Tỷ giá ổn định, buôn ngoại tệ thế nào?
Không ít ngân hàng khi nhìn vào định hướng kiểm soát biến động tỷ giá không quá 2% của NHNN thì tỏ ra ngán ngẩm vì mất cơ hội lướt sóng. Tuy nhiên, kinh doanh ngoại tệ không chỉ có vậy.
Năm 2013, với “room” điều chỉnh tỷ giá Chính phủ giao cho NHNN không quá 3% nhưng thực tế tỷ giá bình quân liên ngân hàng chỉ tăng hơn 1%, còn các TCTD chỉ được điều chỉnh tỷ giá tối đa 1% so với mức bình quân liên ngân hàng, đã xuất hiện ý kiến phàn nàn từ lãnh đạo các NHTM: Kinh doanh tiền tệ trong năm vốn đã rất khó khăn, với việc NHNN “neo” tỷ giá, mảng kinh doanh ngoại tệ gần như không mang được lợi nhuận về cho ngân hàng. Hy vọng NHNN sẽ có sự điều chỉnh nhất định trong năm 2014.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 24/12, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2014, tỷ giá sẽ điều chỉnh linh hoạt hơn, để làm sao hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng vẫn đảm bảo cân đối vĩ mô nói chung và mức điều chỉnh không quá 2%. Theo các chuyên gia kinh tế, quan điểm của NHNN là muốn ổn định tỷ giá. Mục tiêu dài hạn của NHNN là nâng cao giá trị của tiền đồng và hạn chế tình trạng đô la hóa.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Kinh doanh tiền tệ Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, các số liệu cho đến thời điểm này cho thấy, bản thân thị trường không thiếu ngoại tệ, thậm chí còn dư. Cán cân thương mại năm nay khá cân bằng, cộng thêm các nguồn cung khác từ thu hút đầu tư và kiều hối đã tạo ra thặng dư ngoại tệ. NHNN cũng sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường như đã làm với thị trường vàng.
“Như vậy, quan điểm ổn định tỷ giá của NHNN là rất rõ”, ông Quang nói. “Nhưng tôi cho rằng, NHNN không bao giờ đóng hết các cánh cửa cơ hội kinh doanh của các ngân hàng. Bản thân NHNN cũng hiểu rõ rằng, các ngân hàng phải sống tốt, sống khỏe thì hệ thống mới lành mạnh và từ đó hỗ trợ doanh nghiệp về vốn”.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn của VIB chia sẻ: “Lợi nhuận từ ‘buôn’ ngoại tệ tại VIB cũng ổn, dù không được xuất sắc như những năm trước, nhưng với điều kiện kinh doanh mới, Ngân hàng sẽ có chiến lược cụ thể”.
Quả vậy, nếu nhìn vào đường cong lãi suất tiền đồng sẽ thấy, thị trường đang còn nhiều cơ hội hấp dẫn. Bởi trong khi vực châu Á -Thái Bình Dương, thậm chí là tại các thị trường mới nổi, không có nhiều thị trường tốt như Việt Nam.
Cụ thể, đường cong lãi suất của Việt Nam hiện vẫn đang rất dốc, có nghĩa là chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài vẫn rất đáng kể. Nếu so sánh lãi suất cho vay qua đêm năm 2013 trung bình khoảng 3%/năm với lợi tức trái phiếu chính phủ khoảng 7,5 - 8,5%/năm hoặc thậm chí cao hơn đối với trái phiếu doanh nghiệp sẽ thấy, đây là sự hấp dẫn của các giấy tờ có giá bằng VND.
Ông Quang phân tích thêm, hiện giờ, vốn của các ngân hàng Việt Nam không hề nhỏ, nếu dựa vào quy định của NHNN về cho phép giữ trạng thái ngoại tệ lên đến 20% thì với việc tỷ giá được kiểm soát biến động dưới 2%, các ngân hàng lớn có thể thu được lợi nhuận không nhỏ từ kinh doanh ngoại tệ, đặc biệt qua việc tận dụng trạng thái âm USD.
Ví dụ, một ngân hàng đang dư 100 triệu USD, nếu chuyển toàn bộ sang tiền đồng để đầu tư vào trái phiếu sẽ có thể thu về một khoản chêch lệch lãi suất đáng kể.
“Đây là cơ hội kinh doanh rất tốt, nhưng đương nhiên đòi hỏi các ngân hàng phải có công cụ tốt để kiểm soát rủi ro - luôn tiềm ẩn đối với hoạt động kinh doanh dựa trên chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn”, ông Quang nói.
Thực tế cho thấy, nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm phái sinh ngoại tệ là luôn luôn có, vấn đề là các ngân hàng phải nhìn ra được các nhu cầu của doanh nghiệp và đưa ra được sản phẩm phù hợp với nhu cầu đó.
Nếu các ngân hàng vẫn nắm bắt được các nhu cầu đó với các sản phẩm phòng chống rủi ro, sản phẩm giúp cho doanh nghiệp quản lý dòng tiền tốt hơn… thì chúng sẽ thực sự mang lại lợi nhuận tốt cho ngân hàng.
Thị trường mở ra rất nhiều cơ hội để ngân hàng kinh doanh và kinh doanh tiền tệ thực tế bao gồm một phạm vi rộng hơn, chứ không đơn giản chỉ là sự đầu cơ vào những con sóng ngoại hối, những lần phá giá của NHNN hay từ những mập mờ không rõ ràng của các giao dịch trong, ngoài biên độ…
Hồng Dung
đầu tư chứng khoán
|