chính đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đấu tranh với các hành vi gian lận thuế, đẩy nhanh việc xử lý để giảm nợ đọng thuế...

Trong năm 2013, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 340 DN có rủi ro cao về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), qua đó xử lý truy thu và truy hoàn hơn 238 tỷ đồng, chuyển 67 hồ sơ DN có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan pháp luật. Trong đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 17 DN, bắt giữ 22 đối tượng vi phạm... Các biện pháp mạnh tay này đã tăng tính răn đe, nên các hành vi vi phạm về thuế đang giảm dần.

Đặc biệt, cùng với xử lý các DN có hành vi vi phạm về thuế, góp phần tăng thu cho NSNN, ngành Tài chính cũng đã mạnh tay xử lý cán bộ thuế, hải quan có liên đới trách nhiệm trong việc để DN trốn lậu thuế, gian lận hoàn thuế GTGT bằng các biện pháp như: đình chỉ công tác, kiểm điểm, xử lý hành chính...

“Tinh thần chung là lãnh đạo Bộ Tài chính không muốn phải xử lý cán bộ vi phạm, nhưng với những trường hợp sai phạm cụ thể, thì thái độ xử lý rất rõ ràng, để loại bỏ tình trạng ‘con sâu làm rầu nồi canh’. Không thể để một vài cán bộ vi phạm, mà ảnh hưởng tới nỗ lực của toàn ngành…”, ông Dũng nói và khẳng định, việc xử lý cán bộ thuế, hải quan vi phạm sẽ tiếp tục được tăng cường trong năm 2014, để gia tăng kỷ luật, kỷ cương tài chính, đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu NSNN khá nặng nề đề ra cho năm nay. Riêng đối với ngành Hải quan, phải tăng cường luân chuyển cán bộ, chú trọng minh bạch hơn về thực thi chính sách, sử dụng cán bộ trong năm 2014 và thời gian tới, để đấu tranh có hiệu quả với các hành vi tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, cũng như các hành vi gian lận thuế…

 Trong năm 2013, cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra 60.273 DN, qua đó xử lý thu vào ngân sách hơn 13.186 tỷ đồng; thu hồi 25.482 tỷ đồng tiền thuế, chiếm 52% trên tổng số nợ thuế tính đến cuối năm 2012.

Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thu ngân sách năm 2014 sẽ vượt 5% dự toán (15/01/2014)

>   Từ 01/01/2016: Áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% (14/01/2014)

>   Hàng hoá xuất khẩu từ khu phi thuế quan thuộc KKTCK được hoàn thuế TTĐB đầu vào (14/01/2014)

>   Việt Nam, Hong Kong ký bổ sung Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (14/01/2014)

>   Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trải lòng về điều hành ngân sách 2013 (12/01/2014)

>   Cần loại bỏ những “con sâu” trong ngành thuế (10/01/2014)

>   Tổng cục Thuế sẽ thanh tra hoạt động chuyển nhượng vốn ngay sau Tết (09/01/2014)

>   Bộ Tài chính sửa sai, đại gia ôtô bị truy thu 195 tỷ (09/01/2014)

>   Năm 2013: Thanh tra ra hơn 300.000 tỷ đồng sai phạm (08/01/2014)

>   Ống thép, lốp xe chịu thuế chống bán phá giá (08/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật